Ông Trump-Putin điện đàm, Kiev sững sờ: Hé lộ nội dung về Ukraine, Kremlin ẩn ý gì khi nói "Hãy chờ xem"?
Nội dung cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vừa được hé lộ. Kiev cho biết họ không hề được thông báo về cuộc trò chuyện này.
- 11-11-2024Giới tỷ phú chuẩn bị cho chính quyền Trump
- 11-11-2024Giá dầu rơi tự do khi ông Trump dự định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris
- 11-11-2024Cuộc gặp đáng chú ý giữa Tổng thống Mỹ Biden và ông Trump tại Nhà Trắng
- 11-11-2024Kinh tế Ấn Độ dự báo hưởng lợi nhờ ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ
Hé lộ nội dung điện đàm Trump-Putin
Tờ Washington Post (WaPo) ngày 10/11 đưa tin, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cuộc điện đàm diễn ra vào thứ Năm (7/11) – chỉ 2 ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, và là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump thắng cử. Song, tới hôm nay nội dung cuộc gọi mới được hé lộ.
Theo các nguồn tin nắm rõ tình hình, trong cuộc gọi diễn ra tại khu nghỉ dưỡng ở Florida, ông Trump "đã khuyên ông Putin không nên leo thang chiến tranh ở Ukraine", đồng thời "nhắc nhở Tổng thống Nga về sự hiện diện đáng kể của quân đội Mỹ ở châu Âu".
Tiếp đó, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về mục tiêu hòa bình trên lục địa châu Âu, và ông Trump bày tỏ sự quan tâm đối với khả năng diễn ra các cuộc trò chuyện tiếp theo "nhằm thảo luận về việc sớm giải quyết cuộc xung đột Ukraine".
Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố "sẽ chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột Ukraine", dù không đưa ra chi tiết về phương thức thực hiện điều đó. Tổng thống đắc cử Mỹ ám chỉ rằng ông sẽ ủng hộ một thỏa thuận mà theo đó, Nga được giữ lại một số lãnh thổ đã giành quyền kiểm soát.
Các nguồn tin của WaPo cho hay, trong cuộc điện đàm lần này, ông Trump "đã nêu vấn đề đất đai một cách ngắn gọn [với ông Putin]".
Cũng trong ngày 7/11, Trump cho biết, ông đã trò chuyện với khoảng 70 nhà lãnh đạo trên thế giới sau cuộc bầu cử, trong đó có Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đặc biệt, cuộc gọi này có cả sự tham gia của tỷ phú Elon Musk.
Theo WaPo, cuộc gọi ban đầu của ông Trump với các nhà lãnh đạo thế giới không có sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ và các phiên dịch viên của chính phủ Mỹ. Nhóm của ông Trump vẫn chưa ký thỏa thuận với Tổng cục Dịch vụ - một thủ tục tiêu chuẩn trong quá trình chuyển giao quyền lực Tổng thống.
Lý do được cho là bởi ông Trump và các trợ lý của ông không tin tưởng các quan chức chính phủ, sau khi biên bản ghi chép về cuộc gọi Tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump bị rò rỉ.
Ban đầu, trong ngày 6/11, Moscow phản ứng lạnh lùng trước chiến thắng của ông Trump. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng, ông Putin không có kế hoạch gọi điện cho Tổng thống mới của "một quốc gia không thân thiện, đang trực tiếp và gián tiếp tham gia vào cuộc chiến chống lại nhà nước Nga".
Tuy nhiên, một ngày sau (7/11), ông Putin đã công khai chúc mừng ông Trump khi tham dự phiên họp của Câu lạc bộ đối thoại Valdai ở thành phố Sochi, đồng thời khen ngợi phản ứng "rất đàn ông" của ông Trump khi đối mặt với vụ ám sát ở bang Pennsylvania hồi tháng 7 năm nay.
Nhà lãnh đạo Nga đồng thời tuyên bố, ông "sẵn sàng nói chuyện" với ông Trump.
Ukraine sững sờ khi biết tin
Nói với Wapo, hai quan chức Mỹ cho biết, giới chức Ukraine "đã được thông báo về cuộc điện đàm Trump-Putin" và không phản đối cuộc trò chuyện này diễn ra.
