MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Giải quyết vấn đề "lệch pha" giữa khối FDI và trong nước không bằng cách làm doanh nghiệp FDI yếu đi

Chính phủ Việt Nam coi FDI là một bộ phận hữu cơ quan trọng trong nền kinh tế. Thành công của khối này cũng là thành công của Việt Nam và ngược lại, thành công của doanh nghiệp Việt cũng là thành công của khối FDI.

Đây là một trong những nội dung cốt lõi được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017.

Phó Thủ tướng cho biết hiện đang có sự lệch pha giữa khối FDI cũng như nền kinh tế trong nước.

“Tôi muốn khẳng định quan điểm, lập trường của Chính phủ Việt Nam coi FDI là bộ phận hữu cơ rất quan trọng trong nền kinh tế và chủ trương thu hút mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện cho khối này thành công tại Việt Nam và đó cũng là thành công của chúng ta”, Phó Thủ tướng nói.

Ông cũng nói rằng, với vấn đề “lệch pha”, Chính phủ giải quyết không bằng cách làm doanh nghiệp FDI yếu đi, mà quan điểm là tạo mọi điều kiện thu hút FDI và có giải pháp để kết nối 2 khu vực này. Theo đó, doanh nghiệp trong nước sẽ có đủ khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị của thế giới.

Tuy nhiên, thu hút vốn FDI sẽ không bằng mọi giá, mà là thu hút có chọn lọc, ưu tiên cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phù hợp với tiến trình tái cơ cấu của Việt Nam, có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sẵn chuỗi liên kết, quản trị tốt, sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt nam.

Việc kết nối này là theo mục tiêu cho 2 khu vực kinh tế mạnh lên, đồng đều, hỗ trợ cho nhau.

“Tôi đánh giá cao sáng kiến việc VCCI và hiệp hội các nhà đầu tư Đài Loan ngồi lại với nhau để tăng cường tính kết nối này và tôi mong muốn các hiệp hội khác cũng vậy. Chính phủ coi thành công của khối FDI như thành công của mình và khối FDI cũng coi thành công của doanh nghiệp Việt Nam cũng là thành công chung và là thành công của chính mình”, Phó Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh đó, ông Huệ còn nêu quan điểm của Chính phủ về hội nhập. Cụ thể, đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam. Việt Nam đã, đang ký nhiều hiệp định thế hệ mới với các tiêu chuẩn rất cao. Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế trong nước, tăng cường cạnh tranh quốc gia, năng lực, ,sản phẩm để hội nhập kinh tế quốc tế.

“Đấy là sự nhất quán, cho dù có hay không có hiệp định tự do thương mại như TPP”, ông nhấn mạnh.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gồm cả DNNN, tư nhân, FDI, hộ kinh doanh gia đình, Chính phủ Việt Nam đang đi theo cách xây dựng, hoàn thiện môi trường đầu tư kịnh doanh thông thoáng, minh bạch cho tất cả các loại hình doanh nghiệp này.

Chính phủ đang làm quyết liệt Nghị quyết 19 và 35. Tới đây sẽ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV khi nội hàm tập trung vào hỗ trợ có mục tiêu theo các nguyên tắc thị trường, hỗ trợ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, cũng như tập trung phát triển hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy sáng tạo tại Việt Nam.

Về tạo thuận lợi thương mại, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã kiện toàn Uỷ ban tạo thuận lợi thương mại quốc gia. Theo đó, đến năm 2018 sẽ đưa 80% thủ tục hành chính lên cổng thông tin 1 cửa quốc gia, ASEAN.

Đồng thời, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, sửa đổi 73 thủ tục hải quan chuyên ngành để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài. Chính phủ cũng tập trung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện, phát triển mạnh mẽ các loại thị trường - điều kiện cần và đủ cho các doanh nghiệp phát triển, như: hàng hóa dịch vụ, vốn, khoa học - công nghệ, BĐS…

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế gắn đổi mới mô hình tăng trưởng, coi trọng chất lượng tăng trưởng.

“Giờ Việt Nam có 5 lĩnh vực cần tái cơ cấu trọng tâm thay vì 3 lĩnh vực như trước”, Phó Thủ tướng nói.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên