MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinatex vẫn “khát” đơn hàng mới, xuất khẩu khẩu trang chưa thể xem là mặt hàng chiến lược

20-04-2020 - 07:29 AM | Doanh nghiệp

"Ở thời điểm hiện tại, đây là một trong các giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may duy trì việc làm cho người lao động, chờ dịch bệnh qua đi để khôi phục lại sản xuất, chưa thể coi là mặt hàng chiến lược khi nhu cầu khẩu trang chỉ mang tính thời điểm", đại diện Vinatex nhấn mạnh.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, ngay từ những ngày đầu xuất hiện đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, Tập đoàn Dệt May (Vinatex) cùng đơn vị thành viên triển khai nhanh sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn phòng chống dịch.

Khẩu trang chưa thể xem là mặt hàng chiến lược

Tính đến 15/4, Tập đoàn đã cung ứng thị trường trong nước khoảng 80 triệu chiếc khẩu trang và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong nước. Với việc sản xuất khẩu trang hiện tại đang giúp Tập đoàn giải quyết việc làm cho 20% số lao động bị thiếu việc.

Vừa qua, Tập đoàn cũng đưa ra thị trường sản phẩm mới khẩu trang vải 3 lớp chống giọt bắn, kháng khuẩn đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế theo Quyết định số 870 và đang xúc tiến xuất khẩu mặt hàng này sang một số quốc gia Châu Âu và Mỹ như Séc, Hungary, Canada, Mỹ nhằm bù đắp một phần đơn hàng may mặc bị thiếu hụt.

"Ở thời điểm hiện tại, đây là một trong các giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may duy trì việc làm cho người lao động, chờ dịch bệnh qua đi để khôi phục lại sản xuất, chưa thể coi là mặt hàng chiến lược khi nhu cầu khẩu trang chỉ mang tính thời điểm", đại diện Tập đoàn nhấn mạnh.

Liên quan đến thông tin Chính phủ vừa cho phép xuất khẩu khẩu trang, Tập đoàn tận dụng thay đổi này như thế nào? Và sẽ có kế hoạch nào đảm bảo được tiêu chuẩn chung các quốc gia đề ra?

Trả lời, Phó Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu cho rằng đây là quyết định rất hợp lý giúp hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may hiện tại có thêm giải pháp xuất khẩu khi không có đơn hàng may mặc trong khi nhu cầu khẩu trang của các nước trên thế giới vẫn còn lớn.

Tập đoàn cam kết ưu tiên đảm bảo nhu cầu khẩu trang phòng chống dịch trong nước, năng lực sản xuất khẩu trang toàn Tập đoàn có thể đạt 90-100 triệu chiếc/tháng để đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu lớn (nếu có). Trên thực tế xuất khẩu sang châu Âu hay Mỹ nhiều khách hàng yêu cầu phải đáp ứng các tiêu chuẩn như CE hay FDA, do đó các doanh nghiệp cũng cần căn cứ tình hình thực tế để quyết định vì thủ tục lấy các chứng nhận trên sẽ tốn thêm chi phí và có độ trễ về thời gian.

Quý 1/2020 chưa bị tác động nhiều bởi Covid-19

Đối với Tập đoàn, kết quả kinh doanh quý 1/2020 chưa bị tác động nhiều do doanh nghiệp sử dụng hết nguyên liệu mua dự trữ trước đó và hiện tượng các nhà mua hàng ở châu Âu và Mỹ hoãn và hủy bắt đầu từ 2 tuần cuối tháng 3 đến nay.

Điểm sáng trong quý 1 là doanh thu nội địa tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên doanh thu xuất khẩu sụt giảm khiến doanh thu của Tập đoàn giảm 7% so cùng kỳ năm ngoái, thực hiện 20% kế hoạch năm.

Đáng chú ý, việc sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn đã giúp Tập đoàn và các đơn vị thành viên bù đắp phần thiếu hụt của các sản phẩm truyền thống.

Dịch bệnh dù đã qua đỉnh căng thẳng, song đơn hàng cho dịp Xuân – Hè khả năng chuyển từ "hoãn" thành "huỷ"

Hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại châu Âu và Mỹ bước đầu đã vượt qua được giai đoạn căng thẳng nhất, tuy nhiên các nước này vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, các cửa hàng bán lẻ chưa được mở cửa cho đến đầu tháng 5, dẫn đến các đơn hàng tiếp tục bị hoãn, trong khi đơn hàng mới giảm mạnh, gần như không có. Những đơn hàng bị hoãn phần lớn là cho dịp Xuân - Hè, đúng thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát, dự kiến hết dịch thì thời tiết đã sang Thu nên khả năng cao đơn hàng dừng hoãn sẽ trở thành hủy, thời gian hoãn hợp đồng cũng cũng kéo dài lên đến 3 – 6 tháng.

Điển hình Bangladesh – quốc gia cạnh tranh với dệt may Việt Nam, theo thống kê đến cuối tháng 3, trị giá đơn hàng hoãn, hủy đã lên tới gần 3 tỷ USD, ảnh hưởng tới 2 triệu lao động nước này.

Theo khảo sát mới nhất của Liên minh các nhà sản xuất dệt may quốc tế, các đơn hàng dệt may trên thế giới ước tính doanh số năm 2020 dự kiến giảm 29% so với trung bình của năm trước. Chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu bị gián đoạn dẫn đến doanh nghiệp không thể tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, chi phí gia tăng.

Tuy nhiên thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp dệt may toàn cầu là dòng tiền, yếu tố quyết định đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp dệt may, dòng tiền nằm ở hàng hóa, vòng quay luân chuyển hàng hóa bị dừng đồng nghĩa không có dòng tiền. Cơ hội cũng xuất hiện với một số ít các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp may) chuyển đổi sang sản xuất hàng phục vụ lĩnh vực y tế, phòng dịch.

Vinatex vẫn “khát” đơn hàng mới, xuất khẩu khẩu trang chưa thể xem là mặt hàng chiến lược - Ảnh 3.

Bảo An

Tổ Quốc

Trở lên trên