"Các quan chức Ukraine từ lâu đã hiểu rằng ông Trump sẽ trò chuyện với ông Putin về giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến" – Một quan chức nói.
Tuy nhiên, chính quyền Ukraine nhanh chóng bác bỏ thông tin này.
Trả lời hãng tin Reuters (Anh), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Georgiy Tykhyi cho biết, chính phủ Ukraine không hề được thông báo trước về cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Trump.
"Các báo cáo nói rằng Ukraine đã nhận được thông báo trước về cuộc gọi đều là các báo cáo không đáng tin cậy. Chúng tôi thậm chí không thể bày tỏ sự chấp thuận hay phản đối cuộc gọi này" – Ông Tykhyi nói.
Trước đó, cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Zelensky ngày 6/11 "đã diễn ra trong không khí thân thiện", nhưng được đặt trong bối cảnh các quan chức Kiev đang lo ngại về những thay đổi trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Trump.
Ukraine cần hàng tỷ USD hỗ trợ kinh tế và quân sự mỗi tháng để tiếp tục ngăn chặn Nga, trong khi ông Trump đã phàn nàn về chi phí chiến tranh khi phát biểu trước người dân Mỹ, và ngụ ý rằng Ukraine có thể phải từ bỏ một số lãnh thổ vốn của nước này, như Crimea, để đổi lấy hòa bình.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 10/11 cho biết, trong 70 ngày tới, Tổng thống Biden sẽ tìm cách thuyết phục chính quyền mới của Mỹ "không nên quay lưng với Ukraine".
"Tổng thống Biden sẽ có cơ hội trong 70 ngày tới để trình bày với Quốc hội và chính quyền mới rằng Mỹ không nên quay lưng với Ukraine, và rằng việc quay lưng với Ukraine sẽ đồng nghĩa với việc mang tới nhiều bất ổn hơn cho châu Âu" – Ông Sullivan cho biết trên chương trình "Face the Nation" của đài CBS News.
Nói với tờ Wall Street Journal, một quan chức Mỹ tiết lộ rằng ông Biden đang có kế hoạch gấp rút chuyển giao số tiền viện trợ quân sự còn lại – khoảng 7 tỷ USD – cho Ukraine trước lễ nhậm chức của ông Trump vào tháng 1/2025. Bên cạnh đó, Washington cũng đang "chạy nước rút" chuyển 500 tên lửa đánh chặn cho hệ thống phòng không Patriot tại Ukraine.
Điện Kremlin: Chúng ta hãy chờ xem!
Cũng trong ngày 10/11, nhà báo Pavel Zarubin trên kênh truyền hình nhà nước Rossiya (Nga) đã công bố một cuộc phỏng vấn với Thư ký báo chí của Tổng thống Putin Dmitry Peskov.
Trong đó, ông Peskov nói rằng, các dấu hiệu cải thiện quan hệ Nga-Mỹ dưới thời Tổng thống Trump được đánh giá là "tích cực".
"Trong chiến dịch của mình, ông Trump đã nói về cách ông ấy nhìn nhận mọi thứ thông qua các thỏa thuận, và rằng ông ấy tin mình có thể đạt được một thỏa thuận sẽ đưa mọi người đến với hòa bình. Chúng ta thấy rằng, ít nhất ông ấy đã nói về hòa bình, chứ không nói về đối đầu và mong muốn gây ra thất bại chiến lược cho Nga" – Ông Peskov lưu ý.
Cũng theo ông Peskov, trong khi chiến lược của ông Biden và bà Harris đối với Ukraine mang tính "có thể đoán trước" thì ông Trump "khó đoán hơn, và cũng không có gì chắc chắn về mức độ ông Trump sẽ tuân thủ các tuyên bố mà bản thân ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử".
"Do đó, chúng ta hãy chờ xem" – Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh.
Một quan chức Mỹ nắm rõ nội dung cuộc điện đàm Trump-Putin nói với tờ WaPo rằng, ông Trump có thể "không muốn bước vào nhiệm sở khi sự leo thang của Nga thúc đẩy một cuộc khủng hoảng mới ở Ukraine".
"Điều này có lẽ đã tạo cho ông ấy [Trump] động lực để ngăn chặn chiến tranh trở nên tồi tệ hơn" – Vị quan chức cho hay.
Đời sống Pháp luật