MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

OPEC sẽ nhớ “ông bạn Trump” và lo ngại những căng thẳng dưới thời Tổng thống Biden

08-11-2020 - 11:48 AM | Thị trường

Các thành viên chủ chốt của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang lo ngại căng thẳng trong liên minh với các nước sản xuất dầu chủ chốt ngoài OPEC (gọi là OPEC+) có thể sẽ bùng phát trở lại khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ.

Một số nguồn tin thân cận của OPEC cho hay, tổ chức này sẽ rất nhớ Tổng thống Donald Trump, người đã không chỉ ngừng chỉ trích liên minh này mà còn chuyển sang giúp đỡ rất nhiều trong nỗ lực cắt giảm sản lượng từ mức cao kỷ lục.

Ông Biden có thể sẽ điều chỉnh quan hệ ngoại giao của Mỹ với ba thành viên OPEC – trên thực tế là Saudi Arabia, nước ‘đầu tàu’ của OPEC, và hai quốc gia mà Mỹ đang trừng phạt là Iran và Venezuela, cũng như với nhà sản xuất quan trọng không thuộc OPEC là Nga. Nga chính là nước dẫn đầu các nhà sản xuất dầu liên minh với OPEC trong nhóm OPEC+.

Việc thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela đã khiến lượng dầu đưa ra thị trường thế giới giảm hàng triệu thùng mỗi ngày. Nhưng nếu ông Biden nới lỏng các biện pháp trừng phạt này trong vài năm tới thì sản lượng dầu của OPEC có thể tăng mạnh và khối này sẽ khó có thể giữ cân bằng cung – cầu cho thị trường dầu mỏ.

Ông Biden đã nói rằng ông muốn ngoại giao đa phương hơn là áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương như ông Trump, mặc dù như thế không có nghĩa là sẽ sớm nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden cho biết sẽ đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 nếu Tehran tiếp tục tuân thủ Hiệp ước. Ông Trump đã rút lui khỏi Hiệp ước này vào năm 2018, đồng thời tái áp dụng các lệnh trừng phạt buộc Iran phải cắt giảm mạnh xuất khẩu dầu mỏ. Một số thành viên OPEC lo ngại, việc Iran tăng xuất khẩu dầu trở lại sẽ khiến thị trường dầu mỏ vốn đang dư cung sẽ càng thừa thãi hơn nữa nếu những quốc gia khác không cắt giảm sản lượng, và lo ngại về việc Nga có thể sẽ không tiếp tục tham gia nhóm OPEC+.

"Các biện pháp trừng phạt Iran có thể được xem xét lại, và nếu Iran trở lại thị trường dầu thì nguồn cung sẽ dư thừa nhiều hơn, khi đó hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà OPEC+ đang thực hiện có thể sẽ không còn nữa", một nguồn tin từ khối này cho biết từ trước khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo nguồn tin này: "Có nguy cơ Nga sẽ rời khỏi thỏa thuận OPEC+, đồng nghĩa với thỏa thuận thất bại, vì chính ông Trump là người đưa Moscow vào liên minh này".

Ông Trump dung hòa những ‘mối đe dọa’ mang tính toàn cầu

Ông Biden đã gọi Nga là ‘mối đe dọa toàn cầu’ nghiêm trọng nhất của Washington. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông cũng tuyên bố sẽ đánh giá lại mối quan hệ với Saudi Arabia.

Hồi tháng 4/2020, ông Trump đã tham gia vào các cuộc đàm phán dẫn đến một thỏa thuận, trong đó OPEC, do Saudi Arabia dẫn đầu, cùng hợp tác để tiến tới một liên minh với các nước sản xuất ngoài OPEC, do Nga dẫn đầu, nhất trí cùng nhau cắt giảm nguồn cung dầu mỏ - cao kỷ lục – giữa bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu dầu.

Khi đó Saudi Arabia và Nga có bất đồng dẫn tới ‘cuộc chiến giá dầu’ (hai bên lên kế hoạch tăng sản lượng trong bối cảnh dịch bệnh buộc cả thế giới phải hạn chế đi lại), đẩy giá dầu Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử rơi xuống vùng âm, và chính ông Trump đã can thiệp để chấm dứt mối bất đồng đó.

Kết quả là ra đời một thỏa thuận toàn cầu chưa từng có nhằm cắt giảm nguồn cung dầu khoảng 20 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 20% nguồn cung. Riêng OPEC + đồng ý cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày.

Đối với ông Trump, động lực của việc này là làm tăng giá dầu toàn cầu và ngăn chặn tình trạng phá sản của ngành năng lượng Mỹ - có thể khiến hàng trăm nghìn người mất việc.

Ông Trump cũng là người hỗ trợ ngành công nghiệp dầu khí, xóa bỏ một số quy định về môi trường và bác bỏ cơ sở lý giải khoa học về việc khí thải gây ra sự nóng lên trên toàn cầu.

Trước nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông đã chỉ trích OPEC về việc luôn cố đẩy giá dầu tăng lên, và thúc giục các thành viên OPEC bơm thêm dầu. Dự luật có tên " Đạo luật không sản xuất và xuất khẩu dầu" (No Oil Producing and Exporting Cartels Act – NOPEC) (luật này nếu được ký sẽ đưa các thành viên OPEC đến các vụ kiện chống độc quyền của Mỹ) – được đưa ra lần đầu tiên từ cách đây n hiều năm – đã không trở thành Luật mặc dù trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trmp đã đạt được một số bước tiến.

"Ông Trump là bạn của chúng tôi, kể từ sau màn đảo ngược lịch sử đó", một nguồn tin cấp cao của OPEC cho biết, và thêm rằng "Từ NOPEC đến Nghệ thuật Đàm phán khi đề cấp đến vai trò của ông Trump trong việc OPEC+ đạt được thỏa thuận hồi tháng 4 và tên một cuốn sách của ông Trump xuất bản năm 1987 (Art of the Deal).

Ông Biden sẽ dựa vào những lời khuyên quan trọng

Ông Trump đã phát triển mối quan hệ thân thiết với Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia – nước sản xuất dầu hàng đầu OPEC và cũng là khách hàng lớn mua vũ khí Mỹ, đồng thời tìm kiếm sự liên minh với Mỹ để được bảo vệ trước những đối thủ trong khu vực như Iran.

Liên minh OPEC+ đã hỗ trợ giá dầu kể từ năm 2017, và bất cứ diễn biến nào làm rạn nứt hay phá vỡ liên minh này trong tương lai đều có thể khiến thị trường dầu mỏ suy yếu, từ đó tác động đáng kể tới OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ lớn khác, tới chính phủ của những nước đó, cũng như tới các nhà kinh doanh dầu mỏ.

Ông Trump quan hệ với OPEC tích cực hơn nhiều so với những Tổng thống tiền nhiệm. Ông thường xuyên viết Twitter bình luận về các quyết định sản xuất cũng như biến động giá dầu. Ông Biden được cho là sẽ có quan điểm khác với ông Trump về vấn đề này.

Tuy nhiên, ông Chakib Khelil, người đã làm Bộ trưởng Dầu mỏ Algeria trong hàng chục năm, đồng thời là cựu chủ tịch OPEC, cho rằng: "Theo tôi thì ông Biden sẽ dựa nhiều hơn vào lời khuyên về chuyên môn của các cố vấn của mình chứ không quản lý vi mô như kiểu ông Trump".

Theo ông Khelil: "Ông Biden sẽ không có mối quan hệ ‘ấm cúng’ với ông Putin như ông Trump đã có".

Tuy nhiên, bất chấp việc ông Biden đã có những bình luận như thế nào trong chiến dịch tranh cử về mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia, thì việc xoay chuyển hoàn toàn mối quan hệ là điều không thể. Các nguồn tin trong khu vực vùng Vịnh và các nhà ngoại giao đều cho rằng, chiến thắng của ông Biden sẽ không ảnh hưởng đến các nước đã là đồng minh từ hàng thập kỷ nay.

Bên cạnh đó, các nguồn tin đều nghi ngờ việc ông Biden có thể dỡ bỏ nhanh chóng các trừng phạt đối với Iran. Chỉ cần quá trình dỡ bỏ này kéo dài thêm thì OPEC+ có đủ thời gian để điều chỉnh thỏa thuận của mình, theo đó sẽ tạo ‘chỗ đứng’ cho số dầu mới đến từ Iran.

Theo ông Khelil: "Kể cả khi các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ thì nước này vẫn cần 2-4 tháng để đưa mức xuất khẩu trở về như trước khi bị áp các lệnh trừng phạt, do những vấn đề về kỹ thuật", và "Do đó, OPEC+ có đủ thời gian để quyết định mức trần sản xuất mới".

Tham khảo: Reuters

Vân Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên