MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý thị trường xăng dầu: Tăng trách nhiệm để không đổ lỗi

Quản lý thị trường xăng dầu: Tăng trách nhiệm để không đổ lỗi

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nói rằng: Thị trường xăng dầu vừa qua liên quan chủ yếu đến vấn đề doanh nghiệp thiếu tiền và chi phí kinh doanh. Với kinh doanh xăng dầu, phải để doanh nghiệp hoạt động có lãi. Cơ quan quản lý cũng phải thực hiện giám sát chặt doanh nghiệp, để không còn cảnh "đổ lỗi" trong quản lý.

  • Việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Cụ thể, người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ bao lâu với giá rẻ hơn vàng SJC, mặc dù chất lượng như nhau
  • “Việc đầu tư tài chính hiện nay càng phải thận trọng hơn bao giờ hết. Nhà đầu tư chưa am hiểu chứng khoán, còn trái phiếu doanh nghiệp chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, bất động sản đóng băng; nếu lựa chọn an toàn, nhà đầu tư có thể chọn gửi tiết kiệm ngân hàng

Tại Quốc hội mới đây, về những vấn đề liên quan điều hành xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất giao toàn quyền cho Bộ Công Thương quản lý. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này và nếu làm như vậy thì có giúp thị trường tránh được những "tranh luận" trong điều hành như thời gian qua?

Quản lý thị trường xăng dầu: Tăng trách nhiệm để không đổ lỗi - Ảnh 1.

Nhiều cây xăng bán lẻ ở khu vực phía Nam treo biển hết xăng sau khi 7 doanh nghiệp đầu mối bị rút giấy phép trong thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Bằng


Trong điều hành thị trường xăng đầu, Nghị định 95 nêu rõ việc giao cho Bộ Công Thương quyền chủ trì điều hành và phối hợp với một số bộ, trong đó có Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ để cùng quản lý. Bộ Công Thương cũng chịu trách nhiệm chính về quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, nguồn cung, cấp giấy phép cho các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, các thương nhân phân phối, giá xăng dầu, thuế, chi phí kinh doanh, tính lợi nhuận định mức…

Việc lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất giao toàn quyền cho Bộ Công Thương điều hành xăng dầu, theo tôi cũng hoàn toàn không có vấn đề gì.

Thực tế, các bộ, ngành đều theo chức năng được phân công của mình để tham gia điều hành, quản lý thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, do có nhiều đầu mối cùng quản lý nên có tình trạng khi xảy ra việc thiếu nguồn cung như thời gian qua thì có xu hướng “công thì tranh, tội thì đổ cho nhau”. Đây là hình ảnh không đẹp trong quản lý.

Cũng phải nói rõ: Thị trường xăng dầu vừa qua "có chuyện" cũng do nhiều khoản chi phí trong công thức tính giá cơ sở chưa được Bộ Tài chính tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp. Câu chuyện chậm điều chỉnh kịp thời với diễn biến thị trường của các chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng và premium (phí phải trả) trong nước thấy rõ điều này. Trong các quy định trước đó, Premium chúng ta chỉ quy định là 4 USD/thùng nhưng thực tế thị trường đã tăng lên đến 11 USD/thùng. Các quy định hiện nay cũng nêu rõ việc điều chỉnh các chi phí được thực hiện 6 tháng/lần. Thế nhưng với diễn biến bất thường của thị trường từ đầu năm đến nay, việc điều chỉnh như vậy là chậm. Nó cũng là nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp không được tính đủ chi phí, bị lỗ.

Việc giao thêm quyền điều hành cho Bộ Công Thương có thể sẽ dẫn đến lạm quyền, chưa kể có thể xảy ra tính toán sai trong điều hành hoặc ưu ái, bao che cho các doanh nghiệp xăng dầu?

Quản lý thị trường xăng dầu: Tăng trách nhiệm để không đổ lỗi - Ảnh 2.

PGS.TS Ngô Trí Long

Vẫn có thể giao toàn quyền được. Như thời gian qua, các doanh nghiệp xăng dầu cũng đã phản ánh rất mạnh về việc Bộ Công Thương đã bốn lần đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh các chi phí định mức cho phù hợp tình hình và khi thị trường xảy ra vấn đề kéo dài thì việc điều chỉnh này mới được Bộ Tài chính thực hiện.

Việc giao quyền, có sự tham mưu của Bộ Tài chính lúc này sẽ giúp Bộ Công Thương quyết vấn đề dễ hơn, không để quả bóng lăn từ bên này sang bên kia. Khi đó sẽ không có tình trạng doanh nghiệp bị tính chi phí không đủ, bị lỗ; khoản lỗ cũng được chia cho các tổng đại lý, thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ. Chính việc để doanh nghiệp bị lỗ kéo dài nên mới có tình trạng doanh nghiệp không nhập đủ xăng dầu, hạn chế bán ra. Đây là vấn đề thị trường, cơ quan chức năng phải đảm bảo cho doanh nghiệp được tính đủ các chi phí kinh doanh hợp lý.

Thực tế Bộ Công Thương cũng đã chuyển quyền quản lý các doanh nghiệp xăng dầu về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nên cũng không sợ tình trạng ưu ái. Cũng nên giao tập trung về cho một đơn vị chịu trách nhiệm chính để sau này không có việc "đổ" cho nhau nữa.

Ông nhìn nhận câu chuyện thị trường xăng dầu thiếu nguồn cung gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, doanh nghiệp thời gian vừa qua như thế nào? Bộ Công Thương có đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho vay, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhập hàng, việc này có phải là nguyên nhân chính gây thiếu nguồn cung kéo dài?

Trước hết, với những doanh nghiệp xăng dầu thiếu vốn nhập hàng, bị bêu tên nợ thuế, về nguyên tắc, ngân hàng không bao giờ cho vay thêm. Doanh nghiệp nợ thuế, chưa trả hết bị đình chỉ việc nhập khẩu là đúng. Đây là nguyên tắc.

Về đề xuất tín dụng mà Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra, cũng cần xem xét nhưng cần làm rất chặt chẽ với những doanh nghiệp đang nợ thuế, làm ăn thua lỗ. Với một số doanh nghiệp "tín nhiệm thấp", cần yêu cầu bán tài sản để hoàn tất các nghĩa vụ trước khi được ngân hàng xem xét cho vay tiếp. Cho vay phải cho "người có tóc" chứ không thể cho vay với những ông "không có tóc" lại ngập trong nợ nần.

Còn về việc thiếu nguồn cung, bị lỗ, cũng phải nhìn nhận ở góc độ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi họ không có kế hoạch phòng rủi ro biến động về giá, không dự báo được thị trường.

Thực tế cũng có câu chuyện doanh nghiệp đầu mối bị lỗ do Bộ Công Thương phân giao hạn mức và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện tăng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung cho quý 3 và các tháng cuối năm?

Cần phải nhìn nhận rõ là trong quý 2 giá rất cao doanh nghiệp lại mua rất nhiều. Doanh nghiệp mua nhiều để chuẩn bị hàng bán cho quý 3 nhưng sau đó giá lại đột ngột hạ khiến doanh nghiệp trong cảnh mua giá cao, bán giá thấp. Chính vì vậy, quý 3, doanh nghiệp không nhập hàng về mấy nữa. Thực tế 10 doanh nghiệp đầu mối khi được Bộ Công Thương phân giao đã tăng hạn ngạch nhập khẩu trong bối cảnh diễn biến thị trường có thay đổi, khiến doanh nghiệp bị lỗ.

Thực tế cũng có chuyện bản thân doanh nghiệp không dự báo được thị trường và không áp dụng công cụ bảo hiểm, dự phòng, quản lý rủi ro về giá trong kinh doanh xăng dầu (nghiệp vụ hedging). Trong khi đây là nghiệp vụ phổ biến trên thế giới. Điều này cũng xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã từng áp dụng nhưng bị lỗ nặng trước đây.

Như vụ Petrolimex ở Singapore hồi năm 2014 bị lỗ mấy chục triệu USD khiến nhiều người bị kỷ luật. Trước đó Pacific Airlines cũng từng có các lãnh đạo bị bắt vì thua lỗ là do doanh nghiệp đã ký hợp đồng hedging trong dự trữ xăng dầu vào thời điểm giá dầu thế giới tăng rất cao khiến công ty lỗ hơn 31 triệu USD.

Bộ trưởng Công Thương có nói ở Quốc hội về chuyện doanh nghiệp liên quan buôn lậu xăng dầu, rồi đầu tư vào chứng khoán, bất động sản làm ảnh hưởng đến nguồn tiền của doanh nghiệp. Theo ông việc này có liên quan đến vấn đề quản lý hay không?

Việc quản lý chỉ liên quan một phần. Như vừa rồi Tổng cục Quản lý thị trường thanh, kiểm tra phát hiện nhiều doanh nghiệp có vi phạm. Ở đây phải nói là cơ quan quản lý, anh cấp phép như vậy, tại sao để xảy ra vi phạm liên quan các quy định. DN kinh doanh xăng dầu phải có bao nhiêu kho, cảng biển thế nào, tiền vận chuyển thế nào…đã được quy định. Thế nhưng nay kiểm tra lại phát hiện họ không có đủ những điều kiện đó nên bị xử phạt rút giấy phép.

Cũng có ý kiến nói về việc cấp phép không đúng cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện. Vấn đề chính là sau khi xử phạt, rút giấy phép, doanh nghiệp không nghĩ đến hệ luỵ của việc tước giấy phép. Tước giấy phép đồng nghĩa với việc không cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, không được hoạt động nữa. Chưa kể ở đây, những đầu mối lớn, quan trọng tại khu vực phía Nam nên kéo theo nguồn cung thiếu, thị trường bị ảnh hưởng.

Qua đó có thể thấy, cơ quan quản lý cần phối hợp với nhau chặt chẽ. Ví dụ sự phối hợp giữa ngân hàng với Bộ Công Thương, Bộ Công Thương với Bộ Tài chính.

Cùng đó, cũng phải đi kiểm tra lại các thương nhân phân phối, làm rõ họ có nhập hay không. Còn nếu cơ quan quản lý không có, không nắm sát số liệu thì làm sao mà quản lý được thị trường…

Cảm ơn ông.

Kiến nghị điều chỉnh chi phí định mức giá xăng dầu

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có Văn bản số 1690 gửi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề xuất loạt vấn đề liên quan đến các khoản chi phí tăng bất thường trong giá xăng dầu. Theo Petrolimex, chi phí định mức tính trong giá cơ sở đối với mỗi lít xăng RON 95 hiện ở mức 1.050 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 1.250 đồng/lít, dầu diesel là 1.000 đồng/lít, dầu mazut là 544 đồng/lít. Nhưng thực tế, chi phí với mỗi lít xăng của doanh nghiệp đang ở ngưỡng 1.310 đồng//lít với xăng RON 95, 1.434 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và 1.290 đồng/lít với dầu diesel. Chi phí với dầu madut là 577 đồng/kg… Tập đoàn này kiến nghị Cục Quản lý giá xem xét điều chỉnh chi phí định mức vào kỳ điều hành ngày 1/11. Thục Quyên

Theo Phạm Tuyên (Thực hiện)

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên