MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phòng tránh bệnh phong thấp vào thời điểm giao mùa: 5 chi tiết cuộc sống cần đặc biệt chú ý để tạm biệt đau nhức

06-09-2021 - 15:11 PM | Sống

Phòng tránh bệnh phong thấp vào thời điểm giao mùa: 5 chi tiết cuộc sống cần đặc biệt chú ý để tạm biệt đau nhức

Theo y học cổ truyền, bệnh phong thấp chỉ tình trạng tắc nghẽn khí huyết trong kinh mạch. Đây là căn bệnh mạn tính, nếu không có biện pháp kiểm soát hợp lý, xương khớp sẽ bị hủy hoại theo thời gian, dẫn đến nguy cơ biến dạng khớp và liệt chi.

Theo HealthPeople, lúc giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh khiến tình trạng bệnh của một số bệnh nhân thấp khớp thường tái phát hoặc trầm trọng hơn.

Sự nguy hiểm của bệnh phong tê thấp

Theo thời gian, sụn và xương khớp bị phong thấp sẽ mòn và mỏng dần, phá hủy ổ khớp làm giảm chức năng vận động, thậm chí mất hoàn toàn khả năng cử động do teo cơ, biến dạng khớp. 

Điển hình của biến chứng phong thấp là các ngón tay rụt lại, cứng đơ và ngón chân đan chồng vào nhau. Điều này gây khó khăn cho các hoạt động thường ngày trong cuộc sống. Ngoài ra, bệnh phong thấp còn khiến nhiều bộ phận của cơ thể như mắt, tai, phổi và tim bị suy giảm chức năng.

Phòng tránh bệnh phong thấp vào thời điểm giao mùa: 5 chi tiết cuộc sống cần đặc biệt chú ý để tạm biệt đau nhức - Ảnh 1.

Phong thấp không chữa trị kịp thời sẽ làm biến dạng các đốt ngón chân, ngón tay khiến người bệnh không thể cử động bình thường. Ảnh: Internet

Có thể thấy, phong thấp là bệnh lý đặc biệt nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Do đó, ngay cả khi xương khớp khỏe mạnh, không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, bạn cũng nên đề cao cảnh giác.

Nguyên nhân gây bệnh phong thấp

Giới tính

Nữ giới thường có tỷ lệ mắc bệnh phong thấp cao hơn nam giới và gặp nhiều di chứng nguy hiểm khó chữa trị hơn. Điều này là do thể trạng và thể chất của nữ giới thường kém hơn và người phụ nữ còn phải trải qua sinh đẻ, mãn kinh… nên sức khỏe sẽ ngày càng yếu đi. Xương khớp cũng bị ảnh hưởng và dễ mang mầm bệnh hơn.

Gen di truyền

Di truyền là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh phong thấp. Nếu người thân hay họ hàng có tiền sử mắc bệnh này thì khả năng di truyền cho các thế hệ sau mang tỉ lệ khá cao.

Quá trình lão hóa

Lão hóa là một quá trình tự nhiên, đặc biệt ở những người cao tuổi, quá trình này diễn ra mạnh mẽ khiến cơ thể bị suy yếu trầm trọng. Đặc biệt, đối với xương khớp, lão hóa khiến chất lượng dịch khớp bị suy giảm và thiếu hụt. Sụn khớp không còn trơn bóng mà trở nên thô ráp, sần sùi, dễ cọ xát vào nhau gây ra những triệu chứng đau xương, đau khớp ở bệnh phong thấp.

Yếu tố nghề nghiệp

Những người lao động trong môi trường ẩm thấp, phải tiếp xúc nhiều với nước hoặc khom người, đứng thường xuyên hay ngồi lâu một chỗ, ít di chuyển cũng dễ bị bệnh hơn những người khác. 

Bên cạnh đó, theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người thợ sơn, thợ làm móng, người tiếp xúc nhiều với acetone, xăng dầu hay thuốc trừ sâu có nguy cơ mắc bệnh phong thấp rất cao.

Chế độ ăn uống không hợp lý

Chế độ ăn uống có liên hệ rất lớn đến sự hình thành những căn bệnh. Những người sử dụng quá nhiều chất béo nhưng lại thiếu hụt vitamin và khoáng chất thường có sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh béo phì, tim mạch… Đặc biệt, những người béo phì thường khiến xương khớp phải chịu một lực lớn để nâng đỡ cơ thể nên lâu ngày trở nên suy yếu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh về xương khớp, trong đó có phong thấp.

Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương nhắc nhở mùa này bệnh nhân phong thấp cần chăm sóc tỳ vị, dạ dày đề phòng ẩm thấp, đừng lơ là một số chi tiết trong sinh hoạt kẻo bệnh phong thấp tấn công.

1. Chăm sóc lá lách và dạ dày

Theo Y học cổ truyền Trung Quốc, lá lách và dạ dày là nền tảng của khí và huyết. Chức năng chủ yếu của dạ dày, lá lách là chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong thức ăn, vận chuyển nước và quản lí máu trong cơ thể.

Chúng rất "ngoan ngoãn" làm việc suốt ngày đêm, bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào giờ ăn uống của bạn, số lượng nhiều hay ít và thức ăn dễ hay khó tiêu. Chính vì đặc điểm này mà dạ dày lá lách rất hay dễ bị bệnh, giống như người nhạy cảm với thời tiết, mỗi khi bạn ăn uống thất thường, dạ dày lại "mệt". Lâu dần, sự mệt mỏi tích tụ sẽ sinh ra bệnh.

Do đó, bệnh nhân phong thấp phải chăm sóc tốt cho tỳ vị, thường là tránh ăn quá no, uống rượu, ăn quá nhiều đồ cay, nhiều dầu mỡ, gây kích thích, đặc biệt là kiêng lạnh.

2. Phòng tránh phong hàn xâm nhập

Phần lớn những bệnh nhân trước phát bệnh hoặc tái phát đều có tiền sử tiếp xúc với nước lạnh hoặc bị đổ mồi hôi. Do đó, để phòng bệnh hiệu quả, cần hạn chế tiếp xúc với nước, không khí lạnh bằng cách: không tắm nước lạnh (nhất là vào buổi đêm hay sáng sớm), không mặc quần áo ướt, đi tất ướt, nằm qua đêm trong phòng có nhiệt độ thấp hoặc ngồi quạt thốc thẳng gió.

Ngoài ra, phòng ở cần được giữ khô ráo, kín gió, thường xuyên phơi chăn ga gối đệm khi thời tiết đẹp để tránh môi trường sống ẩm thấp. Nếu có thể, hãy sử dụng các thiết bị hút ẩm để loại bỏ hơi ẩm trong phòng một cách thường xuyên.

Ngoài ra, không mặc đồ phong phanh, thay vào đó, nên mặt đồ ấm, nhất là vị trí cổ, mũi, ngực, bụng để tránh khí lạnh xâm nhập gây bệnh.

3. Tăng cường tập luyện, nâng cao thể trạng

Phòng tránh bệnh phong thấp vào thời điểm giao mùa: 5 chi tiết cuộc sống cần đặc biệt chú ý để tạm biệt đau nhức - Ảnh 2.

Thường xuyên tập thể dục sẽ rèn luyện thân thể, tăng cường lưu thông máu đến tế bào cơ, giúp cơ xương linh hoạt hơn. Ảnh: Internet

Vận động hợp lý có thể kích thích chính khí của cơ thể, nâng cao khả năng miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Luyện tập thể dục thể thao, tản bộ, thực hành những bài tập vận động nhẹ nhàng và xoa bóp các khớp gối, vai, bàn tay thường xuyên vào mỗi buổi sáng sẽ rèn luyện thân thể, tăng cường lưu thông máu đến tế bào cơ, giúp cơ xương linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, tránh vận động mạnh hoặc cường độ cao, đồng thời chú ý bảo vệ xương khớp, thay quần áo sau khi vận động.

4. Ăn uống đúng cách

Vào thời điểm giao mùa, thực đơn ăn uống hằng ngày nên được bổ sung nhiều rau củ tươi, trái cây, thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa flavonoid. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm khó tiêu, dễ gây nhiễm hàn, đặc biệt là đối với gan.

Thiếu hụt nước là nguyên nhân phổ biến gây sưng đau khớp xương, tăng huyết áp. Do đó, cần uống đủ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày. Ngoài ra, người bệnh cũng nên chú ý đến khả năng dung nạp sữa và gluten của bản thân bởi đây là nguồn thực phẩm dễ gây tình trạng viêm mạn tính.

5. Quản lý cảm xúc: Luôn vui vẻ thoải mái

Phòng tránh bệnh phong thấp vào thời điểm giao mùa: 5 chi tiết cuộc sống cần đặc biệt chú ý để tạm biệt đau nhức - Ảnh 3.

Đau buồn, bi thương quá độ, áp lực tinh thần trong thời gian dài có thể làm suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể. Ảnh: Internet

Có thể nhiều người khá ngạc nhiên khi yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh phong thấp. Theo các chuyên gia, đau buồn, bi thương quá độ, áp lực tinh thần trong thời gian dài có thể làm suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể. Khi hệ miễn dịch bị rối loạn, suy yếu, các yếu tố ngoại tà dễ dàng xâm nhập và làm phát bệnh. Vì vậy, bệnh nhân phong thấp nên giữ tâm trạng thoải mái, tránh suy nghĩ nhiều. 

Theo HealthPeople

Minh Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên