Phải dùng thuế để giới đầu cơ "nhả" đất và giá cao có thể thấp xuống?
"Có những doanh nghiệp găm đất, để chờ giá lên, không muốn đầu tư dự án thì phải dùng công cụ về thuế. Công cụ về thuế sẽ làm cho người đang ôm đất bỏ đất ra, giá đất đang cao có thể thấp xuống", Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường nêu quan điểm.
- 17-03-2022Nhà đất Hà Nội “thất thế” trước chung cư
- 17-03-2022Chuyên gia cảnh báo thị trường nhà, đất năm 2022 sẽ rất khắc nghiệt
- 17-03-2022Mua nhà đất cho thuê rồi lại đi thuê chung cư: Vừa hưởng thụ cuộc sống văn minh, vừa an tâm có khoản đầu tư an toàn
"Đánh thuế cao hơn với người đầu cơ"
Chiều 16/3, trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về giải pháp của Bộ Tài Nguyên và Môi trường để giải quyết tình trạng dự án chậm triển khai ở nhiều địa phương gây lãng phí nguồn lực, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, những năm qua Hà Nội, TP.HCM và các địa phương đã thu hồi các dự án chậm triển khai.
Ông cho biết thêm, dự án chậm triển khai có nguyên nhân trong đó chưa xác định đâu là nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng như trách nhiệm rõ ràng. Nếu có việc chậm do làm sai, thì phải xử lý, sau đó phải trả lại đất cho phát triển.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà lấy ví dụ như ở Đà Nẵng có 1.000 dự án và ở các địa phương khác cũng có hàng nghìn dự án đang có liên quan đến kết luận thanh tra do vi phạm, liên quan đến tòa án đã phán xét, nhưng trên thực tế chưa giải quyết được.
Một nguyên nhân nữa được ông đề cập là do đầu cơ, doanh nghiệp một lúc nhận nhiều dự án, khu công nghiệp, nhưng năng lực còn hạn chế, nên không triển khai được. Do đó, ông cho rằng, cần phải xem các địa phương có điều kiện khó khăn thì ưu đãi các doanh nghiệp vào đầu tư. Các địa phương có giao thông hạ tầng tốt thì cần có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư được tốt để tăng tính hiệu quả sử dụng đất.
Đặc biệt ông cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tính toán đến phương án sử dụng công cụ về thuế đối với những doanh nghiệp găm đất, để chờ giá lên, không muốn đầu tư dự án.
"Công cụ về thuế sẽ làm cho người đang ôm đất sẽ bỏ đất ra. Giá đất đang cao có thể thấp xuống", ông nhìn nhận.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, người thu nhập trung bình ở Việt Nam đang thiếu nhà cửa và các dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, công chức, viên chức cần được xây dựng thêm để mặt bằng giá phù hợp hơn.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà - Ảnh: Quốc hội |
Còn về tình trạng trốn thuế trong giao dịch đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, có trường hợp quyết định giao đất nhưng tiền thu thì vẫn nợ, chưa thực hiện trách nhiệm tài chính một phần hoặc đất đáng lẽ giao làm dự án khu công nghiệp nhưng găm lại không làm thì đất vẫn lên giá. Như vậy, chậm thời gian đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng cũng là hiện tượng trốn thuế.
Do đó, ông cho rằng khi dự án đấu thầu, đấu giá cần xác định thời gian bao lâu được hưởng chính sách ưu đãi, nếu không làm thì phải tăng thuế lũy tiến để bổ sung nguồn thuế.
"Người đầu cơ đất đai thì cần đánh thuế cao hơn vì đầu cơ, lướt sóng không làm phát sinh giá trị kinh tế cho xã hội", ông Hà nói.
Thanh tra những hồ sơ thuế có nghi vấn về chuyển nhượng
Tham gia trả lời chất vấn về giải pháp thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đã chỉ đạo cơ quan thuế thu thuế bất động sản đúng với giá chuyển nhượng. Qua rà soát 85.000 bộ hồ sơ chuyển nhượng bất động sản trong nửa đầu tháng 1/2022, số thuế tăng thu được là 222 tỷ đồng.
"Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung thanh tra các hồ sơ thuế còn nghi vấn về việc chuyển nhượng không đúng với giá kê khai theo luật thuế để xử lý theo quy định, kể cả các dự án bất động sản", ông nói.
Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Ảnh: VGP
Về đấu giá đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, cần siết lại các quy định về đấu giá đất để đảm bảo đấu giá chặt chẽ hơn. Theo đó, phải xác định được năng lực của nhà đầu tư mới cho phép thực hiện dự án. Thực tế nhà đầu tư tốt mới có tiền nộp tiền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, quy định về tiền đặt cọc phải nâng lên. Theo Bộ trưởng, quy định hiện tại đang thấp, tiền đặt cọc đó phải vào tài khoản để hội đồng đấu giá quản lý, để khi bỏ đấu giá thì mất tiền đặt cọc.
Ngoài ra, theo ông phải có cam kết rõ ràng hơn về triển khai dự án, tránh trường hợp đấu giá xong để đấy hàng năm trời không sử dụng, gây lãng phí tài sản xã hội.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho rằng cần sửa đổi quy định về giá khởi điểm đấu giá đất, nếu không việc xác định giá đất đấu giá vẫn không chính xác, không nhất quán.
Ông cho biết, theo Nghị định 44 và Thông tư 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có 5 phương pháp xác định giá đất, là so sánh, thặng dự, chiết khấu, thu nhập và số. Nhưng hiện nay, khi xác định giá khởi điểm đấu giá đất với dự án đầu tư mới chỉ sử dụng 3 phương pháp là thặng dư, bảng giá đất, so sánh.
Theo ông, nếu lấy giá giả định, doanh thu giả định để tính giá thì không chính xác, cần sửa bởi nếu không sửa thì vẫn vi phạm, các đoàn thanh tra vào thì mỗi đoàn sẽ kết luận một kiểu.
Ngoài ra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, một vấn đề nữa là giao đất cho doanh nghiệp theo Nghị định 45 xong mới thu tiền. Nhà đầu tư bán lẻ thu tiền của dân nhưng không đưa nộp tiền cho ngân sách mà đưa tiền đó đi đầu tư. Nếu rủi ro, doanh nghiệp thua lỗ thì quyền lợi cho hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng vạn hộ dân không được giải quyết. Vì thế, cần sửa đổi quy định để bịt lỗ hổng này.
BizLive