MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phía sau hàng loạt thương vụ M&A trên thị trường bán lẻ vừa qua là tin vui gì cho thị trường Việt Nam?

Theo công ty Chứng khoán Vietcombank VCBS năm 2019, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục chứng kiến một năm sôi động của hoạt động mua bán, sáp nhập.

Điểm lại các thương vụ M&A tiêu biểu trong ngành bán lẻ, VCBS cho biết trong tháng 4/2019, thị trường đã chứng kiến Vingroup đã mua lại Viễn Thông A, Fivimart, GM Việt Nam, Shop&Go. Đến tháng 6/2019, Saigon Co.op đã mua lại Auchan Việt Nam. Đến tháng 7/2019, Jolibee thâu tóm chuỗi café Coffee Bean.

Tháng 9/2019, Vinmart thâu tóm chuỗi siêu thị Queensland (8 siêu thị) và đến tháng 12 năm nay, Masan Consumer sáp nhập Vincommerce và VinEco.

Nhìn nhận về thị trường, VCBS đánh giá việc các đại gia bán lẻ trong nước mua lại các chuỗi của nước ngoài cho thấy kinh nghiệm thấu hiểu địa phương đã chiến thắng mô hình kinh doanh quốc tế trong phân khúc siêu thị/cửa hàng tiện lợi.

Với việc chuyển nhượng hệ thống bán lẻ của Vingroup về với Masan cũng được bên trong cuộc chia sẻ nhằm tạo ra sức mạnh cạnh tranh với các ông lớn nước ngoài.

Nhận định thêm về thị trường bán lẻ, VCBS cho rằng trước mức độ gia tốc đô thị hóa, các thành thị cấp 2 sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho các doanh nghiệp bán lẻ thay cho các thành phố lớn hiện hữu.

"Doanh số tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, song đã có dấu hiệu hạ nhiệt tại các thành phố lớn, động lực tới từ các thành phố cấp 2", VCBS cho biết.

Bên cạnh đó, với tâm lý tiêu dùng tích cực, người tiêu dùng có xu hướng dần chuyển sang phân khúc cao cấp.

Cụ thể, chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm trở lại đây, đạt đỉnh vào quý 3/2019. Thu nhập bình quân gia tăng với tốc độ cao thứ nhì khu vực tạo ra 2 hiệu ứng bao gồm: khiến người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu nhiều hơn thể hiện qua tăng trưởng sản lượng; dịch chuyển qua phân khúc cao cấp hơn với yếu tố giá cả gia tốc, và người tiêu dùng cũng trở nên khắt khe hơn về chất lượng.

Xu hướng già hóa và thu nhập tăng cũng khiến người dân hướng tới sự tiện lợi và tốt cho sức khỏe. Nhu cầu về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thực phẩm hữu cơ ngày một gia tăng tại các đô thị lớn. Tầng lớp trung lưu gia tăng với quỹ thời gian hạn hẹp hơn đang chú trọng mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi hay mua sắm trực tuyến.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đang dần bị thay đổi hành vi thông qua sự thâm nhập cao của Internet. Hiện tại, mức độ tiếp cận và sử dụng internet của người Việt Nam đã ở mức cao so với khu vực. Thêm vào đó, sự phát triển của điện thoại thông minh cùng với xu hướng tiêu dùng tiện lợi đã dẫn tới xu hướng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam.

Theo VCBS, các mặt hàng mua sắm nhiều nhất là thời trang, mỹ phẩm, sách và điện thoại di động. Những món đồ có giá trị cao và đồ tươi sống vẫn có xu hướng mua trực tiếp. Các trang thương mại điện tử dẫn đầu theo độ phổ biến là Shopee (75%), Lazada (70%), Tiki (58%), Facebook (54%), Sendo (44%), Adayroi (25%).

An Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên