Quốc gia đầu tiên phát hành tờ tiền mệnh giá 100.000 tỷ: Cạn kiệt tiền lẻ, khách hàng thanh toán nhưng chỉ nhận lại... những tờ giấy
Vì thiếu tiền lẻ, các doanh nghiệp ở nước này bắt đầu in “tiền” của riêng họ, đó là những mẩu giấy, đôi lúc được viết tay.
- 25-03-2023Paul Volcker đánh bại lạm phát, Ben Bernanke cứu sống các ngân hàng, liệu ông Powell có thể làm được cả hai?
- 24-03-2023Cố phiếu Deutsche Bank giảm mạnh sau khi hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng tăng vọt
- 24-03-2023Từ quyết định bán mình của Toshiba, nhìn lại những cú sập đầy tiếc nuối của các "siêu tượng đài" Nhật Bản
Vào một buổi chiều gần đây, Rutendo Manyowa đã đưa tờ 5 USD để thanh toán cho một hoá đơn gồm gà, khoai tây chiên và nước ngọt giá 3,5 USD tại một cửa hàng đồ ăn nhanh ở Zimbabwe. Tuy nhiên, thay vì trả lại 1 tờ USD cùng 2 đồng xu cho Manyowa, nhân viên thu ngân lại đưa cho cô 3 tờ giấy… có tên của nhà hàng in số tiền để cô có thể thanh toán cho bữa tiếp theo.
Zimbabwe - quốc gia đầu tiên phát hành tờ 100.000 tỷ đôla Zimbabwe, đang chức kiến một bất ổn mới khi nói đến chức năng tiền tệ. Vì thiếu tiền lẻ, các doanh nghiệp bắt đầu in “tiền” của riêng họ, đó là những mẩu giấy, đôi lúc được viết tay. Khách hàng có thể sử dụng những “tờ tiền” này để thanh toán cho những lần mua hàng sau. Một cửa hàng khác thì trả lại tiền lẻ bằng những hộp nước trái cây, bút hay một lát phô mai.
Việc các doanh nghiệp phải trả lại tiền bằng giấy là hậu quả của 2 thập kỷ quản lý yếu kém với hệ thống tiền tệ của Zimbabwe.
Những bất ổn bắt đầu xuất hiện vào những năm 2000, khi chính phủ của Tổng thống khi đó là Robert Mugabe in thêm tiền để giải quyết tình trạng sản xuất nông nghiệp sụt giảm. Sau khi lạm phát hàng tháng lên đến đỉnh điểm là 76,9 tỷ phần trăm, năm 2009, chính phủ nước này đã phải loại bỏ đồng Zimbabwe đôla (ZWD) và dùng USD để thay thế.
Trong vài năm, sự thay đổi này đã mang lại trạng thái ổn định trong vài năm cho đến khi NHTW Zimbabwe (BOZ) không còn khả năng để đáp ứng nhu cầu về USD. Khoản tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng không còn có thể rút ra bằng tiền mặt. Đầu năm 2019, BOZ ra mắt lại đồng ZWS, thay đổi các khoản tiền tiết kiệm và các khoản nợ của chính phủ trong nước vốn lưu trữ bằng đồng USD thành đồng tiền nội địa với giá trị sụt giảm nhanh chóng.
Hiện tại, 1 USD bằng hơn 900 ZWD và lạm phát ở quốc gia này lên tới 230% trong tháng 1. Hầu hết các doanh nghiệp đều yêu cầu mọi người thanh toán bằng USD, dù đồng ZWD vẫn là đồng tiền tệ chính thức của nước này.
Đây cũng là lúc vấn đề về tiền lẻ xuất hiện. Các ngân hàng thương mại của Zimbabwe nhập khẩu các tờ tiền USD mệnh giá nhỏ để sử dụng trong nước. Tuy nhiên, do trọng lượng nặng và giá trị thấp nên việc vận chuyển tiền xu từ nước ngoài lại khá đắt đỏ. Tờ 1 USD cũng thường xuyên khan hiếm, dù được sử dụng nhiều nhất ở quốc gia này.
Các tờ tiền bằng giấy trở thành một cách giải quyết không giúp người tiêu dùng hài lòng. Manyowa - một sinh viên đại học 23 tuổi, đã mất 15 phút đứng chờ ở Harare Chicken Inn cho đến khi một khách hàng khác đến thanh toán bằng tờ 1 USD khác. Cô cho biết: “Thật là bực bội!”
Trái ngược với tiền giấy - thường được làm từ bông hoặc nhựa, các tờ tiền “tự chế” này rõ ràng sẽ không còn nguyên vẹn nếu ai đó lỡ bỏ vào máy giặt.
Adelaide Moyo - một nhà báo ở Zimbabwe, cho biết cô đã có vài lần đi tìm các tờ phiếu mua hàng của Chicken Inn hay siêu thị Spar trong đống quần áo đang được giặt.
Để tránh những sự cố như vậy, Moyo chia sẻ cô đã nhận những lát phô mai, lấy thêm nước sốt và một vài lần là trứng luộc, thay vì nhận tờ giấy. Những giao dịch này thường không có giá trị tương xứng, chẳng hạn như một lát phô mai có giá 0,5 USD. Tuy nhiên, Moyo lại cho rằng chúng tiện hơn là mang theo tờ giấy và chẳng may bị rơi hay rách.
Warren Meares - CEO của Simbisa Brands, chủ sở hữu thương hiệu Chicken Inn và một số chuỗi thức ăn nhanh khác, cho biết đồng nội tệ của Zimbabwe gặp vấn đề nên các doanh nghiệp buộc phải tìm cách khác.
Việc đồng ZWD mất giá nhanh chóng khiến họ liên tục phải in lại menu, với giá sản phẩm bằng cả USD và ZWD. Vì thế, ông Meares phải lắp TV để hiển thị menu và giá sản phẩm do mỗi lần “đổi giá” tốn 2.000 USD đến 3.000 USD.
Các phiếu mua hàng của Simbisa có số sê-ri và được thay thế 6 tháng/lần để tránh bị quá cũ. Dù không an toàn như tiền giấy, nhưng Meares cho biết ông không thấy ai làm giả các tờ tiền của họ - thường chỉ có giá 0,25 và 0,5 USD. Ngoài ra, công ty này cũng ra mắt ứng dụng cho phép khách hàng nhận tiền lẻ qua smartphone.
Trong khi đó, các cửa hàng nhỏ hơn thì ghi tên khách hàng mà họ vẫn nợ tiền trong một cuốn sổ. Một số khách hàng sợ chủ nợ sẽ không trả tiền nên quay phim, chụp ảnh lại, sau đó trao đổi qua điện thoại.
Khi Zimbabwe chính thức sử dụng đồng USD vào những năm 2010, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng đồng rand của Nam Phi (với tỷ giá 10 rand đổi 1 USD) làm tiền lẻ. Kể từ đó, giá trị đồng nội tệ của quốc gia láng giềng cũng biến động, nên không còn là một lựa chọn thay thế hiệu quả nữa.
Tại Zimbabwe, thẻ ngân hàng cũng không được sử dụng rộng rãi vì nhiều người rút tiền lương bằng USD ngay khi tiền “đổ” về tài khoản của họ.
Ở một góc của Harare, Allen Mutonga và cửa hàng tạp hoá nhỏ bên cạnh tiệm cắt tóc của anh đã tạo ra một “liên minh tiền tệ” của riêng họ. Khi khách hàng của Mutonga không có tờ tiền phù hợp để thanh toán cho mỗi lần cắt tóc 5 USD, anh nói họ sang nhà bên cạnh để mua hàng và nhận tiền lẻ thông qua một tờ giấy viết tay của người bán hàng.
Anh nói: “Tôi sẽ cầm hoá đơn và mong họ sẽ nhận được tiền lẻ vào ngày hôm sau. Nếu không thì tôi sẽ mua thứ gì đó.”
Tham khảo WSJ
Nhịp sống thị trường