Phát triển Chu Lai thành sân bay trung chuyển quốc tế
Ngày 9/4, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- 09-04-2024Mặt bằng xây Sân bay Long Thành vẫn còn 'xôi đỗ'
- 08-04-2024Tỉnh giàu có và nhiều thành phố nhất Việt Nam muốn có kết nối 'đặc biệt' tới sân bay Biên Hòa
- 06-04-2024Đầu tư 230 tỷ đồng 'lên đời' sân bay Vinh
Quy hoạch vùng phải có tầm nhìn tổng thể
Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng có đường bờ biển dài nhất cả nước, có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, thế mạnh quan trọng để phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh biển, đảo của vùng và cả nước.
Để sớm phê duyệt Quy hoạch theo đúng tiến độ yêu cầu của Quốc hội, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ KH&ĐT khẩn trương rà soát, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện Quy hoạch. Trong đó, nội dung Quy hoạch vùng phải định hướng kiến tạo phát triển, có tính mở.
Bên cạnh thế mạnh là phát triển kinh tế biển, cảng biển , vùng Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội khi hạ tầng giao thông trục Bắc Nam đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả; hiệu quả hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp chưa cao; các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế…
Ngoài những thế mạnh và những hạn chế nêu trên, vùng còn nhiều bất lợi như: thiên tai, bão gió, lũ lụt xảy ra thường xuyên, chênh lệch vùng miền giữa phía Đông và phía Tây còn cao, kết nối hạ tầng giao thông trục Đông Tây còn nhiều khó khăn, kết nối vùng với vùng Tây Nguyên còn khó khăn…
Vì vậy, Quy hoạch vùng phải có tầm nhìn tổng thể, dài hạn cùng với các giải pháp đột phá, mở rộng không gian và nguồn lực cho phát triển; bảo đảm gắn kết các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp với các khu du lịch và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với khu vực nông thôn mới…
Bổ sung giải pháp phát triển hệ thống cảng biển
Thường trực Chính phủ lưu ý rà soát nội dung các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đối với vùng. Trên cơ sở đó, Quy hoạch vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung phải xác định được tầm quan trọng, tiềm năng và thế mạnh của Vùng. Từ đó, đưa ra các giải pháp mang tính đột phá để phát triển Vùng.
Cùng với đó, nghiên cứu, bổ sung giải pháp, phương án cụ thể cho việc phát triển hệ thống cảng biển để đẩy mạnh kinh tế biển; khôi phục hệ thống sân bay lưỡng dụng, trong đó phát triển sân bay Chu Lai thành sân bay trung chuyển quốc tế; đẩy mạnh đột phá về khoa học công nghệ phù hợp với phát triển kinh tế của vùng; phát triển du lịch biển, phát huy tiềm năng khai thác các di tích lịch sử, văn hóa…
Đồng thời, cần rà soát, kết cấu nội dung quy hoạch để rõ ràng, mạch lạc hơn theo tổ chức các không gian. Nghiên cứu, bổ sung vào Quy hoạch vùng việc khai thác năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) gắn với hiệu quả phát triển kinh tế, tiết kiệm đất và bảo vệ môi trường, phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia. Nghiên cứu các nguồn lực để phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây trong đó cần có giải pháp cụ thể đối với dự án kết nối với vùng Tây Nguyên.
Thường trực Chính phủ giao Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát các dự án tại danh mục dự án bảo đảm đúng quy định của Luật Quy hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất với các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt. Quy hoạch vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung sau khi được phê duyệt, thực hiện công bố theo quy định, làm tốt công tác truyền thông đến các cơ quan, người dân để biết, thực hiện.
Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện Quy hoạch vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền trung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 4/2024.
Tiền phong