MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát triển doanh nghiệp tư nhân: “Cần bình đẳng, không cần ưu đãi”

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế tư nhân là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân, giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệpngoài Nhà nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn FDI...

TS. Vũ Đình Ánh
TS. Vũ Đình Ánh
Chuyên gia kinh tế
51 bài viết

Chi phí đè nặng doanh nghiệp

Tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2017 diễn ra sáng 22/6, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp cho biết, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước ngày càng đảm đương vai trò quan trọng hơn trong việc đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội của đất nước.

Cụ thể, khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp 43,22% GDP, trong khi đó khu vực nhà nước chiếm 28,69%. Đây cũng là khu việc chiếm lượng vốn đầu tư xã hội lớn nhất với 39% và 11,9% việc làm.

Năm 2016, ông Hùng cho biết có hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập, tăng 16% so với năm 2015, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Trong 5 tháng đầu năm 2017 có thêm 50.534 doanh nghiệp, với gần 1,2 triệu tỷ đồng bổ sung vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, quy mô của doanh nghiệp tư nhân vẫn nhỏ và không có sự cải thiện qua nhiều năm. Theo quy mô lao động, có tới 97,7% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.

Trong khi đó, xét về quy mô vốn, tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ và vừa chiếm tới 94.8%. Nếu chỉ xét khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước thì có tới 98,6% là quy mô nhò và vừa, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%.

Theo ông Hùng, quy mô vốn hạn chế là một trong các trở ngại lớn khiến các doanh nghiệp tư nhân không tận dụng được hiệu quả kinh tế. Việc không năng lực tài chính khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc đầu tư vào máy móc công nghệ để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tỷ suất lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp tư nhân còn rất thấp, chỉ 1,72% trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước là 6,04% và khu vực doanh nghiệp FDI là 6,95 %.

"Đây là vấn đề rất đáng suy ngẫm đối với các cơ quan hoạch định chính sách để có thể đưa ra chính sách phù hợp với khu vực này", ông Hùng cho biết.

Nói về rào cản và thách thức đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân, ông Hùng cho biết, hiện chi phí chính thức đang là gánh nặng lớn.

Theo Báo cáo khảo sát của Jetro năm 2016, tốc độ tăng lương tối thiểu thời gian qua từ 8-12%, đem lại lợi ích cho người lao động, nhưng tốc độ tăng năng suất lao động lại chỉ đạt 4-5%; mức đóng bảo hiểm 22% lương tháng là cao, so với Malaysia chỉ là 13%, Philippines là 10% .

Trong khi đó, theo phản ánh của VASEP: Chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu tăng trung bình từp1,5-2 lần so với trước đây; thời gian kéo dài từ 7-10 ngày.

Chưa kể, chi phí logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục... của Việt Nam cao hàng đầu so với các nước trong khu vực. Chi phí vận chuyển 1 container từ cảng Hải Phòng - Hà Nội gấp 3 lần so với chi phí từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam. Lãi suất ngân hàng ở Việt Nam cũng cao ngất ngưởng ở mức 7-9%, trong khi Trung Quốc 4.3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2-3%...

Doanh nghiệp cần bình đẳng

Phát biểu tham luận tại diễn đàn, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng cần làm rõ vấn đề của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Kinh tế tư nhân phát triển cũng có nghĩa là kinh tế Việt Nam phát triển.

Do vậy, theo ông Ánh, cần quán triệt quan điểm kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước không phải là hai mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh "một mất một còn" mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

"Điều kiện tiên quyết là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân, giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệpngoài Nhà nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn FDI", ông Ánh nói.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, doanh nghiệp cần được hoạt động theo đúng tinh thần Luật Doanh nghiệp 2014 là trên tất cả những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Chính sách và cơ chế đối với kinh tế tư nhân dựa trên nguyên tắc cơ bản: bình đẳng, không cần ưu đãi; tôn trọng, chủ động.

"Hiện nay khu vực tư nhân đang chứa đựng mâu thuẫn nội tại, vừa đòi bình đẳng với khu vực Nhà nước và khu vực kinh tế có vốn FDI lại vừa yêu cầu Nhà nước có những ưu đãi riêng, trong khi yêu cầu được tôn trọng lại chưa chủ động để được tôn trọng. Tư tưởng chờ đợi sự "ban phát", “xin – cho” và "dựa dẫm" vào Nhà nước tuy không phải là đặc trưng nhưng lại khá phổ biến", TS Ánh cho biết.

Ngoài một số ưu đãi tạm thời, theo ông Ánh, cơ bản không nên áp dụng các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, kể cả chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng các chính sách ưu đãi trong việc thuê đất, chuyển nhượng, thế chấp... tránh tình trạng chuyển từ thái cực này sang thái cực khác và làm mất giá trị thật của các ưu đãi.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp tư nhân tham gia vào phát triển chuỗi rất thấp, mặc dù khu vực FDI hiện diện trong nền kinh tế ở nhiều mặt, nhưng tác động lan toả, đặt hàng công việc và tạo dựng cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân rất ít.

Bên cạnh các vấn đề về gánh nặng chi phí, theo ông Đậu Anh Tuấn, hiện doanh nghiệp lớn đang bị thanh tra kiểm tra rất nhiều, trong khi đó doanh nghiệp nhỏ thì ít hơn. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao rất nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ không dám lớn và không muốn lớn.

Theo N.Mạnh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên