MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Phương trình bất bại” để có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy ngay cả khi COVID-19 khiến cả thế giới khủng hoảng: Các biến số là thứ có sẵn trước đại dịch nhưng hầu hết chúng ta không nhận ra

16-04-2020 - 18:40 PM | Sống

Có vẻ hơi lạ khi nói về hạnh phúc trong thời kỳ cả thế giới đang rung chuyển vì đại dịch nguy hiểm, nhưng thực tế, dù hoàn cảnh thế nào, chúng ta vẫn cần sống hạnh phúc.

Để ngăn sự lây lan của đại dịch Covid-19, chúng ta đang bị cách ly xã hội, ở nhà nhiều hơn, hạn chế tiếp xúc với những người bên ngoài hơn, và đây là cơ hội để suy nghĩ sâu sắc hơn một chút về cuộc sống cũng như bắt đầu những khởi động mới. Thế giới quay cuồng trước kia không cho bạn được nghỉ ngơi mà liên tục kéo bạn đi theo những ham muốn mà hiếm khi dừng lại để tự hỏi hạnh phúc thực sự là gì? 

Vậy thì bạn có thể tham khảo 3 phương trình dưới đây để bắt đầu quản lý hạnh phúc của mình một cách chủ động hơn:

Phương trình 1: Hạnh phúc = Di truyền + Hoàn cảnh + Thói quen

Tại sao chúng ta lại không hạnh phúc? Nhiều nhà khoa học coi hạnh phúc là một thuật ngữ quá mơ hồ và quá chủ quan, và chứa quá nhiều ý tưởng cạnh tranh. Trong ngôn ngữ hàng ngày, hạnh phúc được sử dụng để biểu thị tất cả mọi thứ từ tâm trạng tốt đến những cảm nhận sâu sắc hơn trong cuộc sống. 

Trong khi đó, thuật ngữ hạnh phúc chủ quan đề cập đến việc trả lời dạng câu hỏi: “Khi đặt tất cả những thứ này bằng nhau, làm sao để bạn có thể chỉ ra thứ này là rất hạnh phúc, thứ kia là khá hạnh phúc hay không?”.

Phương trình 1 cho thấy các thành phần tạo ra hạnh phúc chủ quan, mở đầu bằng khả năng di truyền của hạnh phúc. Có nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra có yếu tố di truyền trong việc xác nhận điểm tập trung của mỗi người, là điểm cân bằng cảm xúc, kéo cảm xúc trở về như cũ sau khi chịu tác động nào đó (tốt hoặc xấu).

Hai thành phần khác ảnh hưởng đến hạnh phúc chủ quan là hoàn cảnh và thói quen của bạn. Hoàn cảnh tốt hoặc xấu có thể ảnh hưởng từ 10 – 40% cảm nhận của bạn về hạnh phúc. Nhưng dù vậy thì các nhà khoa học đánh giá tác động của hoàn cảnh không thực sự sâu sắc vì nó không kéo dài lâu. 

Chúng ta thường nghĩ là trúng số độc đắc sẽ giúp ta hạnh phúc mãi mãi hay một cuộc chia tay đau khổ sẽ khiến ta chẳng thiết sống, nhưng thực tế cuộc sống lại chứng minh điều ngược lại. Thật vậy, một trong những đặc điểm sinh tồn của con người là cân bằng nội tâm lý, hoặc xu hướng làm quen với hoàn cảnh nhanh chóng, dù nó tốt hay xấu. Đây là lý do chính khiến tiền không mua được hạnh phúc: Chúng ta có thể rất vui khi mua được thứ gì đó nhanh chóng và dễ dàng, nhưng rồi cảm nhận về hạnh phúc sẽ nhanh chóng trở về điểm cân bằng.  

Nếu di truyền và hoàn cảnh không thuộc phạm vi chúng ta có thể tác động để cảm thấy hạnh phúc thì may mắn, thói quen là một trong những thứ nằm trong tầm kiểm soát của ta. Và để có những thói quen hạnh phúc, chúng ta có phương trình 2.

Phương trình 2: Thói quen = Niềm tin + Gia đình + Bạn bè + Công việc

Hạnh phúc bền vững đến từ các mối quan hệ của con người, công việc họ làm và những yếu tố khác trong cuộc sống.

Đầu tiên là niềm tin. Nó không cố định là đức tin vào bất kỳ một tôn giáo, tín ngưỡng nào mà chỉ cần là một suy nghĩ hướng tới cuộc sống, hướng tới mọi người thay vì chỉ ích kỷ tập trung vào bản thân. 

“Phương trình bất bại” để có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy ngay cả khi COVID-19 khiến cả thế giới khủng hoảng: Các biến số là thứ có sẵn trước đại dịch nhưng hầu hết chúng ta không nhận ra - Ảnh 1.

Tương tự như vậy, cũng không có khuôn mẫu nào cho gia đình và tình bạn của bạn. Chìa khóa để có thể duy trì những quan hệ này không gì khác chính là sự yêu thương và chung thủy. Một nghiên cứu kéo dài 75 năm với các sinh viên tốt nghiệp Harvard trong khoảng thời gian 1939 – 1944 cho đến khi họ ở độ tuổi 90 đã cho thấy, nhưng ai sống cuộc sống ngập tràn tình yêu thì sẽ hạnh phúc hơn.

Cuối cùng là công việc của bạn. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên về sự xuất hiện của yếu tố này nhưng có một công việc để tập trung sẽ tạo ra ý thức về mục đích cuộc sống. Tất nhiên có những công việc tốt cũng có những việc chưa như ý nhưng các nhà khoa học đều đồng ý, như thế vẫn tốt hơn thất nghiệp. 

Không bắt buộc đó phải là dạng công việc gì, nhà nước hay tư nhân, full-time hay freelance mà điều khiến công việc đó trở nên ý nghĩa là nó mang lại ý nghĩa cho những gì bạn đang theo đuổi và phục vụ được cho nhiều người càng tốt.

Phương trình 2 này đặc biệt rõ ràng trong những giai đoạn đang phải cách ly vì đại dịch. Hãy tự hỏi lại bản thân: Hạnh phúc của mình liệu có phải được đo bằng số tiền trong tài khoản không? Có cần phải thay đổi gì không? Có những thói quen nào có thể thay đổi trong thời gian mọi thứ tạm dừng này? 

Phương trình 3: Sự hài lòng = Thứ bạn có : Thứ bạn muốn

Đây không phải quan điểm mới, nhiều nhà lãnh đạo tinh thần cũng từng đưa ra ý kiến này. Cuốn sách Nghệ thuật hạnh phúc (được viết bởi bác sĩ tâm thần Howard Cutler) có nhắc tới một tuyên bố của Đức Đạt Lai Lạt Ma: Để có được hạnh phúc ổn định và bền vững, chúng ta phải học cách muốn những gì mình có, chứ không phải tìm cách để có những thứ mình muốn". 

“Phương trình bất bại” để có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy ngay cả khi COVID-19 khiến cả thế giới khủng hoảng: Các biến số là thứ có sẵn trước đại dịch nhưng hầu hết chúng ta không nhận ra - Ảnh 2.

Nhiều người cố gắng tìm kiếm sự hài lòng bằng cách tăng số lượng những thứ bạn muốn. Chúng ta lao vào làm việc, kiếm tiền, tằn tiện chi tiêu… để sở hữu nhiều hơn. Nhưng càng như thế, càng cảm thấy không đủ hài lòng.

Chìa khóa của phương trình này là tập trung vào mẫu số - thứ bạn muốn. Thay vì cố gắng thúc đẩy càng nhiều mối quan hệ, tích trữ càng nhiều của cải thì hãy tìm cách để giảm bớt chúng, giảm bớt những tham vọng về tài sản. Càng ít mong muốn thì bạn càng tập trung vào làm cho những thứ đang có trở nên giá trị hơn.

Có lẽ việc làm giảm mẫu số trong thời kỳ Covid-19 sẽ dễ dàng hơn, vì bạn bị cách ly và tự nhiên những kỳ vọng hay ham muốn cũng giảm đi. Vậy nếu hết dịch,việc tiếp tục duy trì lối sống tối giản mong muốn dường như trở nên dễ dàng. Như vậy, hạnh phúc cũng nằm trong tầm tay.

Theo The Atlantic

 


Lưu Ly

Trở lên trên