Quan chức có quyền bỏ phiếu về lãi suất năm nay: Đưa ra số đợt cắt giảm lãi suất dự kiến, nhấn mạnh kế hoạch của FED sẽ không ‘lệch hướng’ dù 1 dữ liệu vừa tăng nóng
Một trong những quan chức có quyền bỏ phiếu về quyết định lãi suất ủng hộ phương án cắt giảm tương tự như dự báo của Fed hồi tháng 12/2023.
Financial Times đưa tin, Loretta Mester, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland - một quan chức cấp cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhấn mạnh rằng thị trường lao động “nóng bỏng” của nước này có xu hướng tiếp tục hạ nhiệt. Đây là dấu hiệu cho thấy dữ liệu việc làm tháng 1 cao bất ngờ vừa công bố sẽ không làm lệch hướng kế hoạch cắt giảm lãi suất trong năm nay của các nhà hoạch định chính sách.
Cụ thể, bà Loretta Mester - một trong những quan chức có quyền bỏ phiếu về quyết định lãi suất năm nay - cho biết báo cáo việc làm tháng 1 chỉ ra thị trường lao động Mỹ rất kiên cường nhưng bà cũng lưu ý những chỉ số khác chỉ ở mức độ vừa phải.
Bà phát biểu: “Tại thời điểm này, tôi dự đoán rằng chúng ta sẽ thấy tăng trưởng tiền lương có phần chậm lại, tăng trưởng việc làm từ từ giảm tốc và tỷ lệ thất nghiệp đi lên từ mức thấp”.
Kịch bản cơ sở của bà là Fed sẽ giảm lãi suất “một cách từ từ” trong năm 2024. Bà nói thêm: “Nếu nền kinh tế đi theo hướng đúng như dự kiến, tôi nghĩ Fed sẽ có đủ niềm tin để tiến hành cắt giảm lãi suất vào năm nay, sau đó chúng tôi có thể bắt đầu hành động”.
Bà Mester là người ủng hộ phương án cắt giảm lãi suất ba lần trong năm 2024 - tương tự như dự báo của Fed hồi tháng 12/2023.
Mặt khác, cuối tuần trước, Thống đốc Fed Michelle Bowman - người được xem là có quan điểm diều hâu hơn - bày tỏ lo ngại rằng dữ liệu việc làm tháng 1 là bằng chứng cho thấy sức mạnh của thị trường lao động có thể sẽ khiến lạm phát dịch vụ không thể quay trở về mức mục tiêu 2% của Fed.
Báo cáo việc làm công bố hôm 2/2 cho thấy Mỹ tạo ra 353.000 việc làm mới trong tháng 1, cao gần gấp đôi dự báo của các nhà kinh tế. Báo cáo này cũng cho thấy mức lương trung bình của người lao động Mỹ là 34,55 USD/giờ, cao hơn 4,5% so với một năm trước.
Mặc dù bà Mester thừa nhận tốc độ tăng trưởng tiền lương vẫn “cao hơn một chút so với mức phù hợp với mục tiêu lạm phát 2%” nhưng bà cũng lưu ý sự cải thiện về năng suất có thể là nguyên nhân giúp tiền lương đi lên.
Bà nói: “Những nguồn thống kê cho chúng tôi biết rằng ngoại trừ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chủ doanh nghiệp đang có thể thuê người làm dễ dàng hơn trước, họ nhận được nhiều đơn ứng tuyển hơn cho mỗi vị trí trống”. Người lao động cũng hạn chế bỏ việc hơn.
Bà Mester đề cập đến Chỉ số Chi phí Việc làm - được nhiều quan chức Fed coi là thước đo tốt hơn khi xem xét các thỏa thuận tiền lương. Bà nói rằng thước đo này cho thấy tốc độ tăng trưởng lương hàng năm đã giảm từ 4,75% trong quý I/2023 xuống còn 3,5% trong quý IV/2023.
Tham khảo FT
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Chuyện của FED
Xem tất cả >>- Mỹ sắp công bố dữ liệu lạm phát cuối cùng cho cuộc họp chính sách tuần sau: Fed có thể ‘quay xe’ dừng cắt giảm lãi suất nếu con số này tăng bất ngờ
- Biên bản cuộc họp Fed tháng 11 được công bố: Quan chức ủng hộ tiếp tục cắt giảm lãi suất nhưng ‘lặng thinh’ về quyết định tháng sau
- Thước đo lạm phát then chốt sắp được công bố trong tuần này: Fed liệu có tạm hoãn cắt giảm lãi suất?
- Fed quyết định ra sao với lãi suất vào năm 2025: 2 yếu tố này quyết định tất cả
- Chủ tịch Jerome Powell dội gáo nước lạnh vào khả năng cắt giảm lãi suất tháng 12: ‘Fed không cần vội vàng’