Quảng Nam tinh giản hơn 6.000 biên chế
Thực hiện Nghị quyết 18, tỉnh Quảng Nam đã tinh giản 6.393 biên chế trong toàn hệ thống chính trị (đạt tỉ lệ tinh giản 15% biên chế công chức và 20% biên chế viên chức).
- 20-12-2024Giảm hơn 16.000 biên chế công chức, viên chức
- 17-12-2024Mức lương của người nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế
- 16-12-2024Chính sách cho công chức, viên chức nghỉ việc do tinh giản biên chế
Ngày 25/12, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết Nghị quyết số 18 -NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết, cho rằng nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của mỗi con người trong từng tổ chức. Do đó, đòi hỏi từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải có sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao, phải dũng cảm và biết hy sinh lợi ích cá nhân, vì nhiệm vụ chính trị và lợi ích chung của toàn Đảng bộ.
Bí thư Quảng Nam yêu cầu, trong quá trình thực hiện, phải bám sát các nguyên tắc của Đảng, quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, với quan điểm, mục tiêu sắp xếp, tổ chức bộ máy của tỉnh đảm bảo "Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", không phải nhập cơ học, mục tiêu phải giảm ít nhất 15-20% đầu mối bên trong, kể cả các cơ quan, đơn vị không nằm trong diện sắp xếp, sáp nhập .
Báo cáo tại hội nghị, ông Phan Văn Bình - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam cho hay, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết 18 , tỉnh đã hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy (giảm 6 đầu mối); khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh (giảm 14 đầu mối); khối chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện (giảm 81 đầu mối).
Tỉnh đã tinh giản 6.393 biên chế trong toàn hệ thống chính trị (đạt tỉ lệ tinh giản 15% biên chế công chức và 20% biên chế viên chức ) đạt mục tiêu nghị quyết đề ra; cơ bản hoàn thành việc chấm dứt hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ ngắn hạn, dài hạn, thời vụ, phục vụ ở các cơ quan, địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, dù đã thực hiện tinh giản nhưng thực tế tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vẫn chưa thực sự "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả" vì chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, tổ chức vẫn còn trùng lặp, chồng chéo, làm giảm hiệu lực, hiệu quả; một việc nhiều người, nhiều cơ quan cùng làm; nhiều tầng nấc, nhiều thủ tục , nhiều khâu trung gian…
Tỉ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng; cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động, ảnh hưởng đến chủ trương chung về cải cách thủ tục hành chính, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi liên hệ công tác.
Đội ngũ cán bộ được bố trí đầy đủ vào các vị trí nhưng chưa mạnh, có tình trạng đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm, làm sơ sài, làm việc cầm chừng, chưa mạnh dạn, thiếu quyết đoán với phạm vi trách nhiệm được giao…
Tiền phong