MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Đặng Hùng Võ đề xuất tăng thuế để hạn chế di cư vào Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh: Đó là thuế gì?

"Mỗi người tùy theo khả năng thu nhập của mình mà lựa chọn nơi ở cho phù hợp. Mọi người luôn mong muốn cuộc sống tiện lợi nhất, nhưng năng lực lao động sẽ quyết định thu nhập là là cơ sở để lựa chọn nơi sinh sống cho phù hợp", GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết.

Tại hội thảo "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP" do UBND TP.HCM tổ chức hôm 22/11, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT nhận định việc dùng quy định pháp luật hay quyết định hành chính đều sẽ không ngăn được làn sóng di cư vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Thay vào đó, ông cho rằng cần áp dụng rào cản kỹ thuật, cụ thể là áp mức thuế cao để những người sống các thành phố này phải có thu nhập cao mới "trụ" được.

"Dùng thuế là bộ lọc, là rào cản kỹ thuật duy nhất để giải quyết vấn đề di cư. Chứ cứ như thế này chả mấy chốc dân số Hà Nội, TP.HCM tăng lên 40 - 50 triệu người mà không cách gì cản được", ông cho biết. 

Ý kiến đã tạo ra sự tranh luận với các chuyên gia khác. Cụ thể, bà Phạm Chi Lan cho rằng hệ thống thuế của quốc gia là quy định chung, thống nhất chứ không phải quy định riêng, chia theo tính vùng miền. Nếu có mức thuế khác nhau sẽ tạo ra tiền lệ xấu, mỗi địa phương lại xin với Trung ương cho được đánh thuế thêm giữa đô thị, thành phố thuộc tỉnh với các vùng khác để quản lý dân cư – bà Chi Lan nói. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM, thì chỉ ra rằng quyền tự do cư trú của công dân là quyền hiến định. Do đó, đề xuất đánh thuế cao để ngăn người nhập cư vào các thành phố lớn là hoàn toàn không phù hợp.

TP. Hồ Chí Minh, theo ông Châu, về mặt xã hội luôn là thành phố của người nhập cư. Điều này tạo nên bản sắc dân cư và tính mở cho thành phố. Người nhập cư cũng là lao động giải quyết rất nhiều vấn đề của các thành phố, từ chân tay đến lao động trí óc.

Phân tích về đề xuất gây tranh cãi của mình, nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ cho biết "thuế" được ông nhắc đến là thuế bất động sản. Theo ông, đây là hình thức để quản lý và phát triển đô thị tốt hơn.

Ông cho biết cả TP. HCM và Hà Nội đều rơi vào tình trạng dân số tăng cơ học quá lớn, hạ tầng hiện nay không chịu nổi, chất lượng dịch vụ công quá thấp, môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Có thể sớm rơi vào tình trạng vỡ trận.

Để giải quyết vấn đề này, các đô thị lớn trước đó sử dụng biện pháp có nhà mới được nhập hộ khẩu, có hộ khẩu mới được mua nhà. Tuy nhiên, ông cho biết đây là một nguyên tắc mà không người dân nào thực hiện nổi nên năm 2003, khi họp về xây dựng Luật đất đai, ông đã đặt vấn đề cần bỏ quy định này ở Hà Nội. 

Ông Võ từng đưa ra quan điểm điều chỉnh thuế bất động sản trước đó. Cụ thể như năm 2006, thời điểm Việt Nam đang trong cơn sốt đất, giá nhà đất tăng gấp 3 lần trong 2,5 năm. Cụ thể, ông cho rằng thị trường trở nên lộn xộn vì thuế đánh vào bất động sản quá thấp, trong khi đây là công cụ duy nhất đảm bảo sự phát triển của đô thị lành mạnh, hiệu quả cao.

Theo ông, tại các nước công nghiệp, thuế bất động sản được tính theo thuế suất cơ bản 1% tính trên giá đất thị trường, chiếm tỷ trọng từ 50% tới 90% nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Đây là nguồn lực chính để phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng. Nguyên tắc của các nước này là nguồn thu chính cho địa phương là từ đất, không đánh thuế cao vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm kích thích phát triển kinh tế. Mỗi người sống tại đâu đểu phải đóng góp thông qua thuế bất động sản để phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng. Mỗi một địa phương phải thu ở mức đủ để tự phát triển trên đôi chân của mình theo hướng phù hợp với mức thu nhập của người dân.

Tại đô thị, giá bất động sản cao thì thuế đóng cao, tại nông thôn giá bất động sản thấp thì thuế đóng thấp.

"Mỗi người tùy theo khả năng thu nhập của mình mà lựa chọn nơi ở cho phù hợp. Mọi người luôn mong muốn cuộc sống tiện lợi nhất, nhưng năng lực lao động sẽ quyết định thu nhập là cơ sở để lựa chọn nơi sinh sống cho phù hợp. Thuế chính là công cụ quan trọng để điều chỉnh dòng người tự do tìm nơi cư trú. Công cụ thuế cũng tạo nên nguồn lao động chất lượng cao cho phát triển cả đô thị và nông thôn", ông cho biết.

Tại Việt Nam, thu thuế bất động sản hiện nay chỉ với thuế suất cơ bản 0,03% giá đất của Nhà nước, tức là chỉ khoảng 0,01% giá đất thị trường. Tổng thu từ thuế sử dụng đất chiếm khoảng 3% tổng thu ngân sách từ đất, tức là chỉ chiếm 0,6% tổng thu ngân sách địa phương. Tức có sự khác biệt rất lớn với các nước công nghiệp, đồng thời tạo hệ quả xấu lên đô thị.

Bên cạnh đó, loại thuế này cũng đóng nhiều vai trò điều tiết khác cho đô thị như ngăn ngừa đầu cơ, tích trữ đất, tránh sốt đất, tạo cơ hội dễ dàng hơn cho người có thu nhập trung bình hoặc thấp tiếp cận nhà ở…

Do vậy, ông Võ cho biết vấn đề ông đặt ra là cải cách thuế bất động sản. Và việc cải cách này không chỉ nhằm mục tiêu tăng thuế mà xem xét điều chỉnh để công cụ thuế đạt được hiệu quả cao.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên