Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để “đi tắt, đón đầu” già hóa dân số
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp Việt Nam thích nghi được với nguy cơ già hóa dân số và khắc phục tình trạng chưa giàu đã già.
- 29-05-2019Quốc hội không đồng ý cho phạm nhân lao động ngoài trại giam
- 25-05-2019Tăng tuổi nghỉ hưu: Lao động đặc thù, doanh nghiệp sẽ được ưu tiên?
- 20-05-2019Làm thêm 400 giờ/năm, lương tính theo cách này người lao động bớt buồn
Ông đánh giá như thế nào với quy định tăng tuổi nghỉ hưu dành cho lao động Việt Nam? Cá nhân ông chọn phương án nào trong 2 phương án mà dự án luật đã đưa ra?
- Trong tờ trình của Chính phủ đang đưa ra hai phương án nhưng thực chất cũng chỉ là một. Chúng chỉ đề cập tới lộ trình khác nhau còn tuổi nghỉ hưu, chúng ta đang phấn đấu để nam nghỉ hưu ở tuổi 62 còn nữ nghỉ hưu ở tuổi 60.
Theo hai phương án mà Chính phủ đưa ra, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu sẽ đều bắt đầu từ năm 2021. Ở phương án 1 là nam tăng trong 3 tháng, nữ tăng 4 tháng mỗi năm và phương án 2 là nam tăng trong 4 tháng và nữ tăng 6 tháng mỗi năm cho tới khi nam đạt 62 tuổi nghỉ hưu và nữ đạt 60 tuổi.
Cá nhân tôi cho rằng cả 2 phương án này đều có ưu điểm và nhược điểm. Nếu chọn phương án 1, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu sẽ chậm hơn. Sau 15 năm, phụ nữ mới đạt tuổi nghỉ hưu là 60 và sau 8 năm nam mới đạt tuổi nghỉ hưu là 62. Nó không gây sốc cho thị trường lao động, bổ sung thêm việc làm và không bị thất nghiệp tức thời. Tuy nhiên, đây là ý kiến cá nhân.
Thực tế, Bộ Luật lao động chúng ta mới đưa ra và còn rất nhiều thời gian để lấy ý kiến các đối tượng, đặc biệt là ý kiến nhân dân, để tạo ra sự đồng thuận. Một chính sách ra đời không phải chỉ để áp dụng cho một nhóm người hoặc ưu tiên nhóm người này mà không ưu tiên nhóm người khác, mà phải thể hiện tính thống nhất và tính đồng bộ cũng như đạt được sự ủng hộ của đại đa số đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật lao động sửa đổi.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu được cho là vấn đề khá nhạy cảm ở Việt Nam và nhiều người Việt vẫn cho rằng nghỉ hưu là thời điểm để nghỉ ngơi. Tại nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Singapore, người già vẫn lao động (dù là những công việc nhẹ) để đảm bảo cho cuộc sống. Theo ông, người Việt Nam có nên làm quen dần với điều này?
Hiện nay chúng ta điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tức là điều chỉnh về nhận thức, quan điểm và cách thức để người lao động dần quen với việc làm việc sau khi về già. Tuy nhiên, có 3 điểm chúng ta cần lưu ý. Thứ nhất, tuổi thọ bình quân hiện nay của người Việt đã cao hơn bình quân thế giới. Bình quân tuổi thọ của người Viêt Nam là 76,6 với phụ nữ là 81,2 và nam là 72,3. Suốt 70 năm vừa qua chúng ta không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Chúng ta điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để đi tắt, đón đầu quá trình già hóa dân số.
Thứ hai, hiện nay, 40% tổng số người về hưu của chúng ta đang làm việc trong thị trường lao động. Điều này có nghĩa là họ vừa hưởng lương đi làm, vừa hưởng lương hưu. Nếu chúng ta động viên được lực lượng này ra làm việc, họ sẽ kéo dài thêm thời gian đóng vào quỹ Bảo hiểm Xã hội và giúp quỹ BHXH của những người này an toàn hơn. Chắc chắn, tiền lương hưu sẽ cao hơn so với hiện nay. Hiện nay, lương hưu của chúng ta rất thấp, bình quân hơn 3 triệu. Lương hưu cao chủ yếu rơi vào lực lượng vũ trang trong khi một số người có lương hưu chưa bằng lương cơ sở 1.390.000đ và nhà nước phải bù vào.
Thứ 3, bài học kinh nghiệm quốc tế rất quan trọng, chẳng hạn như ở Nhật Bản. Quốc gia này đang nâng tuổi làm việc lên hơn 70 trong bối cảnh họ rất thiếu lao động. Ở nước ta, cứ 1,2 triệu người bước vào tuổi lao động thì có 400.000 người nghỉ hưu. Lúc này, lực lượng lao động vẫn bù đắp được số lương nghỉ hưu và đóng góp thêm cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tính toán được, sẽ đến lúc số lao động mới sẽ thấp hơn yêu cầu nguồn nhân lực để phát triển kinh tế xã hội.
Ảnh: Quochoi.vn
Báo cáo của Chính phủ hiện tại cho thấy trong 4 tháng đầu năm, nguồn nhân lực của chúng ta, bao gồm người có khả năng lao động từ 15 tuổi trở lên, là 370.000 người. Tuy nhiên, chúng ta đã giải quyết việc làm cho hơn 400.000 lao động, có nghĩa là chúng ta đang thiếu người để bố trí vào việc làm chứ không phải tạo ra thất nghiệp.
Với 3 lý do đó, chúng ta phải nghiên cứu, tính toán để chuẩn bị lộ trình nhằm tránh sốc cho thị trường lao động, vừa đón đầu già hóa dân số, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội tương lai.
Người lao động hiện tại rất băn khoăn vì họ nghĩ rằng họ phải làm tới tuổi 60 và 62. Tuy nhiên, thực chất không phải ai cũng làm đến tuổi này. Về cơ bản, tôi phải khẳng định lại rằng với những lao động chân tay như da giày, dệt may, thủy sản, điện tử hay những ngành mà lâu nay được biết là nặng nhọc sẽ về hưu theo tuổi của lao động bình thường.
Mức lương hưu đang ngày càng khó đảm bảo một cuộc sống thoải mái cho người già. Ông thấy việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có tác động như thế nào tới quỹ BHXH?
Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ kéo theo tăng lương hưu. Thứ nhất, BHXH của chúng ta là có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp và đóng dài hơn thì quỹ lương hưu sẽ cao hơn. Nếu kéo dài thời gian lao động, làm việc, đồng nghĩa với việc anh tích lũy thêm vào quỹ hưu trí. Sau này, quỹ đó sẽ được hạch toán trong tài khoản cá nhân của người lao động. Nếu chia bình quân, mức đóng cao, đóng dài sẽ đảm bảo lương hưu cao hơn. Nếu tăng thêm 1 năm đóng vào quỹ, giảm 1 năm lấy lương hưu trước thì sẽ an toàn cho quỹ.
Liên Hợp Quốc từng cảnh báo dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng. Tăng tuổi nghỉ hưu có giúp Việt Nam chuẩn bị sớm cho những khó khăn sắp tới?
Đúng như Liên Hợp Quốc và Tổ chức Lao động Quốc tế thúc đẩy và tư vấn, chúng ta phải có lộ trình để đi trước đón đầu già hóa dân số và cũng chính là tạo cơ hội cho người dân khắc phục tình trạng chưa giàu đã già.
Có ý kiến cho rằng tuổi thọ của người Việt Nam đã cao hơn nhưng thể trạng sức khỏe không tốt. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây tác động như thế nào?
Tôi thừa nhận điều đó. Vì thế, không phải ai cũng sẽ về hưu ở độ tuổi mới. Với những người không đủ điều kiện, được Hội đồng Y khoa giám định là mất sức, chỉ còn 61%, thì đương nhiên họ được nghỉ hưu vì đó là quyền của họ.
Một số người cho rằng lao động trong đơn vị hành chính sự nghiệp đang dư thừa. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì bộ máy kém hiệu quả sẽ được duy trì và sinh viên mới ra trường không có việc làm. Ông đánh giá ra sao về nhận định này?
Chúng ta phải sắp xếp, tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương. Đó là việc đương nhiên phải làm và chúng ta vẫn phải làm. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng khi chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước tăng lên, con người phải tăng lên. Giảm biên chế không có nghĩa là giảm bình quân. Giảm là giảm người không đủ năng lực trong bộ máy hành chính nhà nước, những người sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.
Thiếu, chúng ta vẫn thiếu. Đó là thiếu những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, những người có học vấn giỏi và sinh viên ra trường xuất sắc. Hiện nay, chúng ta không còn ở thời kỳ bao cấp nữa, không đào tạo sinh viên ra trường rồi phân bổ vị trí việc làm. Anh phải bỏ tiền đi học để nâng cao kiến thức, bồi bổ kiến thức và tự thân bươn trải trong thị trường lao động và phải đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường. Nếu muốn vào vị trí của công chức nhà nước, cần thi. Phải giỏi và đúng năng lực mới được vào. Câu chuyện là vậy.
Có ý kiến cho rằng nếu nâng độ tuổi về hưu với cán bộ lãnh đạo thì có cần phải quy định là mỗi người chỉ được làm ở vị trí lãnh đạo nhất định trong những nhiệm kỳ nhất định?
Tôi nghĩ rằng Chính phủ và hệ thống tổ chức của chúng ta nên nghiên cứu ý kiến này. Khi đạt đến tuổi 60 với nam hoặc 55 với nữ, khả năng làm việc chuyên môn giỏi lên, kinh nghiệm nhiều lên nhưng sức khỏe và khả năng lãnh đạo giảm xuống.
Chính vì vậy, chúng ta nên nghiên cứu một cơ chế để những người được giữ làm lãnh đạo chính trị phải là tinh hoa của dân tộc, Đảng cần, dân muốn. Còn lại, theo tôi, một người chỉ nên giữ chức vụ tối đa 2 nhiệm kỳ.
Thứ hai, những người ngoài 60 tuổi, có thể làm việc thêm một vài năm với kinh nghiệm và vốn kiến thức đã tích lũy của mình. Tuy nhiên, họ không nên làm lãnh đạo mà hãy làm chuyên gia, đóng góp cho đất nước với kinh nghiệm mình có.
Chúng ta đang muốn có một lớp trẻ tài năng, học hành bài bản và có ngoại ngữ, có kiến thức, năng động, sáng tạo có sức khỏe giữ những vị trí lãnh đạo của đất nước. Tuy nhiên, cần giữ cơ cấu già, trẻ và trung bình để tạo ra một sự gắn bó liên kết.
Nhóm nào mong muốn nghỉ hưu và nhóm nào không?
Tôi đã có khảo sát. Phụ nữ 100% ở khu vực hành chính sự nghiệp nói rằng tại sao nam về hưu 62 mà nữ 60, muốn hòa nhập. Tuy nhiên, đối với nữ công nhân, không ai muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Đến một nhóm khác, người ta muốn có quyền nghỉ sớm và đảm bảo lương hưu đủ sống. Điều đó rất phi lý. Anh đóng bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, làm sao đóng ít mà lại đòi hưởng nhiều.