MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải chống lại lối làm ăn ‘trong tối’ tới cùng

“Phải chống kiểu làm ăn “trong tối”, ủng hộ và vận hành lối làm ăn trong sáng, đàng hoàng, trung thực” - TS Vũ Tiến Lộc.

TS. Vũ Tiến Lộc
TS. Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
15 bài viết

LTS: Trong số báo hôm qua (8-2), Pháp Luật TP.HCM đã đăng bài phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng liên quan đến việc dẹp bỏ lối làm ăn gian lận, chụp giật; kiến tạo một văn hóa trung thực để xây dựng uy tín, thương hiệu quốc gia. Tiếp tục chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Là người hằng ngày đụng chạm rất nhiều đến các chính sách, lắng nghe những tâm tư, trăn trở của doanh nghiệp (DN), TS Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Các DN đều mong muốn làm ăn trung thực, đàng hoàng. Và khi đó, sự trung thực sẽ là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần kiến tạo sự hưng thịnh cho quốc gia”.

Làm ăn theo“quan hệ”, sao có lớp doanh nhân vị quốc

. Phóng viên: Vì sao ông khẳng định điều đó?

+ TS Vũ Tiến Lộc: Chắc anh còn nhớ chuyện công ty Cỏ May phải sang Singapore lập một công ty cùng tên để nhập khẩu gạo do chính mình thu mua sang đó. Rồi có nhiều DN khởi nghiệp chấp nhận bỏ ra chi phí cao hơn so với chi phí thành lập DN ở Việt Nam để sang Singapore thành lập công ty.

Những câu chuyện này nói lên điều gì? Tôi cho rằng: Ngoài việc môi trường đầu tư kinh doanh của Singapore hấp dẫn, minh bạch thì còn một vấn đề khác là chi phí thành lập DN, dù cao nhưng đúng với thực tế. Trong khi đó, có thể chi phí thành lập DN ở Việt Nam không cao nhưng những chi phí khác để vận hành một DN lại không phải lúc nào cũng minh bạch. Ta hay gọi đó là “chi phí ngầm”. Điều đó khiến cho chi phí thực tế của DN tại Việt Nam cao hơn so với Singapore.

Điều ấy cũng thể hiện rằng: Xu hướng cần một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, trung thực luôn hiện hữu trong các DN. Các DN Việt Nam luôn mong muốn được kinh doanh trung thực, đàng hoàng.

. Ông từng cho rằng một số DN Việt Nam vẫn còn làm ăn chưa bài bản, chưa có chiến lược, chưa minh bạch, dựa vào quan hệ là nhiều.

+ Thực tế là đã có những DN tâm sự với tôi: Ngày thì đi kinh doanh, tối đi “quan hệ”. Đây là một thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận. Nhiều doanh nhân làm giàu cho bản thân nhờ vào các mối quan hệ là chính.

Nếu cứ dựa vào lối làm ăn “quan hệ” thì chắc chắn không thể có tầng lớp doanh nhân chân chính, nhân bản và vị quốc.

Muốn làm ăn trung thực lại bị làm khó

. Có ý kiến cho rằng sự trung thực trong kinh doanh hiện nay dường như chưa được khuyến khích đúng cách, khiến cho các DN vẫn phải chụp giật, đánh quả. Ông nghĩ sao?

+ Thực tế đó chúng ta phải nhìn nhận khách quan và có kiến giải hợp lý. Tôi muốn kể anh nghe câu chuyện về những DN sang Campuchia thành lập công ty xay xát, xuất khẩu gạo. Vì sao họ lại phải làm thế? Bởi quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo trước đây với những điều kiện ngặt nghèo về quy mô, về kho xưởng… khiến họ không thể nào chen chân vào được quy hoạch này, còn muốn có “chân” thì họ phải đi bằng cách khác. Vậy là họ sang Campuchia, vì ở đó các điều kiện kinh doanh đối với ngành xuất khẩu gạo không chằng chịt như ở Việt Nam. Vô hình trung họ làm lợi cho láng giềng khi đóng các khoản thuế, phí theo đúng quy định của nước sở tại.

Từ câu chuyện này, tôi muốn nói đến những tác dụng của thể chế đến hoạt động và ý chí của DN. DN muốn làm ăn đàng hoàng, trung thực thì cần phải có một môi trường đầu tư, kinh doanh trung thực.

. Phải chăng các quy định của ta hiện nay là một trong những nguyên do bóp chết sự trung thực?

+ Những nghiên cứu của VCCI nhiều năm qua cho thấy những thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh đang là nút thắt cho các DN trên đường phát triển. Cũng chính những rào cản thủ tục khiến cho chi phí tuân thủ của DN tăng lên và khuyến khích ngược các DN. Thay vì làm ăn theo đúng pháp luật thì nhiều DN đã phải chịu đựng những chi phí ngầm, ngoài luồng. Sự trung thực trong kinh doanh vì thế chưa được đề cao.

Có một sự thật mà những nghiên cứu của VCCI chỉ ra: Các DN có quy mô càng lớn, làm ăn đàng hoàng thì càng bị thanh tra, kiểm tra nhiều. Điều này cũng khiến cho sự trung thực gặp khó khăn, không thấm sâu vào các kế hoạch, chiến lược của DN. Có những DN lên tiếng vì những bất cập của chính sách, của cơ quan nhà nước thì lập tức hôm sau họ bị kiểm tra, thanh tra ngay.

Tinh thần vì DN phải đến tận anh bảo vệ công sở

. Nhưng Chính phủ đã có những tuyên bố chính trị rất mạnh mẽ về liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ, thưa ông?

+ Không chỉ thế, ngay từ đầu nhiệm kỳ, đích thân Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý rốt ráo nhiều vụ việc liên quan đến DN mà tiêu biểu là vụ quán cà phê Xin Chào.

Thủ tướng và Chính phủ cũng đã thắp lửa cải cách, Nghị quyết 19, rồi Nghị quyết 35 của Chính phủ thực sự có tác động lớn đến cộng đồng DN Việt Nam bằng những định hướng tiến bộ, phù hợp với tinh thần liêm chính, kiến tạo và hành động của Chính phủ. Nhưng việc truyền lửa tới mọi cấp chính quyền để sức nóng và sự thôi thúc của cải cách có thể đến được chị văn thư, anh bảo vệ ở chốn công quyền nơi cơ sở, để tinh thần vì dân và DN trở thành văn hóa và hành vi hằng ngày của họ là việc không dễ dàng.

Bởi lẽ dù nói gì thì nói, tinh thần trung thực, phục vụ trong triển khai chính sách, thể chế làm sao thấm được vào từng cán bộ, công chức mới là yếu tố quyết định để mỗi DN, mỗi người dân có thể đóng góp phần mình vào việc xây dựng một quốc gia trung thực.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã từng tuyên bố quyết bỏ cơ chế xin-cho, bỏ quan hệ thân hữu với những ưu đãi ngầm. Đáp lại, tôi nghĩ DN cũng phải chống kiểu làm ăn “trong tối”, ủng hộ và vận hành lối làm ăn trong sáng một cách đàng hoàng, trung thực. Làm được như vậy, tôi nghĩ chúng ta sẽ có một cộng đồng DN liêm chính, góp phần cùng với Chính phủ xây dựng được thương hiệu một quốc gia trung thực.

. Xin cám ơn ông.

Theo chấn Luận

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên