MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phần mềm đo lường tập trung đông người cho biết gì về việc đi lại của người dân sau khi Chỉ thị 16 được thực thi?

"Với việc thực hiện Chỉ thị 16, chúng ta đã viết một phần mềm đo lường tập trung đông người, đo lường mật độ đi lại" - Bộ trưởng.Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo: "Với việc thực hiện Chỉ thị 16, chúng ta đã viết một phần mềm đo lường tập trung đông người, đo lường mật độ đi lại. Sau khi Chỉ thị 16 được thực thi, việc đi lại của người dân giảm sâu nhất vào ngày 2/4, giảm khoảng hơn 3 lần so với trước đó. Tuy nhiên, sau đó khoảng 5 ngày, người dân lại ra đường nhiều hơn, với xu thế đang tăng lên. Do vậy, chúng ta phải tăng cường về mặt chính quyền để người dân thực thi nghiêm mệnh lệnh của Chính phủ, để nếu ban hành lần 2, lần 3 người dân sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm".

Cụ thể, theo phần mềm này, chỉ số đi lại bình thường của người dân khi chưa cách ly là 3. Tuy nhiên, đến ngày 10/4, có thể do người dân thấy số ca mắc bệnh đã giảm nên họ đi lại nhiều hơn. Điển hình là Hà Nội, chỉ số đi lại của người dân đang từ mức 1 lên 1,6 và Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 1,8 và có xu thế tăng lên. 

Do đó, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp để người dân thực hiện nghiêm các quy định. Với việc cách ly, giãn cách xã hội, các ý kiến trong cuộc họp cho rằng cần kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, có tính đến yếu tố địa phương, nhóm đối tượng, ngành nghề sản xuất kinh doanh. 

Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT, Viettel cũng đề xuất các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch bệnh như: Triển khai hoạt động giám sát phục vụ yêu cầu giãn cách xã hội theo từng tình huống cụ thể; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh qua việc sử dụng tiền mặt trong mua, bán hàng hoá.

Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp để "chặn đến cùng" tất cả các ca xâm nhập; chưa nới lỏng chính sách nhập cảnh; giám sát chặt nhóm người mắc các bệnh giống cúm (qua những người mua thuốc); triển khai xét nghiệm điểm một số nhóm đối tượng (lao động phổ thông, cộng đồng người nước ngoài sinh sống tập trung); kiểm soát chặt chẽ các địa điểm tập trung đông người (cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; các di tích, danh thắng; khu du lịch, vui chơi, giải trí; chợ đầu mối, chợ dân sinh; làng nghề, bếp ăn tập thể,…).

Bên cạnh các giải pháp về phòng chống dịch bệnh, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về xã hội, quan tâm tới nhóm người yếu thế gặp khó khăn vì dịch bệnh; đồng thời xem xét tiến hành nới lỏng trên cơ sở có biện pháp kiểm soát phù hợp đối với một số ngành hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ thiết yếu…

Mới đây, chiều 15/4, kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương đặc biệt là 2 đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4 tùy tình hình cụ thể và có thể kéo dài hơn nữa nếu tình trạng có lây nhiễm xảy ra...

Thủ tướng quyết định nhóm các tỉnh thành có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh, Hà Tĩnh, và đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện CT 16 đến 22/4 hoặc 30/4 tuỳ tình hình cụ thể của việc lây nhiễm.

Phần mềm đo lường tập trung đông người cho biết gì về việc đi lại của người dân sau khi Chỉ thị 16 được thực thi? - Ảnh 2.

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên