Ponzi hay các app "thần kỳ" vẫn khiến nhiều người sập bẫy
Dù biến tướng cỡ nào, dùng loại công nghệ gì để vận hành thì mô hình Ponzi hay các app "thần kỳ" lừa đảo tài chính vẫn chủ yếu dùng "chiêu" hứa trả lãi hàng trăm phần trăm/ tháng hoặc tuần...
- 22-06-2021PBoC kêu gọi Alipay và các ngân hàng chặn đầu cơ tiền ảo
- 21-06-2021Cảnh báo hoạt động của các ứng dụng “giật” đơn hàng ảo
- 20-06-2021Mảnh đất ảo được bán với giá hơn 900.000 USD
Mới đây, Công an TP. Hà Nội đã phát đi cảnh báo về việc phát hiện một số ứng dụng di động, website không có nguồn gốc rõ ràng, hoạt động dưới hình thức phát hành các điểm thưởng vào tài khoản người dùng khi thực hiện một số công việc theo yêu cầu và hứa hẹn có thể rút tiền mặt. Các ứng dụng di động, website này có thông tin đăng ký, hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài và có dấu hiệu tổ chức huy động vốn, chiếm đoạt tài sản đầu tư, lôi kéo số lượng lớn người tham gia để hưởng hoa hồng giới thiệu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự.
Chiêu thức mà các ứng dụng kiếm tiền, sàn giao dịch đầu tư trá hình tung ra là hứa hẹn về mức lợi nhuận đến hàng trăm phần trăm mà nhà đầu tư không cần phải làm gì
Một số thông tin cần lưu ý trong cảnh báo như:
Thứ nhất, các ứng dụng kiếm tiền onine lợi dụng danh nghĩa thương mại điện tử nhưng thực chất không có liên kết với các sàn giao dịch nào và hoạt động theo mô hình đa cấp biến tướng . Người dùng phải đăng ký tài khoản trên ứng dụng, giới thiệu người khác tham gia và "giật" đơn hàng ảo.
Thứ hai, các ứng dụng, website này thường tên miền không phổ biến như *.work; *.xyz; *.cc hoặc gồm các chuỗi kí tự, con số không có ý nghĩa (ví dụ: 6868, 999, 888…). Giao diện đơn giản, không có phần thông tin liên hệ rõ ràng, còn các ứng dụng di động dạng trên không được phát hành trên CHPlay đối với hệ điều hành Android và AppStore đối với hệ điều hành iOS.
Thứ ba, các thông tin thường hấp dẫn người xem như đảm bảo thu nhập ổn định, đầu tư không rủi ro, không cần đặt cọc trước, App kiếm tiền nóng hổi mới ra, vừa xem Youtube, Tiktok, vừa kiếm thêm thu nhập,...
Thực tế thời gian qua, rất nhiều sàn đầu tư tài chính, ứng dụng kiếm tiền online đột ngột biến mất, "cuỗm" đi số tiền hàng trăm tỷ của các nhà đầu tư, như sàn BO Garden, Cool Cat, hay phong trào "Nhóm khởi nghiệp" làm điêu đứng hàng trăm sinh viên và gia đình. Gần đây nhất là sàn Hitoption và Bofxcoin giao dịch quyền chọn nhị phân, đã bị nhiều người gửi đơn tố cáo. Mặc dù nhận thức được mức độ rủi ro của các hoạt động trên, nhưng nhiều người vẫn mù quáng lao vào; trong đó, số đông tiếp tay lôi kéo là các bạn trẻ, còn đang là sinh viên; còn "nhà đầu tư" là những người trung tuổi.
Ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc phân tích cao cấp Quỹ đầu tư DG Investment cho biết, dù biến tướng cỡ nào, bất kể dùng loại công nghệ gì để vận hành mô hình Ponzi (ở bất cứ các phiên bản), việc nhận diện các hình thức lừa đảo tài chính, Ponzi không hề khó. Đó là những lời hứa trả lợi nhuận cực cao, vài phần trăm đến vài chục, vài trăm phần trăm không phải một năm mà một tháng, thậm chí là trong một tuần. Các mô hình ủy thác cho sàn, cho dự án, cho "chuyên gia" được các dự án lừa đảo dựng lên. Họ nói nếu bạn không có khả năng đầu tư, hãy gửi cho họ và họ có chuyên gia đầu tư "bách phát bách đúng", bao lỗ. Đến khi số tiền nhận đủ nhiều, dĩ nhiên sàn tuyên bố… phá sản, và đối tượng ôm tiền bỏ chạy.
Trong một lần tiếp cận với sàn giao dịch Bofxcoin, một người được giới thiệu là quản lý tại sàn này nói với phóng viên rằng, các giao dịch trên sàn hiện nay đều tự động. Người tham gia chỉ cần bỏ tiền, rô bốt của sàn sẽ tự động thao tác và thu lợi nhuận từ 8-22%/ tháng về ví đăng ký. Điều này được hiểu là chỉ ngồi chơi cũng sẽ có lãi suất cao gấp mấy lần ngân hàng.
Đáng quan ngại, qua quan sát, đội ngũ đông đảo nhân viên ở đây chủ yếu là sinh viên từ các trường đại học, các bạn trẻ mới ra trường chưa có việc làm ổn định. Những người này sẽ được đào tạo để "săn mồi" bằng cách tiếp cận những người lớn tuổi, có tiền dư thừa và thời gian rảnh rỗi, sau nhiều chiêu dẫn dụ, có những nhà đầu tư đã bỏ ra số tiền cả chục tỷ đồng để tham gia.
"Các bác trung tuổi mới có tiền đầu tư, chứ sinh viên làm gì có tiền. Tại đây có những bác đầu tư tài khoản cả 50.000 USD, thậm chỉ cả 500.000 USD, đủ thấy sàn uy tín cỡ nào", người quản lý cho biết.
Rất nhiều bạn trẻ, sinh viên tham gia trở thành "môi giới", công cụ kiếm tiền cho các đối tượng vận hành các app lừa đảo "thần kỳ" (Ảnh chụp hoạt động trực tiếp tại sàn Bofxcoin - Diễm Ngọc)
Như vậy, các ứng dụng, website, sàn giao dịch này không chỉ là những hoạt động trên không gian mạng, giao dịch online mà đã xây dựng thành những tổ chức hoạt động ngoài thực tế, thách thức pháp luật. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh xã hội mà còn lôi kéo người trẻ tham gia, trở thành công cụ kiếm tiền cho các đối tượng xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của chính họ.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, LS. Vũ Minh Tiến, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tuổi trẻ thực sự có lợi thế về sức khoẻ, thời gian, sự nhiệt tình,... nhưng điểm yếu là thiếu kiến thức chuyên môn thực tế, trải nghiệm sống và cả hiểu biết pháp luật. Đó là nguyên nhân khiến nhiều người xấu lợi dụng những nhận thức sai lệch, sự cả tin để giăng bẫy lừa đảo. Các bạn trẻ được hứa hẹn về mức thu nhập cao, công việc như mơ, làm chủ tài chính,... mà quên mất nhiệm vụ của mình là học tập, trau dồi kiến thức và lao động chân chính.
"Nhiều ý kiến cũng cho rằng, vì sao các tổ chức này hoạt động công khai mà không ai biết. Điểm khó là, các tổ chức này thường núp bóng dưới một loại hình doanh nghiệp nào đó, nhưng bên trong hoạt động trá hình, dẫn đến khó khăn cho các cơ quan quản lý trên địa bàn. Đặc biệt, chỉ đến khi các ứng dụng, website, sàn giao dịch bị sập, những người chơi thực sự có lãi không bao giờ ra mặt hay lên tiếng. Chỉ những người là nạn nhân thực sự - mất hết tiền vốn hoặc cả vốn lẫn lãi mới tố giác với cơ quan công an, lúc này, chờ được vạ thì má đã sưng.
Nhà đầu tư thì mất tiền, các bạn trẻ không chỉ mất thời gian mà còn mất đi cơ hội học hành, phát triển bản thân. Điều này là cực kỳ nguy hiểm khi tuổi trẻ là tương lai của đất nước, nhưng lại sa đà vào những hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, cần sớm được cảnh tỉnh và có biện pháp giám sát chặt chẽ với các hoạt động này", LS. Tiến phân tích.
Công an TP Hà Nội hiện đã khuyến cáo các họat động nêu trên có dấu hiệu của Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015.
Một số trường hợp, các đối tượng tổ chức huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp, thông qua mạng internet dưới hoạt động thương mại điện tử chưa được Bộ Công Thương cấp phép, và thực hiện kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp phép,...có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP hoặc bị xử lý hình sự theo Điều 217a, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người dân cần hết sức cảnh giác, không ảo tưởng chỉ cần đầu tư không làm gì mà "giàu trong một đêm" và trở thành "nhà đầu tư" đúng nghĩa; qua đó tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến an ninh tài chính, đời sống xã hội.
Diễn đàn doanh nghiệp