OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu mỏ năm 2024, giá xăng dầu trong nước thế nào?
Việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong năm 2024 có thể khiến giá dầu thế giới vượt mốc 100 USD/thùng.
- 07-06-2023Thị trường ngày 7/6: Giá dầu quay đầu giảm, quặng sắt cao nhất 7 tuần
- 07-06-2023Không phải Nga hay Trung Đông, đây mới là quốc gia được lợi nhất từ kế hoạch cắt giảm sản lượng, chuẩn bị bơm hàng triệu thùng dầu ra thị trường để hưởng giá cao
- 06-06-2023Thị trường ngày 6/6: Giá dầu, vàng, thép, cao su và cà phê đồng loạt tăng, quặng sắt cao nhất 6 tuần
Theo các chuyên gia, quyết định của liên minh gồm 13 quốc gia thuộc OPEC cùng 10 nước đối tác, sản xuất khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới cũng sẽ ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước thời gian tới.
Trả lời VTC News , ông Nguyễn Nhật Trường, Giám đốc một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam nói: “Trước mắt, chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC và OPEC+ chưa ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài chắc chắn sẽ có tác động, bởi thị trường của chúng ta có độ mở lớn và sản lượng xăng dầu nhập khẩu cũng lớn. Mức độ ảnh hưởng như thế nào còn tùy thuộc vào sự biến động cụ thể của giá xăng dầu trên thế giới tại từng thời điểm”, ông Trường nói.
Đại tá Nguyễn Xuân Công, Giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội chi nhánh Hà Nội (Mipec) cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông Công nói: “Khi giá xăng dầu thế giới tăng, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới thì chắc chắn giá xăng dầu trong nước cũng sẽ được điều chỉnh tăng theo. Và khi nguồn cung giảm, để không ảnh hưởng quá lớn đến giá cả tiêu dùng, cơ quan điều hành rất có thể sẽ cắt giảm chiết khấu, vì thế lợi nhuận của doanh nghiệp có thể giảm”.
Nhưng, ông Công nhấn mạnh, việc OPEC+ có nhất quán chủ trương cắt giảm sản lượng hay không và giá xăng dầu thế giới tăng thế nào còn phụ thuộc vào từng thời điểm và rất có thể họ cũng có những thay đổi bất thường. Cùng với đó, giá mặt hàng này cũng phụ thuộc vào "sức khỏe" của nền kinh tế thế giới và trong nước phục hồi ra sao.
Trong khí đó, chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long phân tích, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu thế giới. Tại thời điểm ngày 7/6, số dư quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) là 5.640 tỷ đồng, sẽ khó đảm bảo bình ổn giá xăng trong nước một thời gian dài. Nếu giá xăng tăng theo đà thế giới, việc sử dụng quỹ để bình ổn sẽ nhanh chóng được sử dụng và không thể phụ thuộc hết vào việc sử dụng quỹ này vốn chỉ mang tính chất nhất thời. Do đó, nếu giá dầu trên thế giới tăng vượt 100 USD/thùng thì thị trường trong nước cũng buộc phải tăng theo.
Trong bối cảnh này, ông Long cho rằng Bộ Công Thương cần phải chỉ đạo sát sao để xử lý dứt điểm các sự cố của nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn, nhằm hạn chế tối đa việc cắt giảm sản lượng.
Từ ngày 1/1/2024, sản lượng khai thác của tất cả các thành viên OPEC+ chỉ ở mức 40,46 triệu thùng/ngày.
OPEC+ cho rằng sự thay đổi này phù hợp với cam kết liên tục của hiệp hội và các đối tác bên ngoài, dẫn đầu là Nga, “nhằm hướng đến và duy trì thị trường dầu mỏ ổn định, đồng thời đưa ra định hướng dài hạn cho thị trường”, trong đó, có tính đến cách tiếp cận chủ động và đón đầu thành công của những năm trước.
Theo các cam kết sửa đổi trên bảng số liệu do OPEC công bố, Saudi Arabia sẽ duy trì sản lượng dầu thô ở mức 10,478 triệu thùng/ngày, trong khi Nga sẽ cắt giảm sản lượng hàng ngày thêm 650.000 thùng xuống còn 9,828 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2024.
Ước tính, các cam kết sửa đổi của OPEC+ sẽ giảm sản lượng khai thác ở mức tổng cộng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Trong cuộc họp ngày 4/6, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia thông báo, kể từ tháng 7/2023, nước này tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng khai thác ở mức 1 triệu thùng/ngày và có thể kéo dài khoảng thời gian cắt giảm nếu nước này thấy cần thiết.
Một số quốc gia khác trong khuôn khổ OPEC+ gồm Iraq, Oman, Algeria, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tuyên bố tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu ở các mức lần lượt là 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày, 48.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 144.000 thùng/ngày cho tới cuối năm 2024.
Ngay sau thông báo cắt giảm sản lượng của OPEC+, giá dầu trên thị trường thế giới đã liên tục tăng. Lúc 6h30 ngày 7/6, giá dầu WTI giao dịch ở mức 71,9 USD/thùng, tăng 0,25 USD/thùng trong khi đó dầu Brent giao dịch mức 76,55 USD/thùng, tăng 0,16 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Ở trong nước, giá bán các loại xăng dầu đang được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 1/6 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 390 đồng/lít, giá mới là 20.878 đồng mỗi lít; xăng RON95 tăng 516 đồng mỗi lít, lên 22.015 đồng/lít.
Trong khi đó, các mặt hàng dầu đều được điều chỉnh giảm. Cụ thể, dầu diesel giảm 11 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành, không cao hơn 17.943 đồng/lít; dầu hỏa giảm 198 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, không cao hơn 17.771 đồng/lít; dầu mazut giảm 275 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành, không cao hơn 14.883 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 16 lần điều chỉnh giá, trong đó có 9 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
VTC News