MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ôm laptop chạy deadline suốt 5 ngày nghỉ lễ hay lên kế hoạch cho kỳ nghỉ chữa lành?

01-05-2023 - 20:55 PM | Sống

Ôm laptop chạy deadline suốt 5 ngày nghỉ lễ hay lên kế hoạch cho kỳ nghỉ chữa lành?

Không đến những địa điểm nổi tiếng và đông đúc, một số bạn trẻ chọn cách tận hưởng thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, kết nối lại với các mối quan hệ cũ và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn để lọc lại những kế hoạch, dự định cho thời gian sắp tới.

Kết nối với bạn bè cũ, "lọc lại" kế hoạch của bản thân

Là một người luôn chọn nghỉ lễ để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần , trong kỳ nghỉ dài 5 ngày này, chị Phan Lai (SN 1993, sống ở Hội An) dự định ở nhà với gia đình, kết nối các mối quan hệ cũ và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn.

"Mình đã làm việc một ngày 10 tiếng và liên tục trong 1 tuần. Nên ngày nghỉ lễ là khoảng thời gian để nạp đầy năng lực tích cực và giải trừ năng lực tiêu cực. Có thể, nhiều bạn chọn cho mình cách để tận hưởng một kỳ lễ là đi du lịch xa nhà, còn bản thân mình chọn cách tận hưởng thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, bạn bè và lọc lại những kế hoạch mình sẽ thực hiện trong tháng tiếp theo", cô gái Hội An chia sẻ.

Cụ thể, Lai đã dành một ngày để tổng dọn vệ sinh nhà cửa, làm mới không gian sống bằng cách trang trí thêm cây cảnh và hoa. Cô cũng tranh thủ nấu một bữa cơm trưa nho nhỏ, cơm gà Hội An, gà trộn và một ít đồ uống có cồn để cùng nhâm nhi với những người thân trong gia đình. Dự định những ngày nghỉ tiếp theo của Lai sẽ là tranh thủ dọn dẹp và trang trí lại khu vườn hoa, vườn rau giúp bố mẹ.

"Mình cũng sẽ đi cắm trại cùng những người bạn bè cũ để kết nối lại với nhau sau một khoảng thời gian dài bị cuốn vào công việc. Chúng mình cùng lắng nghe âm thanh của lá cây, gió để rồi xả bỏ hoàn toàn những căng thẳng tích tụ từ lối sống bận rộn thường ngày. Với những người không có điều kiện gặp mặt trực tiếp, mình sẽ nhắn hỏi thăm sức khỏe và tình hình công việc qua mạng xã hội", Lai nói.

Với cô, "chữa lành" không nhất thiết phải trở thành phiên bản tốt nhất mà là để phiên bản tồi tệ nhất của chính mình được yêu thương.

Ôm laptop chạy deadline suốt 5 ngày nghỉ lễ hay lên kế hoạch cho kỳ nghỉ chữa lành? - Ảnh 1.

Phan Lai (SN 1993, sống ở Hội An) hào hứng lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ "chữa lành". (Ảnh: NVCC)

"Làm chủ" deadline

" Chạy deadline " có lẽ là từ khóa phổ biến luôn ám ảnh và tạo nên áp lực vô hình đối với những người trẻ phải hoàn thành cùng một lúc nhiều nhiệm vụ khác nhau. Vì vậy, dịp nghỉ lễ cũng là cơ hội để một số bạn "làm chủ" các deadline và sắp xếp lại thứ tự ưu tiên công việc.

Loay hoay với những nhiệm vụ từ việc học đến làm thêm ở một công ty công nghệ, Nguyễn Minh Khánh (sinh viên năm cuối trường Cao đẳng FPT) đã quyết định "ôm laptop" 5 ngày nghỉ lễ để hoàn thành các deadline còn dang dở.

Thay vì nhìn một cách tiêu cực rằng nghỉ lễ vẫn phải làm việc, Khánh lại cảm thấy thoải mái hơn khi mình có 5 ngày nghỉ để không bị "deadline dí". Cô bạn xác định mức độ ưu tiên của từng nhiệm vụ để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng trước như sản phẩm tốt nghiệp... và tranh thủ hoàn thành trước một số nhiệm vụ đơn giản trong kế hoạch làm việc tháng tới.

"Ngoài những thời gian cố định cho làm việc, mình muốn tận dụng những thời gian rảnh để hoàn thành các nhiệm vụ nhỏ. Như vậy, khi bắt đầu tháng mới sẽ không phải sống trong cảnh "deadline ngập đầu", Khánh nói.

Tuy nhiên, cô bạn cũng cho rằng, cần có một, hai ngày để bản thân thực sự nghỉ ngơi và ngắt kết nối với công việc, mạng xã hội . Tránh tình trạng làm việc xuyên lễ quá sức làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

"Với mình, mình sẽ cảm thấy áp lực nặng nề khi bỏ lỡ hay không hoàn thành được một nhiệm vụ quan trọng nào đó. Vậy nên, nếu công việc và những kế hoạch của bản thân còn "ngổn ngang", mình nghỉ ngơi hay đi du lịch sẽ không cảm thấy thoải mái, luôn bất an", nữ sinh chia sẻ.

Ôm laptop chạy deadline suốt 5 ngày nghỉ lễ hay lên kế hoạch cho kỳ nghỉ chữa lành? - Ảnh 2.

Một số bạn trẻ chọn "chạy deadline" xuyên lễ. (Ảnh minh họa)

Nhìn nhận về xu hướng tự “chữa lành” của người trẻ, Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga lý giải, đây là quá trình tự trở nên lành lặn của những gãy vỡ, tổn thương , khác với trị liệu chỉ có thể được thực hiện bởi các nhà chuyên môn y tế hoặc tâm lý. Cho dù một người có bị tổn thương cần được trị liệu hay không, tất cả chúng ta đều có nhu cầu đạt đến sự cân bằng, ổn định của cơ thể và tâm trí. Quá trình này có thể bao gồm nhiều phương pháp, từ truyền thống đến hiện đại, như lối sống, ăn uống, tập thể dục, yoga, massage, thiền định, chăm sóc sức khỏe tinh thần, trị liệu tâm lý hay dược lý và nhiều hơn nữa...


Theo Diệu Nhi

Tiền Phong

Trở lên trên