Phòng, chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm
Sáng 3/8, ngay sau khi được Ban Chấp hành Trung ương (T.Ư) bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII, đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chủ trì họp báo với phóng viên trong nước, quốc tế.
- 30-07-2024Bộ trưởng Lương Tam Quang: Tập trung xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực
- 11-07-2024KTNN ngày càng có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và phòng, chống tham nhũng
- 26-06-2024Công an TP.HCM kỷ luật 10 cán bộ, chiến sĩ vì liên quan tham nhũng
- 19-06-2024Đề xuất chi mua tin phòng chống tham nhũng tối đa 50 triệu đồng/tin
Vinh dự, trách nhiệm lớn
Phát biểu tại họp báo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ về tổn thất to lớn, không thể bù đắp của Đảng, dân tộc, nhân dân ta khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi. Ở thời khắc này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè quốc tế đang còn rất xúc động, chưa vơi niềm tiếc thương vô hạn đối với nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của chúng ta. Song, trước yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên cấp bách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng , phát triển đất nước, chăm lo cuộc sống của Nhân dân, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư đã quyết định chủ trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trước hết là chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng.
“Đây là yêu cầu cấp bách của Đảng, của đất nước hiện nay nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; tạo nền tảng vững chắc đạt các mục tiêu chiến lược kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời xác định tầm nhìn tương lai, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, đóng góp cho hòa bình và phát triển trên thế giới”, đồng chí Tô Lâm nhấn mạnh, đồng thời cho rằng: Việc bầu chức danh Tổng Bí thư giữa nhiệm kỳ được thực hiện theo đúng quy định Điều lệ Đảng, phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII và các quy định về công tác cán bộ của Đảng. Đây cũng không phải là vấn đề mới, trong lịch sử Đảng ta cũng đã bầu Tổng Bí thư giữa nhiệm kỳ đối với đồng chí Trường Chinh, đồng chí Lê Khả Phiêu.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, quá trình chuẩn bị, giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư được thực hiện chặt chẽ, đúng nguyên tắc, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, chức danh, quy trình theo quy định của Đảng. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, xem xét nhiều mặt và thể hiện sự thống nhất rất cao trong việc giới thiệu và bầu chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII. “Được Bộ Chính trị tin tưởng giới thiệu, Ban Chấp hành T.Ư Đảng tín nhiệm bầu và giao trọng trách Tổng Bí thư, tôi nhận thức sâu sắc đây là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm vinh quang trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; trước truyền thống cha ông và lịch sử hào hùng ngàn năm văn hiến của dân tộc; trước các thế hệ lãnh đạo tiền bối; trước yêu cầu thực hiện thành công đường lối đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, đồng chí Tô Lâm chia sẻ.
Phòng, chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định sẽ luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân là niềm vui, lẽ sống; chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống Nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, sẽ tiếp tục lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những định hướng lớn, đột phá chiến lược mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc. Kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, không ngừng tăng cường đóng góp của Việt Nam vào hòa bình và phát triển ở khu vực và trên thế giới…
Trả lời trực tiếp một số câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu: Chúng ta đã đi 2/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, có nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ rất nhiều, rất bề bộn, vì thế, cần có sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, sự đoàn kết dân tộc, chung tay, đồng lòng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. “Có lẽ là không có gì bằng sự đoàn kết, thống nhất. Sự đoàn kết, thống nhất là sức mạnh của chúng ta. Tôi rất vui mừng sự đoàn kết, thống nhất từ trong Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư đã được lan tỏa, tiếp tục phát huy, khơi dậy tốt đẹp. Đây là sức mạnh của Đảng, quốc gia để chúng ta có thể vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt những thắng lợi mới ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Về những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh sẽ rà soát, đánh giá lại các nhiệm vụ, chỉ tiêu Đại hội XIII đề ra để có giải pháp tập trung bứt phá, có bước chuyển động nhanh, xác định tăng tốc thực hiện các mục tiêu. Cùng với đó, cần ưu tiên chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng. Thời gian không còn nhiều, nhưng có rất nhiều công việc cần triển khai. Trước hết, các tiểu ban văn kiện, tiểu ban nhân sự, kinh tế xã hội... phải tích cực chuẩn bị để hoàn thiện, phục vụ cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. “Phải chuẩn bị tốt về phương án nhân sự. Chúng ta có bộ máy tốt, đội ngũ cán bộ tốt để hoàn thành được mục tiêu, những kỳ vọng của Nhân dân”, đồng chí Tô Lâm nêu.
Trước câu hỏi về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, thời gian tới, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng , tiêu cực sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ, với phương châm, giải pháp, nhiệm vụ như thời gian qua. Trong đó, sẽ đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai; xử lý một người để cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý trước hết ở cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng tiêu cực, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng. “Lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân, dư luận quốc tế vừa qua tạo sự đồng tình ủng hộ, tạo niềm tin của Nhân dân với Đảng, của cán bộ đảng viên, thống nhất rất cao. Vừa qua công tác này có sự đoàn kết thống nhất trong T.Ư, trong Đảng, uy tín của lãnh đạo và cơ quan phòng chống tham nhũng tăng cao. Công việc này cần quyết liệt, triệt để, làm sao để chiến thắng được “giặc nội xâm””, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.
Phát huy truyền thống đặc trưng ngoại giao Việt Nam
Về chính sách đối ngoại, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: Ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh quan hệ các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống; không ngừng củng cố tin cậy chính trị, đan xen lợi ích, đối ngoại hòa bình, hợp tác cao nhất cho sự phát triển. Tăng cường sự đóng góp của Việt Nam trong duy trì hòa bình, ổn định khu vực và trên thế giới, tiếp tục nâng tầm ngoại giao đa phương, phát huy vai trò là quốc gia có trách nhiệm. Tiếp tục thực hiện hiệu quả ngoại giao thời đại mới, trên cơ sở cốt cách của con người Việt Nam: Dĩ bất biến ứng vạn biến, hoà hiếu, bản lĩnh, chí nhân thay cường bạo - truyền thống của dân tộc nghìn đời nay. Phát huy truyền thống đặc trưng ngoại giao Việt Nam mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời đã tổng kết. Phát huy cao độ vai trò của đối ngoại, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, thực hiện thành công đường lối đổi mới với 2 mục tiêu chiến lược: 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước…
Tiền Phong