MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh giàu có và nhiều thành phố nhất Việt Nam muốn có kết nối 'đặc biệt' tới sân bay Biên Hòa

Địa phương này đề nghị bổ sung quy hoạch thêm tuyến đường sắt kết nối với sân bay lưỡng dụng quốc nội Biên Hòa.

Kết nối tỉnh Bình Dương với Sân bay Biên Hòa

UBND tỉnh Bình Dương gần đây đã gửi văn bản góp ý về Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó có đề xuất xây thêm tuyến đường sắt nối từ tỉnh này với Cảng hàng không Biên Hòa. 

Tuy nhiên, theo Sở GTVT Đồng Nai, đề xuất này chưa chỉ rõ hướng đi của tuyến đường sắt. Sắp tới, Sở này sẽ bàn bạc kỹ lưỡng với tỉnh Bình Dương để quyết định hướng của tuyến đường sắt. 

Tỉnh giàu có và nhiều thành phố nhất Việt Nam muốn có kết nối 'đặc biệt' tới sân bay Biên Hòa- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ bằng ứng dụng AI ChatGPT

Hiện tại kết nối giữ Đồng Nai và Bình Dương đã có các cây cầu như cầu Đồng Nai, Hóa An, Thủ Biên và cầu Bạch Đằng 2 đang được xây dựng. 

Cả hai tỉnh cũng đã đồng ý thêm vào quy hoạch 4 cây cầu mới qua sông Đồng Nai và sông Bé ở Hiếu Liêm 2, Tân An - Lạc An, Tân Hiền - Thường Tân và Thạnh Hội 2.

Ngoài ra, để nâng cao liên kết giao thông với Sân bay Biên Hòa khi nó được nâng cấp thành sân bay lưỡng dụng, Đồng Nai cũng đồng ý thêm một cầu nối giữa Biên Hòa và Dĩ An tại khu Xóm Lá, Bửu Long. Việc xây dựng cầu này sẽ mở ra đường liên kết mới giữa Biên Hòa và Bình Dương, giảm bớt giao thông trên đường Huỳnh Văn Nghệ khi sân bay bắt đầu hoạt động.

Nâng cấp sân bay Biên Hoà

Hồi tháng 3 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký văn bản về việc đầu tư Cảng hàng không Biên Hòa theo phương thức PPP. Theo đó, Phó thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư Dự án Cảng hàng không Biên Hòa theo phương thức đối tác công tư như đề nghị của UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh Đồng Nai trong quá trình triển khai dự án.

UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai.

Tỉnh giàu có và nhiều thành phố nhất Việt Nam muốn có kết nối 'đặc biệt' tới sân bay Biên Hòa- Ảnh 2.

Sân bay quân sự Biên Hòa hiện nay. Ảnh: Báo Tiền Phong

Dựa theo Quy hoạch tổng thể về phát triển hệ thống cảng hàng không từ năm 2021 đến 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, sân bay quân sự Biên Hòa sẽ được nâng cấp thành sân bay quốc nội phục vụ các nhu cầu dân sự với khả năng tiếp nhận 5 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2030, và dự kiến tăng lên 10 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2050.

Khi sân bay Biên Hòa bắt đầu hoạt động với mục đích dân sự, Đồng Nai sẽ trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước sở hữu hai sân bay phục vụ cho dân sự - thương mại cùng một lúc, đó là sân bay quốc tế Long Thành và sân bay lưỡng dụng Biên Hòa.

Dự án sân bay ở Biên Hoà được đặt tại phường Tân Phong, nằm ngay trung tâm thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 25 km và sân bay quốc tế Long Thành khoảng 32 km.

Sân bay này có vị trí địa lý thuận lợi, tầm nhìn rộng rãi, nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của TP.HCM, và có hướng cất cánh, hạ cánh gần như song song với sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng với đó là đường băng không cách quá xa giúp việc vận hành đồng bộ giữa hai sân bay trở nên thuận tiện.

Hiện tại, sân bay Biên Hòa đã có hai đường băng dài 3,6 km và đầy đủ các hệ thống đường lăn, bãi đỗ máy bay, kho hàng, trạm chỉ đạo bay, và những tiện ích khác.

Trước đó, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1121/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và 1 số sân bay khác. Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức khảo sát, đánh giá vị trí, vai trò, hiện trạng hạ tầng, đất đai của các sân bay quân sự; đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên, vùng trời khu vực xung quanh các sân bay; đánh giá điều kiện, khả năng tổ chức khai thác hàng không dân dụng tại các sân bay; ảnh hưởng tới tổ chức, khai thác, nhu cầu vận tải các cảng hàng không lân cận.

Tỉnh Bình Dương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được biết đến là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và dựa vào chỉ số GDP bình quân đầu người thì tỉnh Bình Dương là tỉnh giàu nhất Việt Nam với GDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng/người/năm.

Bình Dương là tỉnh có nhiều thành phố nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Bình Dương có 5 thành phố trực thuộc là: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên và Bến Cát.


Theo Thái Hà

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên