Quá mệt mỏi, bác sĩ viết tâm thư kể về 6 kiểu bệnh nhân "khó trị" nhất, nhiều người thấy chính mình trong đó
Có lẽ 6 kiểu bệnh nhân dưới đây cũng không nhận ra: họ gây ức chế cho bác sĩ như thế nào.
- 06-10-2018Những bí quyết phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm, thuộc nhóm gây tử vong cao nhất thế giới, lứa tuổi nào cũng cần biết
- 06-10-2018Mỡ thừa ở vòng 2 sẽ biến mất hoàn toàn nếu bạn chăm ăn thường xuyên những loại thực phẩm này
- 06-10-2018“Hối hận muộn màng” của CEO tập đoàn PepsiCo trước khi từ chức và lời chia sẻ đáng suy ngẫm khiến bất cứ ai cũng phải giật mình, nhìn nhận lại bản thân
Mới đây, một tài khoản có tên goodyoneshoes cho biết anh đã làm việc tại khoa cấp cứu từ năm 2012 và tiếp xúc với vô vàn bệnh nhân khác nhau. Trong 1 lần quá mệt mỏi, anh đã chia sẻ lên cộng đồng Imgur về 6 kiểu bệnh nhân khiến bác sĩ hao tâm tổn sức nhiều nhất.
Những góc nhìn sắc sảo từ người trong cuộc, cùng lời lẽ vừa tử tế vừa sâu cay đã khiến bài đăng nhận được đến 350 ngàn lượt xem, 4.000 điểm (lượt thích).
Chưa bàn đến danh tính người đăng, nhưng 6 kiểu bệnh nhân được chỉ ra dưới đây rất... phổ biến, dễ mắc phải, khiến nhiều người như bắt gặp chính mình trong đó. Hãy xem bạn có như vậy hay không.
1. Bệnh nhân nôn nóng muốn bác sĩ giải quyết hết mọi vấn đề
Đây là tâm lí chung của nhiều người, nhưng bác sĩ cho biết: "Khoa cấp cứu sẽ không thể đưa ra những gì bạn MUỐN, mà là những gì bạn CẦN. Cung cấp thuốc men không phải 1 loại dịch vụ khách hàng hoàn toàn theo ý muốn bệnh nhân".
Ảnh minh họa
"Bác sĩ khoa cấp cứu có mặt để giúp giảm đau, xem bệnh nhân có gặp vấn đề khẩn cấp hay không. Nếu câu trả lời là không, xin lỗi, bạn sẽ được cung cấp sự chăm sóc cơ bản và chuyển đến khoa khác. Đừng xuất hiện rồi yêu cầu chúng tôi xử lý hết mọi vấn đề sức khỏe của bạn NGAY LẬP TỨC".
2. Bệnh nhân cư xử thô lỗ vì họ "có 1 ngày tồi tệ" hay "cảm thấy không khỏe"
"Nếu bạn không ổn thì đó cũng chẳng phải lí do chính đáng để cư xử thô lỗ, thiếu tôn trọng với nhân viên bệnh viện. Chúng tôi đã làm việc vất vả trong nhiều giờ liền, để có được 'đặc ân' là chữa trị cho người bệnh".
3. Bệnh nhân liên quan đến những hành vi bạo lực
Ảnh minh họa
Người già và trẻ em rõ ràng không phải là những ca gây "khó thở" nhất đối với bác sĩ. Mà điều khiến họ đau lòng nhất chính là "nạn nhân của các vụ ngược đãi, cưỡng hiếp và những hành vi tồi tệ khác mà người ta đã gây ra cho nhau". (Nạn nhân không có lỗi, nhưng điều khiến các bác sĩ phiền lòng là việc nhìn thấy kết quả từ những hành vi thiếu nhân đạo của con người).
4. Bệnh nhân đến khoa cấp cứu vì "động cơ kín kẽ"
Đó là những tay nghiện thuốc muốn được có 1 liều thuốc mê mơ màng. Vị bác sĩ cho biết: "Tôi dành ra thời gian đáng kể trong ngày để phát hiện những động cơ kín kẽ đó. Nó bào mòn sức lực hơn bạn tưởng".
5. (Rất nhiều) bệnh nhân không ý thức tự chăm sóc sức khỏe
"Không biết tự lo lắng sức khỏe của mình, các bệnh nhân này đã đùn đẩy trách nhiệm cho dịch vụ y tế. Nhưng bên cạnh thuốc men, điều cần thiết nhất là bệnh nhân phải TỰ GIÚP ĐỠ chính mình".
Ảnh minh họa
"Bạn sẽ không tin được số người bị cảm hay viêm họng nhẹ xếp hàng ở khoa cấp cứu nhiều đến thế nào đâu".
6. Bệnh nhân làm như mình là người duy nhất ở khoa cấp cứu
Có thể bạn chưa biết, nhưng "sự chờ đợi ở khoa cấp cứu có thể là 1 dấu hiệu tốt. Nó cho thấy bạn không phải bệnh nhân nghiêm trọng nhất".
"Ngược lại, bạn được quyền lo sốt vó lên nếu mọi bác sĩ, y tá tập trung xung quanh mình, tức là chuyện gì rất không ổn đang xảy ra".
Ghi chú: "Mặc dù 1 số bệnh nhân có thể thô lỗ, nhưng trước nay tôi vẫn cố cư xử phải phép với họ (bởi vì - bạn biết đó - sự chuyên nghiệp của bác sĩ). Tôi cố gắng hết sức để cảm thông và giúp đỡ. Chỉ có điều, gần đây công việc dường như khó khăn hơn, tôi e là mình cần 1 kỳ nghỉ rồi", vị bác sĩ kết lại.
Ảnh minh họa
Bài đăng của tài khoản goodyoneshoes sau đó đã nhận được nhiều sự chia sẻ, thông cảm từ mọi người. Bạn biết đó, bên cạnh số ít nhân viên y tế không mấy thân thiện, thiếu tận tâm thì phần lớn họ đang làm việc cực kì vất vả. Và đôi khi, chỉ 1 lời nói vô tình của bệnh nhân đã có lực sát thương mạnh mẽ.
Anh Nick - một EMT (kỹ thuật viên y tế khẩn cấp) tại New York nói với trang Mental_floss rằng: "Họ thường gọi tôi là tài xế xe cứu thương. Điều đó đánh giá thấp công việc của chúng tôi, vì lái xe chỉ là 1 phần nhỏ, cấp cứu mới là chuyện chủ yếu".
Cô Megan - dược sĩ đến từ New York cho biết: "Nhiều bệnh nhân đưa toa thuốc cho tôi như tờ giấy nháp, và họ tỉnh bơ không có gì. Bạn chú ý chút nhé, tôi đã thấy toa thuốc dính phải thức ăn, nước và kể cả máu quá đủ rồi".
Còn trong 1 nghiên cứu do trang STAT thực hiện với 800 nhân viên y tế ở Mỹ năm 2017, có đến 59% trong số họ từng bị xúc phạm, nghi ngờ sự chuyên nghiệp do tuổi đời còn trẻ, do giới tính, màu da...
Những lời nói chứa "gươm dao" đối với bác sĩ ở Mỹ: "Ồ bác sĩ nói tiếng Anh tốt quá" (dành cho bác sĩ da màu, châu Á...), "Anh trẻ quá, có khám được không?"...
Kết quả là 47% trường hợp bệnh nhân yêu cầu đổi 1 nhân viên y tế khác. "Điều này thật đáng lo lắng. Những vết thương lòng của bác sĩ, y tá vẫn chưa có nhiều biện pháp chữa lành", trang STAT viết.
Với số lượng bệnh nhân mỗi ngày đông khủng khiếp, những câu chuyện trên chỉ là khía cạnh nhỏ mà thôi. Nhưng nó đủ giúp chúng ta nhận ra hãy tôn trọng bác sĩ, y tá nhiều hơn. Quả thật, bình thường để lịch thiệp, nhã nhặn đã là 1 chuyện khó; khi đau ốm lại càng khó hơn. Nhưng sự nỗ lực của bạn sẽ có ích cho các bác sĩ và cho chính bản thân mình.
(Tổng hợp)
Trí thức trẻ