MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Chưa cần thiết phải nhập khẩu vàng

12-05-2024 - 08:28 AM | Tài chính - ngân hàng

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định cần phải quản lý thị trường vàng chặt chẽ trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, chưa cần thiết phải lập sàn vàng cũng như nhập khẩu vàng để hạ giá vàng trong nước.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia Kinh tế tài chính
48 bài viết

Những ngày qua, giá vàng SJC tăng mạnh và liên tục xác lập đỉnh mới trên thị trường. Riêng trong ngày 10/5, giá vàng SJC ghi nhận tăng mạnh theo giờ, với mức tăng hàng trăm nghìn đồng mỗi lượng. Thậm chí, chỉ so với buổi sáng, giá vàng SJC trong phiên chiều tăng tới 3 triệu đồng mỗi lượng. Còn nếu so giá vàng SJC ở mốc đỉnh lịch sử 92,5 triệu đồng/lượng với thời điểm đầu tuần, giá vàng đã tăng khoảng 6,5 triệu đồng/lượng.

Tính từ đầu năm đến nay, vàng SJC đã tăng 17 triệu đồng/lượng. Và trong vòng 1 năm qua, vàng SJC đã tăng 25 triệu đồng/lượng, tương đương tăng 38%.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Chưa cần thiết phải nhập khẩu vàng- Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng SJC trong tuần này. Chart: CAFEF.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn cũng tăng mạnh với mức tăng trung bình 1-2 triệu đồng mỗi lượng trong ngày 10/5 vừa qua.

Trong cơn "sốt" vàng, tại các tiệm vàng, tình cảnh người dân xếp hàng chật kín để chờ mua lại tái diễn. Trước nhu cầu mua lớn của người dân, nhiều cửa hàng vàng phải ra thông báo sớm về việc hết vàng, thậm chí quy định số lượng vàng mua chỉ từ 1-3 chỉ vàng với mỗi người.

Lý giải về giá vàng tăng mạnh, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng, thời gian vừa qua, giá vàng thế giới tăng trở lại. Điều này làm cho giá vàng của Việt Nam cũng tăng theo. Tuy nhiên, giá vàng thế giới nếu quy ra VND chỉ khoảng hơn 72 triệu đồng/lượng. Trong khi giá vàng nhẫn tròn trơn trong nước tăng rất cao và đặc biệt giá vàng SJC còn vượt mức 92 triệu đồng/lượng.

Ông Thịnh phân tích thêm, trong 5 phiên đấu giá vàng miếng vừa qua, NHNN kỳ vọng cung cấp thêm một lượng vàng miếng trên thị trường, từ đó kéo vàng SJC gần với giá vàng nhẫn tròn trơn và giá vàng thế giới. Nhưng 3 phiên đấu giá bị huỷ, chỉ có 2 phiên đấu giá thành công với mỗi phiên 3400 lượng nên lượng cung tương đối ít.

"Bản thân các nhà đầu tư thấy lượng cung trên thị trường không tăng trong khi cầu trên thị trường ổn định và thậm chí tiếp tục gia tăng. Nên các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn để mua được vàng miếng và vàng nhẫn tròn trơn.  

Về mặt tâm lý, khi lượng cung không tăng lên, ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh vàng và các địa điểm bán vàng, họ nghĩ giá vàng sẽ tăng do nguồn cung không tăng. Thế nên họ bán cầm chừng khiến vàng càng khan hiếm. Điều này tiếp tục đẩy giá vàng tăng mạnh", vị chuyên gia này nhận định. 

Liên quan đến ý kiến cho rằng trong phiên đấu giá vàng miếng của NHNN, giá vàng miếng được định giá quá cao khiến ít người tham gia, vị chuyên gia này nhận định, việc đưa ra giá tham chiếu của giá vàng đã được cơ quan quản lý Nhà nước dựa theo giá thị trường, tức là điểm trung bình mua vào – bán ra của giá vàng vài ngày trước. Việc định giá vàng đưa ra đấu giá phải tuân theo giá thị trường. 

Khi các đầu mối kinh doanh vàng tham gia vào hoạt động đấu giá, họ sẽ phải tính toán mua giá nào phù hợp để bán có lãi. Nếu họ cho rằng, giá vàng chững lại và đi xuống, họ sẽ không tham gia mua lượng vàng mà NHNN đưa ra. Ngược lại, nếu họ thấy rằng giá vàng trong nước sẽ đi lên, họ sẽ lập tức mua số lượng vàng đó. Thế nên, trong thời gian vừa qua, việc đấu giá vàng việc các doanh nghiệp kinh doanh thăm dò, cẩn trọng xem xét nên lượng đấu giá không nhiều.

Cũng theo ông Thịnh, đến thời điểm hiện tại, giá vàng SJC có khoảng cách gần 20 triệu với giá vàng thế giới. Đây là thời điểm cần sự chung tay của Nhà nước, quản lý chặt chẽ thị trường vàng.

Còn về việc sửa đổi Nghị định 24, ông Thịnh nhấn mạnh: Cần có sự đánh giá toàn diện. Trong giai đoạn trước mắt, NHNN cần quản lý chặt chẽ thị trường vàng để hướng dòng ngoại hối và ngoại tệ vào việc mua máy móc thiết bị nguyên vật liệu phục vụ nhu cầu tăng trưởng sản xuất phát triển của nền kinh tế quốc dân, tạo công ăn việc làm. 

"Trong thời điểm hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta chưa cần thiết xây dựng sàn vàng cũng như chưa cần thiết tìm doanh nghiệp và cho phép họ nhập khẩu vàng để phục vụ nhu cầu vàng trong nước. Về việc nhập khẩu vàng, chúng ta phải chuẩn bị lượng lớn đô la cho các doanh nghiệp đó đi mua vàng. Thêm nữa, việc mua bán như vậy đặt ra cho việc thực hiện tự do hoá sản xuất kinh doanh vàng. Điều này cần có biện pháp phù hợp. Nếu như xây dựng sàn vàng chúng ta phải nghĩ đến mục tiêu lập sàn vàng đó làm gì, khi chúng ta đang quản lý chặt chẽ ngoại hối phục vụ cho nền kinh tế quốc dân", ông Thịnh cho hay. Tuy nhiên, ông Thịnh khuyến nghị lại rằng, cách quản lý thị trường vàng vẫn phải thực sự chặt chẽ trong thời điểm như hiện nay. 

Đức Anh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên