Phát triển ngành logistics và bài toán nguồn nhân lực!
Nguồn nhân lực là một “lỗ hổng” của ngành dịch vụ logistics khi thiếu cả về số lượng và chất lượng; thiếu trình độ sơ cấp lẫn chuyên môn, thiếu cả thầy lẫn thợ.
- 16-07-2023Tiền Giang xây dựng 5 dự án điện gió tại vùng ven biển
- 16-07-2023Hình thành không gian kinh tế từ phát triển hạ tầng kỹ thuật liên vùng
- 16-07-2023Triển khai Quy hoạch điện VIII cơ cấu nhập khẩu 5.000MW điện từ Lào
Thiếu nhân lực – “Lỗ hổng” của ngành dịch vụ logistics
Theo ông Somsak Wisetruangrot, Chủ tịch Viện Đào tào Logistics Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA), nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng quyết định đến sự phát triển ngành công nghiệp - dịch vụ logistics không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực ASEAN. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành này đang có “lỗ hổng” rất lớn khi thiếu hụt nhiều nguồn lao động. Có rất nhiều lao động chưa được đào tạo về logistics nhưng lại hoạt động trong lĩnh vực này và chủ yếu là được doanh nghiệp đào tạo sau khi nhận vào làm.
Ông Trần Chí Dũng, Nhóm Phát triển bền vững và Chuyển đổi số, Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA) cho rằng nhân lực logistics ở Việt Nam đang ở thế “thiếu cả thầy lẫn thợ”.
Theo ông Dũng, những người làm quản trị logistics không nhiều và chủ yếu là làm theo kinh nghiệm, chứ chưa được học, chưa được hệ thống hóa kiến thức, chưa được cập nhật kiến thức quản trị mới, vì vậy, họ không được gọi là “thầy”, mà chỉ là người đi trước duy trì hoạt động logistics. Đó là “thiếu thầy”.
Bên cạnh đó, ở phân khúc nghiệp vụ trực tiếp, nhiều lĩnh vực như quản lý kho, quản lý vận tải, những công việc này chỉ cần trình độ trung cấp hoặc cao đẳng, nhưng thực tế phần lớn họ rất ít được đào tạo. Như vậy là “thiếu cả thợ”.
PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, một trong những điểm mà doanh nghiệp lĩnh vực logistics miền Trung trăn trở đó là thiếu nhân lực. Nguồn lực logistics phục vụ khai báo hải quan thì có thể đáp ứng nhưng nhân lực về kho bãi, kho hàng…hoặc những dịch vụ logistics về công nghệ lại rất thiếu hụt. “Tôi cho rằng để phát triển logistics, song song giữa phát triển hạ tầng đi kèm phải phát triển nguồn nhân lực”, bà Hòa nói.
Bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, thành phố hiện có khoảng 14.000 người làm việc trong lĩnh vực logistics, tăng 4 lần so với năm 2011, chiếm 2,7% nguồn lao động logistics trên cả nước và khoảng 40% nguồn lao động logistics vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics chỉ đáp ứng khoảng 30 – 50% nhu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ logistics. Việc giải quyết sự thiếu hụt nguồn lao động, nhất là lao động chất lượng cao trong lĩnh vực hàng hải, hàng không, kho bãi, đặc biệt là cán bộ quản lý điều hành chuyên ngành về logistics trình độ đại học và trên đại học, được đào tạo nước ngoài hoặc nhân công được đào tạo chuyên nghiệp, có tình độ tay nghề cao hiện là nhu cầu bức thiết đối với thành phố nói riêng và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung.
Theo bà Phương, quy mô đào tạo nguồn nhân lực hiện chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của các doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng. Thực trạng hiện nay phần lớn các doanh nghiệp phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc. “Tại TP. Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung – Tây Nguyên, việc đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics tại các trường đại học chủ yếu lồng ghép vào các ngành như ngoại thương, quạn hệ quốc tế…nên nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ cho ngành còn rất hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng”, bà Phương thông tin.
“Bài toán” không thể không có lời giải
Chủ tịch Viện Đào tào Logistics Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA) cho rằng, “lỗ hổng” hụt nguồn nhân lực cần phải nhanh chóng khắc phục. Vì vậy, cần có những chương trình đào tạo và cần bổ sung hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo nguồn nhân lực ở các quốc gia trong khu vực (ASEAN). “Hiện AFFA có viện đào tạo logistics có thể hỗ trợ đào tạo một phần nhân lực logistics. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, các trường, doanh nghiệp có thể liên kết Hiệp hội dịch vụ vận tải logistics Việt Nam (VLA) để hỗ trợ đào tạo cho sinh viên, đội ngũ người lao động”, ông Somsak Wisetruangrot nói.
Theo chuyên gia Trần Chí Dũng, giải bài toán nhân lực logistics cần tập trung ở 3 nội dung chính: Xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp logistics để chuẩn hóa đào tạo; chú trọng đạo tạo giảng viên - lực lượng nòng cốt đào tạo cho nhân lực logistics; Tạo môi trường thực tập thực tế cho sinh viên - học kết hợp với thực tế.
Phải tập trung vào xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp. Trước tiên các trường phải tìm hiểu xã hội, doanh nghiệp cần gì, muốn đội ngũ nhân lực như thế nào, để từ đó xây dựng tiêu chuẩn. “Việt Nam đang xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp về logistics nhưng rất chậm”, ông Dũng nhận xét.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa cho rằng, khi nói đến nguồn nhân lực logistics sẽ nghĩ ngay đến sinh viên ra trường trực tiếp trong lĩnh vực logistics, tuy nhiên, trước hết nguồn nhân lực trong lĩnh vực này là đội ngũ giảng viên giảng dạy lĩnh vực logistics. Tập trung hỗ trợ cho các trường chiêu bá đội ngũ giảng dạy, có thể là chuyên gia về logistics. Hỗ trợ cho đội ngũ giảng dạy logistics ở các trường để các thầy cô có điều kiện có thể nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là các kiến thức, quy chuẩn theo FIATA (Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế)… Hoặc Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) có thể có các chương trình hỗ trợ cho đội ngũ giảng viên các trường trong mạng lưới để nâng cao chuyên môn.
“Có một đội ngũ giảng viên "chắc" thì sẽ có đội ngũ người lao động có chất lượng và có kỹ năng tốt để đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển logistics”, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa nói.
Công Thương