Ông Trịnh Văn Quyết nhập viện, hoãn phiên phúc thẩm
Tòa quyết định hoãn phiên do bị cáo Trịnh Văn Quyết nhập viện điều trị bệnh lao, phổi và suy thận; trong khi nhóm bị hại, người liên quan đề nghị phiên tòa tiếp tục.
- 29-07-2024Xét xử ông Trịnh Văn Quyết: Thay đổi mức án đề nghị với cựu Chủ tịch HOSE và cựu Phó tổng giám đốc FLC
- 23-07-2024Hai em gái ông Trịnh Văn Quyết không được hưởng lợi?
- 22-07-2024Toà cách ly ông Trịnh Văn Quyết để xét hỏi nhóm bị cáo đồng phạm giúp sức
Sáng 26/12, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại bồi thường dân sự của ông Trịnh Văn Quyết (cụu Chủ tịch Tập đoàn FLC) cùng 25 đồng phạm.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, từ 7h, hàng trăm bị hại và người liên quan đã có mặt làm thủ tục với thư ký. Lực lượng an ninh được huy động đảm bảo trật tự bên ngoài phòng xét xử.
Trong 134 bị hại kháng cáo, chỉ 5 người có mặt, 35 người có đơn xin hoãn, còn lại vắng mặt.
Tòa triệu tập 384 người có quyền nghĩa vụ liên quan nhưng cũng chỉ 135 người có mặt, 85 người có đơn xin xét xử vắng mặt, những người khác không tới phiên tòa. Như vậy trong 518 nhà đầu tư được triệu tập, chỉ 140 người đến sáng nay.
Khi khai mạc phiên tòa, thư ký thông báo các bị cáo có mặt đầy đủ, trừ ông Trịnh Văn Quyết.
Ngoài ra, nhóm luật sư bào chữa cho ông Quyết và một số bị cáo khác cũng vắng mặt.
Lực lượng cảnh sát dẫn giải cho hay, không thể trích xuất bị cáo Trịnh Văn Quyết do sức khỏe không đảm bảo. Hiện bị cáo đang nhập viện Bệnh viện 198 điều trị các bệnh lao, phổi và suy thận…
Khi HĐXX yêu cầu biểu quyết "tiếp tục xử hay hoãn phiên", hơn 20 bị cáo có đơn kháng cáo đều giơ tay đề nghị tạm hoãn. Trái lại, toàn bộ bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt đều phản đối với lý do “họ ở xa, phải di chuyển nhiều lần vất vả, tốn kém chi phí và mất thời gian”.
Đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm đây là lần đầu mở phiên phúc thẩm, bị cáo Quyết giữ vai trò chủ mưu nhưng không có mặt, các bị cáo còn lại đều muốn hoãn phiên. Viện kiểm sát đề nghị HĐXX Tòa án nhân dân Cấp cao xem xét.
Sau khi hội ý, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội quyết định tạm hoãn nhưng chưa ấn định ngày tái mở lại.
Hồi tháng 8/2024, TAND TP Hà Nội (cấp sơ thẩm) tuyên ông Quyết 18 năm tù về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù do “Thao túng thị trường chứng khoán”. Tổng 21 năm tù, ông là người lĩnh hình phạt cao nhất trong 50 bị cáo của vụ án.
Cùng hai tội danh, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC) lĩnh 14 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) 8 năm tù; Hương Trần Kiều Dung (Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC) lĩnh 8 năm 6 tháng tù... Các bị cáo còn lại bị tuyên từ tù treo đến dưới 10 năm tù về các nhóm tội khác nhau.
Tiền Phong