MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ở nhà tránh dịch có thể chán nhưng còn hơn phải trả giá vì chủ quan

29-03-2020 - 17:12 PM | Sống

Hạn chế ra đường, luôn đeo khẩu trang có thể bất tiện. Nhưng sự chủ quan dù rất nhỏ của bất cứ ai cũng có thể sẽ "tiếp tay" cho dịch bùng phát trong cộng đồng.

Những cái giá đắt của sự chủ quan trong cuộc chiến chống Covid-19

Covid-19 không còn là nỗi lo lắng bâng quơ nữa mà trở thành đại dịch toàn cầu, đã áp sát hơi thở của nó vào Việt Nam với 179 ca nhiễm bệnh. Trong khi các cơ quan chuyên môn đang cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn sức khỏe cho toàn dân, đáng ngạc nhiên thay, có một bộ phận nhỏ lại tỏ ra chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hồi đầu tháng 3 âm lịch, người ta vẫn chen nhau đi lễ Phủ Tây Hồ, phần lớn không đeo khẩu trang. Một bệnh nhân nhiễm virus tại Sài Gòn trong giai đoạn cách ly tại nhà đã trốn đi lễ 5 lần/ngày. Rồi người ta vẫn ra đường, tìm cách tụ tập, gặp gỡ nhau sau lệnh đóng cửa các nhà hàng, quán bar, cafe, những mặt hàng kinh doanh không thiết yếu tại thành phố Hồ Chí Minh chiều 24/3 và tại Hà Nội chiều 25/3.

Ở một số chợ đầu mối, chợ dân sinh, vẫn có người mua kẻ bán mà vắng bóng khẩu trang. Chiều chiều, ở một số khu dân cư, khu tập thể, các bà vẫn ôm cháu ra sân chung ngồi tán gẫu, bàn chuyện xa gần, có người dù giữ khoảng cách tối thiểu 2m nhưng không đeo khẩu trang. Một số người vẫn ra công viên tập thể dục mà để mặt trần không che chắn.

Ở nhà tránh dịch có thể chán nhưng còn hơn phải trả giá vì chủ quan - Ảnh 1.

Có lẽ với một số người, việc không đeo khẩu trang, vẫn ra đường là do thói quen hay công việc mưu sinh. Cũng có người, dù rất rõ phải luôn đeo khẩu trang và thực hiện rất tốt việc đảm bảo an toàn cá nhân… nhưng họ chỉ thực hiện khi đi làm, đến những nơi lạ, còn khi về khu vực mình sinh sống, tiếp xúc với hàng xóm láng giềng lại bỏ lơ vì tin rằng xung quanh mình toàn người khỏe mạnh. Họ quên mất, đôi khi chính sự lơi lỏng cảnh giác dù chỉ trong chốc lát đó cũng kịp để mang lại hậu quả.

Như Kim, nữ sinh trung học ở tâm dịch Daegu, Hàn Quốc chẳng hạn. Cô bị lây nhiễm từ một người truyền giáo của giáo phái Tân Thiên Địa ở ga tàu điện ngầm chỉ sau một cuộc nói chuyện 10 phút.

Hoặc như nữ bệnh nhân là nhân viên siêu thị điện máy tại Đà Nẵng. Cô có đeo khẩu trang trong quá trình làm việc, nhưng trong cuộc trò chuyện với một vị khách người Anh (dương tính với virus), không hiểu vì lý do gì mà cô đã chủ quan kéo khẩu trang xuống trong khoảng 2 phút.

Hãy nhớ virus SARS-CoV-2 chẳng chừa một ai, ngay cả với những người trẻ. Theo thống kê sơ bộ trong cuộc họp chiều 20/3 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, đa phần bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tại Việt Nam là người trẻ - nhóm người vẫn thường cho rằng mình có sức khỏe tốt.

Vậy đấy, chỉ một mồi lửa nhỏ mà ai đó vô tình vứt lại có thể làm cháy cả một cánh rừng. Sự lan truyền theo cấp số nhân của SARS-CoV-2 cũng nguy hiểm y hệt vậy. Nếu có một ca nhiễm bệnh không tuân thủ cách ly “lang thang” ngoài cộng đồng rộng lớn, cả xã hội sẽ phải đuổi theo. Khi đó, không bàn đến chuyện chỉ 2 hay 4 tuần, thời gian ở nhà của chúng ta có lẽ còn dài hơn, và cái giá phải trả của cả nền kinh tế, y tế, giáo dục… sẽ rất nặng nề.

“Ở nhà"- buồn, khó nhưng là điều cần làm

Để chống dịch triệt để, từ 28/3 đến hết ngày 15/4, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đóng cửa hàng loạt các hàng quán ăn uống, cafe, dừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu, dừng một số chuyến xe bus liên tỉnh, xe khách.

Đồng thời trong giai đoạn chống dịch quan trọng này, Chính phủ, Bộ Y Tế và các cơ quan chính quyền địa phương cũng đưa ra lời hiệu triệu khẩn thiết: Người dân nếu không có nhiệm vụ gì, nếu thực sự không cần thiết thì nên ở nhà vì nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng đang rất cao.

Chống dịch với tinh thần trách nhiệm cao, ai cũng đồng lòng, nhưng cũng không thể phủ nhận, ở nhà lâu quá, hạn chế tiếp xúc xã hội, với bất cứ ai cũng là một sự đảo lộn sinh hoạt. Nhất là khi, trẻ quen đi học vui đùa với bạn bè, người đi làm có giao tiếp nơi công sở, bù khú bạn bè, người già có thể ra sân chung, công viên đi dạo, tâm sự nhỏ to…

Ở nhà tránh dịch có thể chán nhưng còn hơn phải trả giá vì chủ quan - Ảnh 2.

Một phần tâm hồn của chúng ta bỗng trở nên thiếu hụt khi quán phở thơm ngon mỗi sáng luôn ở đó bao năm bỗng dưng đóng cửa, quán cafe quen với bạn bè sẽ chuyển sang chế độ ship, tiệm ốc thi thoảng tụ tập với cạ cứng cũng đã dẹp... Dù bây giờ, hiếm có nhà nào thiếu đồ ăn thức uống, nhưng cảm giác thèm quay quắt một miếng ngon ở hàng, một giờ ngồi tán gẫu hóng gió vẫn khiến ta bỗng dưng cằn cỗi.

Dầu vậy, trong thời điểm này, ở nhà, đó không còn là một lựa chọn nữa, mà trở thành một nghĩa vụ công dân, thể hiện ý thức bảo vệ bản thân và sự chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Bởi nếu mọi người ra đường dù có đeo khẩu trang (chưa kể đeo sai cách), vẫn còn tụ tập chém gió, ăn uống đường phố và thoải mái tiếp xúc với nhau theo một cách chủ quan đến ngây thơ, đó chính là môi trường “hoàn hảo” để virus phát tán.

Xin bạn, hãy vì cộng đồng và vì chính mình mà nhẫn nại thêm một thời gian nữa “ăn cơm nhà, quẩy tại gia”, giao tiếp xã hội bằng cách online. Mọi người càng giữ khoảng cách xã hội với nhau thì dịch bệnh sẽ qua đi càng nhanh, chúng ta sẽ càng an toàn hơn. Hãy nghĩ đến sức khỏe của bản thân và cộng đồng trước khi bước chân ra đường, đảm bảo rằng niềm vui của mình sẽ không làm ảnh hưởng đến gia đình và những người vô can.

Ở nhà tránh dịch có thể chán nhưng còn hơn phải trả giá vì chủ quan - Ảnh 3.

Hơn cả, nếu suy nghĩ và hành động tích cực, ở nhà mùa dịch sẽ là cơ hội để chúng ta có nhiều điều mới trong cuộc sống vốn quá bận rộn. Chúng ta có thể tập cho mình và gia đình thói quen kỹ lưỡng hơn trong chăm sóc sức khỏe: “Cai” ăn đường uống chợ, tránh tụ tập tán gẫu vô bổ, quan tâm hơn đến việc rửa tay với xà phòng, tập thể dục thể thao tại nhà, chăm sóc đề kháng… Không còn lúc nào hợp hơn bây giờ để nhìn lại việc mình đã nghiêm túc thế nào trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Ở trong nhà thêm 2 - 4 tuần nữa, chúng ta cũng có thể dành thêm thời gian để cảm nhận sự kết nối với gia đình. Ai cũng bảo gia đình là thứ mình quan trọng nhất và phấn đấu vì nó, đây chính là lúc ta thể hiện bằng hành động. Gắn kết với gia đình, học cách đối thoại trong những thời gian “trống”, nhìn sâu vào những vấn đề rắc rối mà thường ngày, sự bận rộn khiến ta lờ đi, hoặc cảm thấy ngột ngạt nên bỏ ra ngoài tìm niềm vui.

Cuối cùng, không phải rất nhiều người trong chúng ta ngày thường đều quá đỗi quay cuồng với họp hành, công việc hay sao? Đây cũng là lúc ta có thể sống chậm một chút, đọc thêm vài cuốn sách, nhấm nháp vài bộ phim hay, học làm bánh, thêu thùa, học ngoại ngữ hay bất cứ thứ gì mà ngày thường ta luôn kiếm cớ “không có thì giờ” để phát triển bản thân. Không ai mong muốn dịch bệnh xảy ra, nhưng khi đã phải đối mặt, không phải chúng ta nên chọn cách tích cực nhất cho bản thân và xã hội hay sao?!

Ở nhà tránh dịch có thể chán nhưng còn hơn phải trả giá vì chủ quan - Ảnh 5.

Theo Thiên Yết - Design: Thủy Tiên

Trí thức trẻ

Trở lên trên