MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh về hưu từ 1/10

30-09-2017 - 09:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong thời gian làm Phó Thống đốc, ông Nguyễn Phước Thanh phụ trách công tác thanh tra ngân hàng, tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu cùng nhiều công việc khác.

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định liên quan đến nhân sự ngành ngân hàng.

Theo đó ông Trần Bá Huấn, Ủy viên Hội đồng quản lý, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/10/2017.

Hiện Chủ tịch Hội đồng Quản trị VDB đang là ông Phạm Quang Tùng. Ngân hàng có 4 Phó tổng giám đốc là các ông: Nguyễn Chi Trang, Đào Văn Chiến, Trần Phú Minh và Đào Quang Trường.

Tại Ngân hàng Nhà nước, Ban lãnh đạo gồm Thống đốc Lê Minh Hưng cùng các Phó thống đốc là ông Nguyễn Đồng Tiến, ông Đào Minh Tú, bà Nguyễn Thị Hồng và ông Nguyễn Kim Anh.

Ông Nguyễn Phước Thanh sinh ngày 23/09/1957, quê ở An Giang. Trước khi về Ngân hàng Nhà nước làm Phó Thống đốc vào tháng 7/2013, ông Thanh là Tổng giám đốc Vietcombank từ năm 2007 tới 2013.

Tại Ngân hàng Nhà nước, ông Thanh được phân công các công việc:

Giúp Thống đốc giải quyết các công việc được ủy nhiệm. Phụ trách công tác thanh tra ngân hàng; tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu; quản lý cấp phép và hoạt động các Tổ chức tín dụng; thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.

Trực tiếp chỉ đạo, phụ trách các đơn vị: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (mảng công việc liên quan đến công tác thanh tra ngân hàng; tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu; quản lý cấp phép và hoạt động các Tổ chức tín dụng; thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng); Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); Văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể:

+ Thường xuyên theo dõi, nắm bắt các diễn biến kinh tế, tài chính và hoạt động ngân hàng trên địa bàn Thành phố; chỉ đạo (hoặc báo cáo Thống đốc chỉ đạo) xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm, khó khăn, vướng mắc phát sinh trên địa bàn về công tác tiền tệ, tín dụng, thanh tra, giám sát và đảm bảo khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

+ Đại diện Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh định kỳ hoặc đột xuất họp giao ban để kiểm điểm và chỉ đạo xử lý những vấn đề liên quan đến tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên