MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trump tuyên bố Trung Quốc không thao túng tiền tệ, đồng USD giảm mạnh

13-04-2017 - 08:41 AM | Tài chính quốc tế

Đây là 1 sự thay đổi lớn bởi trong suốt quá trình tranh cử, ông đã nhiều lần buộc tội Trung Quốc bóp méo tỷ giá để giành lợi thế thương mại .

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã có phát ngôn đi ngược lại với một trong những tuyên bố đáng chú ý nhất trong quá trình tranh cử khi khẳng định ông sẽ không gắn cho Trung Quốc cái mác “thao túng tiền tệ", mặc dù ông nhận định đồng USD mạnh đang ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal hôm qua (12/4), dường như ông Trump đã thừa nhận rằng gần đây Trung Quốc không can thiệp để làm đồng nhân dân tệ yếu đi. “Họ không phải là những kẻ thao túng tiền tệ”, ông nói.

Đây là 1 sự thay đổi lớn bởi trong suốt quá trình tranh cử, ông đã nhiều lần buộc tội Trung Quốc bóp méo tỷ giá để giành lợi thế thương mại và cam kết sẽ gắn cho Trung Quốc cái mác này ngay trong ngày đầu nhậm chức.

Nhận định đồng USD quá mạnh, đến nỗi làm tổn hại đến nền kinh tế bởi các nước khác đang phá giá tiền tệ của ông Trump khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng như đồng USD giảm mạnh.


Đồng USD giảm mạnh sau tuyên bố của Tổng thống Trump. Nguồn: Bloomberg.

Đồng USD giảm mạnh sau tuyên bố của Tổng thống Trump. Nguồn: Bloomberg.

“Tôi nghĩ USD đang quá mạnh, 1 phần cũng là lỗi của tôi khi mọi người quá tin tưởng vào tôi. Nhưng điều đó gây đau đớn. Sẽ rất khó để cạnh tranh khi bạn có 1 đồng tiền mạnh trong khi các nước khác đều đang hạ giá đồng nội tệ của họ”, ông nói.

Ông Trump đã phá lệ so với các đời Tổng thống trước. Những người tiền nhiệm thường không bao giờ bình luận về giá trị của đồng USD trước công chúng vì họ sợ sẽ ảnh hưởng đến thị trường. Thông thường Bộ trưởng tài chính sẽ đại diện cho Chính phủ bình luận về vấn đề này, và quy chuẩn cũng là đồng USD mạnh sẽ tốt cho nước Mỹ.

Chính Bộ trưởng Tài chính trong nội các của Trump là Steven Mnuchin cũng nói rằng sức mạnh của đồng USD trong dài hạn là điều có lợi cho kinh tế Mỹ, dù ông cũng đồng tình trong ngắn hạn điều này có thể gây ra rắc rối.

Ông Trump để ngỏ câu hỏi về khả năng tái bổ nhiệm bà Janet Yellen làm Chủ tịch Fed, nhưng nói rằng mình thích “chính sách lãi suất thấp”.

Trong khi đó Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross mới đây đã bóng gió rằng vấn đề “điều chỉnh tỷ giá sai lệch” (currency misalignment) sẽ được bàn đến trong báo cáo mà bộ của ông đang chuẩn bị về các nước có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ. Theo ông, từ “misalignment” có nghĩa là 1 quốc gia không cố ý bóp méo tỷ giá.

Dự kiến Bộ Tài chính Mỹ sẽ công bố báo cáo đầu tiên về chính sách tiền tệ của các nước dưới thời Tổng thống Trump trong tháng này. Đây được coi là kênh chính thức để Tổng thống có thể kết luận 1 nước có bóp méo tỷ giá hay không, dẫn đến các cuộc đàm phán hoặc hình phạt. Theo luật, Bộ Tài chính có nhiệm vụ báo cáo cho Quốc hội 2 năm 1 lần về chính sách điều hành tỷ giá của các đối tác thương mại lớn.

Báo cáo gần nhất được công bố hồi tháng 10 liệt Trung Quốc và 5 quốc gia khác vào danh sách cần theo dõi vì có nguy cơ thực hiện chính sách tỷ giá không công bằng. Nhưng từ năm 1994 đến nay, Mỹ không gắn mác thao túng tiền tệ cho bất kỳ quốc gia nào.

Động thái này cho thấy sau khi nhậm chức, ông Trump đã có thái độ mềm mỏng hơn về các vấn đề thương mại. Ông vẫn chưa đàm phán lại hiệp định thương mại Bắc Mỹ (Nafta) cũng như chưa tăng thuế đánh vào các nước hoặc công ty Mỹ đã khiến việc làm chạy khỏi Mỹ.

Cũng trong ngày hôm qua, Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cảnh báo Mỹ không nên nhắm vào chính sách tiền tệ của bất kỳ quốc gia nào. Bà cho rằng để đánh giá chính sách tiền tệ của 1 nước phải dựa trên cơ sở toàn cầu bởi không thể nó nằm trong cả 1 hệ thống kết nối chặt chẽ với nhau.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên