Phát hiện thủ đoạn phạm tội mới trong lĩnh vực ngân hàng
Ngoài các vi phạm liên quan đến lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, vi phạm các quy định về cho vay... phát hiện một số phương thức, thủ đoạn hoạt động mới trong lĩnh vực ngân hàng...
Sáng 4/11 Quốc hội bắt đầu tuần làm việc thứ ba của kỳ họp thứ 8, nghe báo cáo và thảo luận về phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng và báo cáo của các cơ quan tư pháp.
Khởi tố 214 vụ án, 497 bị can về tội cho vay lãi nặng
Trình bày báo cáo tóm tắt về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 (từ 1/10/2018 đến 30/9/2019) Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu những kết quả nổi bật.
Đó là, đã bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhất là các âm mưu kích động biểu tình, gây rối, khủng bố, phá hoại. Công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 78% (cao hơn 8% so với chỉ tiêu Quốc hội giao; riêng án rất nghiêm trọng đạt 91,32%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,02%).
Về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ, các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" đã bị trấn áp mạnh, tạo được chuyển biến tích cực, qua đó đã góp phần làm giảm 1,95% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ 2018, Bộ trưởng khái quát.
Liên quan đến tín dụng đen, báo cáo đầy đủ Chính phủ gửi đến Quốc hội cho biết, riêng 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc đã khởi tố 436 vụ, khởi tố 766 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", bảo kê, đòi nợ thuê; trong đó đã khởi tố 214 vụ án, 497 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (quy định tại điều 201 Bộ Luật Hình sự.
Tội phạm kinh tế diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019 đã phát hiện 15.953 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (giảm 18,03% so với cùng kỳ 2018), 321 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (giảm 4,18% so với cùng kỳ 2018).
Đặc biệt, đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ, khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản. Công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm (điển hình là Công an Đắk Nông phát hiện vụ sản xuất xăng A95 giả quy mô lớn trên nhiều tỉnh phía Nam).
Chính phủ đánh giá, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội, sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả còn diễn biến phức tạp, phát hiện vụ sản xuất xăng giả quy mô lớn liên quan đến nhiều địa phương gây bức xúc dư luận.
Hoạt động lợi dụng triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, triển khai thực hiện các dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Tình trạng "tham nhũng vặt" trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp...Chính phủ nhìn nhận.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhấm mạnh tội phạm, vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước đáng lưu ý, đầu tiên là lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Bộ trưởng cho biết, năm 2019 đã khởi tố 39 vụ, 112 bị can liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Ngoài các vi phạm liên quan đến lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, vi phạm các quy định về cho vay... phát hiện một số phương thức, thủ đoạn hoạt động mới.
Như, giả mạo chữ ký trên sổ tiết kiệm để chiếm đoạt tài sản ngân hàng, giả mạo thông tin khách hàng để làm thẻ tín dụng, làm giả phôi thẻ tín dụng để rút tiền chiếm đoạt. Một số doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cấu kết với nhau xin cấp hạ tầng, lập dự án, thông đồng với cán bộ ngân hàng để vay vốn, hợp thức hóa việc sử dụng vốn vay bằng các hợp đồng nâng khống giá trị máy móc, thiết bị với các đối tác nước ngoài để chuyển tiền ra nước ngoài...
Sau khi nghe các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận trong cả ngày 4/11 và sáng 5/11.
Vneconomy