MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Don Lam đưa ra lời khuyên cho các NĐT nước ngoài hậu Covid-19: "Các cơ hội đầu tư ở Việt Nam gần như là vô tận, nhưng để thành công đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực"

TTCK Việt Nam hiện đang giao dịch với mức PE khoảng 10,3 lần, mức rẻ nhất kể từ năm 2012 và thấp nhất trong khu vực. Đây chắc chắn là một cơ hội mua hấp dẫn.

Tại diễn đàn Tài chính quốc tế Seoul (Seoul International Finance Forum) tổ chức ngày 22/4/2020, ông Don Lam, nhà sáng lập, Tổng giám đốc quỹ đầu tư VinaCapital, công ty đang đầu tư 5 tỷ USD vào thị trường Việt Nam, đã tham gia thuyết trình trực tuyến với những thông tin tổng quát về tình hình kinh tế Việt Nam, những cố gắng mang lại hiệu quả tích cực của Chính phủ Việt Nam bảo vệ người dân khỏi Covid-19 đồng thời cân bằng với việc tiếp tục giữ đà phát triển kinh tế. Ông Don Lam cũng đưa ra khuyến nghị đầu tư cho các nhà đầu tư quốc tế, dựa trên tình hình thực tế trong thời gian dịch và sau phục hồi.

Việt Nam là điểm đến an toàn

Theo ông Don Lam, Việt Nam duy trì số ca nhiễm thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và không có ca tử vong vì dịch bệnh. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đang thực sự phát huy tác dụng và được toàn thế giới công nhận. Đại dịch diễn biến phức tạp trên toàn thế giới nhưng với nguồn lực khá hạn chế, các biện pháp phòng dịch của Việt Nam rất hiệu quả.

Bên cạnh việc "chống dịch như chống giặc", Chính phủ Việt Nam mau chóng hồi phục kinh tế. Chính phủ Việt Nam đưa ra gói hỗ trợ kinh tế với tổng trị giá tới 4,7% GDP và có thể tăng thêm trong trường hợp cần thiết. 

Các gói cứu trợ bao gồm: (i) trợ cấp bằng tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh, các hộ kinh doanh gia đình, người nghèo trong 3 tháng (giá trị 2,6 tỷ USD – gói cứu trợ 63.000 tỷ), (ii) cho vay không lãi suất cho các công ty bị ảnh hưởng để trả lương người lao động (700 triệu USD), (iii), giãn thời gian trả bảo hiểm xã hội tới tháng 12/2020 (400 triệu USD).

Gói hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng có tổng giá trị 3,4 tỷ USD nhưng có thể tăng gấp đôi nếu cần. Gói này sẽ áp dụng với nhiều ngành nghề, hỗ trợ kéo dài thời gian đóng các loại thuế (VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân có liên quan tới hộ kinh doanh gia đình).

Gói hỗ trợ tín dụng từ NHNN với lãi suất cho vay ưu đãi. Gói hỗ trợ này có giá trị khoảng 13 tỷ USD và không nằm trong gói hỗ trợ gần 5% GDP đã đề cập ở trên (theo đó các doanh nghiệp sẽ được giảm lãi vay khoảng 1% so với mức thông thường).

Có thể nói rằng Chính Phủ Việt Nam đang áp dụng những biện pháp quyết liệt về y tế và kinh tế để khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh.

PE TTCK Việt Nam thấp nhất trong 8 năm qua: Đây chắc chắn là cơ hội mua hấp dẫn

Theo ông Don Lam, giống như nhiều thị trường khác trên thế giới, TTCK Việt Nam đã điều chỉnh đáng kể trong quý 1. Vn-Index giảm hơn 32% tính đến ngày 31/3, nhiều cổ phiếu đã giảm 30-40% với mức định giá cao trước đây, giờ đã trở nên hấp dẫn. TTCK Việt Nam hiện đang giao dịch với mức PE khoảng 10,3 lần, mức rẻ nhất kể từ năm 2012 và thấp nhất trong khu vực. Đây chắc chắn là một cơ hội mua hấp dẫn.

CEO VinaCapital cho rằng một số cổ phiếu nên mua là các công ty bluechips có tính thanh khoản, các cổ phiếu còn room và cổ phiếu thu hút nhà đầu tư nước ngoài trước đó.

Nếu không thích mạo hiểm thì NĐT không nên đầu tư vào các loại cổ phiếu ít được biết tới hoặc có lượng giao dịch thấp.

Ngoài ra, có thể cân nhắc một số cổ phiếu của các ngành đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển liên tục của chuỗi cung ứng tại Việt Nam hoặc những ngành sản xuất hàng hóa cần dùng trong tương lai, khái niệm đối ngược với các loại hàng hóa dịch vụ mang tính hiện tại, tức thời.

Theo ông Don Lam, khi quá trình phục hồi bắt đầu, các nhóm ngành cơ bản sẽ được quan tâm. Các công ty có bảng cân đối tài chính lành mạnh và thị phần tốt sẽ tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên quá trình hồi phục (và tăng trưởng) có thể diễn ra chậm, và thị trường cổ phiếu tiếp tục điều chỉnh giảm. Điều này có thể khiến nhà đầu tư lại tập trung vào đầu tư vốn cổ phần tư nhân (private equity) và các sản phẩm có thu nhập cố định (trái phiếu). 

Khi đó, những công ty có triển vọng tốt đang cần vốn đầu tư để phục hồi và tiếp tục tăng trưởng sẽ được lựa chọn để đầu tư chứ không phải TTCK.

Cuối cùng, có thể cân nhắc đầu tư vào các doanh nghiệp có bảng cân đối tài chính yếu hơn nhưng tiền vốn đầu tư thấp và sở hữu các tài sản hữu hình như ngành du lịch và bất động sản.

Cơ hội đầu tư tại Việt Nam: Chọn ngành nào?

Theo quan điểm của VinaCapital, ngành hàng tiêu dùng là ngành tăng trưởng nhanh nhất, mặc dù chịu tác động ngắn hạn từ dịch bệnh, tuy nhiên VinaCapital tin rằng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Quỹ ưu tiên những ngành nghề thúc đẩy tích cực tới nhu cầu tiêu dùng trong nước vốn ngày càng tăng cao do một số yếu tố sau: quá trình đô thị hóa, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, và kết cấu dân số trẻ, tỷ lệ thất nghiệp thấp.

Y tế là lĩnh vực đang được tầng lớp trung lưu tập trung chú ý, hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Việt Nam được mở rộng trong thời gian qua song vẫn quá tải so với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, khu vực y tế tư nhân đang phát triển mạnh và đủ điều kiện phục vụ tại chỗ cho phân khúc khách hàng cao cấp thường sang Singapore hoặc Nhật Bản để chữa bệnh.

Năng lượng cũng là một ngành tiềm năng, việc đầu tư vào năng lượng đang được Chính phủ Việt Nam ưu tiên hàng đầu. Do nhu cầu về năng lượng trong nước ngày càng cao nên Việt Nam đang phải nhập khẩu điện từ các nước láng giềng. Càng thêm nhiều nhà máy sản xuất được mở tại Việt Nam thì nhu cầu về điện càng tăng cao. Nguồn năng lượng tái tạo và điện từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) chính là tương lai của ngành năng lượng Việt nam.

Ngành hàng sản xuất hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu phục vụ xây dựng, phát triển hạ tầng và bất động sản cũng khá tiềm năng, việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng sẽ tạo đà kích thích tăng trưởng kinh tế và nguồn cung trong nước đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. VinaCapital khuyến cáo không đầu tư vào các công ty sản xuất để xuất khẩu vì rủi ro cao.

Cuối cùng là lĩnh vực công nghệ: Các startup về fintech, trí tuệ nhân tạo, bất động sản và logistic. Năm 2018, VinaCapital đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures để sớm nắm bắt các cơ hội mới.

Theo ông Don Lam, Du lịch sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong nam 2020. Nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam chạm mức kỷ lục là 18 triệu lượt năm 2019 (so với con số 5 triệu trong năm 2010), trong khi số lượt du lịch nội địa là 85 triệu lượt. Thời điểm hiện tại Việt Nam sẽ thu hút khách du lịch trở lại nhờ được nhìn nhận là điểm đến an toàn sau Covid-19 với chi phí hợp lý.

Tất nhiên, thời điểm tăng trưởng của ngành sẽ phụ thuộc vào điều kiện chung của kinh tế toàn cầu, phương tiện giao thông và hệ thống y tế. Đây là thời điểm tốt để đầu tư vào lĩnh vực này.

Lời khuyên cho các nhà đầu tư

Nhắn nhủ với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Don Lam cho rằng việc đầu tư vào Việt Nam cũng giống như bất kỳ thị trường cận biên hay mới nổi nào khác đều đi kèm với những rủi ro. Làm thế nào NĐT giảm thiểu rủi ro?

Với 20 năm kinh nghiệm đầu tư tại TTCK Việt Nam, Tổng giám đốc VinaCapital khuyên các NĐT phải có một cái nhìn dài hạn. Thời gian "hái trái mọc thấp" và kiếm tiền nhanh đã qua đi. Kiên nhẫn là điều quan trọng khi tham gia đầu tư tại Việt Nam.

Thứ hai, tiến hành thẩm định một cách kỹ lưỡng. "Tin tưởng nhưng xác minh". Các doanh nghiệp Việt Nam có thể được điều hành một cách chuyên biệt, do đó hiểu rõ tình hình doanh nghiệp thông qua báo cáo tài chính, quyền sở hữu công ty, quyền sử dụng đất đai, mối quan hệ khách hàng…là điều cực kỳ quan trọng.

Một trong những sai lầm của NĐT nước ngoài là cho rằng tất cả các thị trường Đông Nam Á là như nhau. Thực tế không phải như vậy. Mỗi quốc gia có một quỹ đạo phát triển riêng với cách làm việc riêng của họ. Một sai lầm khác là cho rằng những gì đạt hiệu quả ở quê nhà thì cũng sẽ đạt hiệu quả ở Việt Nam. Các DN thành công thường hiểu rõ thị trường và biết điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ của họ cho phù hợp nhất.

Cuối cùng, có một đối tác địa phương đáng tin cậy. Một đối tác là "thổ địa", có kinh nghiệm, mạng lưới, nắm rõ kiến thức và cách làm việc, hiểu rõ văn hóa và con người. Việt Nam rất cởi mở với NĐT nước ngoài nhưng không gì có thể thay thế cho việc có một đối tác bản địa.

Kết luận, ông Don Lam khẳng định Việt Nam đã và sẽ tiếp tục là một điểm đến tuyệt vời cho việc đầu tư. Mặc dù việc hồi phục toàn cầu còn chưa xác định rõ được thời gian nhưng Việt Nam đang ở một vị thế tốt để phục hồi nhanh chóng. Ngay cả khi dự báo GDP đã được điều chỉnh do tác động của Covid-19, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và thế giới.

"Các cơ hội đầu tư ở đây gần như là vô tận", ông Don Lam nhận định, nhưng để thành công đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực, nhanh nhạy tận dụng cơ hội và vượt qua những thử thách.

Châu Cao

Tổ Quốc

Trở lên trên