MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Nên bỏ hay giữ lại?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả trong điều hành, sớm đưa giá xăng, dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.

Thời gian vừa qua, khi giá xăng, dầu thế giới nhiều biến động, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả, tạo bước đệm bình ổn giá và không để giá nhiên liệu trong nước tăng sốc. Tuy nhiên, điều chưa phù hợp hiện nay, đây là quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý, sử dụng theo điều hành của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này dẫn tới những lo ngại về sự thiếu minh bạch trong quản lý Quỹ.

Tại phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng, dầu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thực hiện, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề cập, nhiều cử tri có ý kiến đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng, dầu để đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường, không bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, công khai, minh bạch, dự đoán được sự biến động giá thế giới.

Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ thực trạng hiệu quả và sự cần thiết của quỹ này. Cụ thể, cử tri đề xuất nhà nước chỉ nên can thiệp khi có những biến động lớn về giá, có khả năng ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh bằng các công cụ chính sách để bình ổn thị trường như thuế và dự trữ quốc gia.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Nên bỏ hay giữ lại? - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng, lượng dự trữ xăng, dầu của Việt Nam còn mỏng nên việc tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là cần thiết.

Ở chiều ngược lại, tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), nhiều ý kiến vẫn tán thành sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Bởi quỹ này là một trong những công cụ điều tiết giá xăng, dầu trong nước và là một biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính.

Đồng tình với việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, song Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nếu vẫn giao Quỹ cho doanh nghiệp quản lý là không phù hợp, cần giao Quỹ cho Bộ Tài chính quản lý. Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ thời điểm nào không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phân tích, trong điều kiện hiện nay, khi thị trường xăng, dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật của thị trường, có sự điều hành của Nhà nước thông qua giá cơ sở; cùng với đó, lượng dự trữ xăng, dầu của Việt Nam còn mỏng nên việc tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là cần thiết.

“Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ là công cụ nhằm thực hiện tốt vai trò điều hòa, góp phần giảm biên độ biến động giá... từ đó giảm những tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát”, Đại biểu Võ Mạnh Sơn đưa ra ưu điểm.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Tuy nhiên, đề nghị cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng, dầu; đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả trong điều hành, đồng thời đánh giá kỹ việc thực hiện Nghị định 95/2021/NĐ-CP; sớm đưa giá xăng, dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.

Nhận xét về tính cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, trong bối cảnh mặt hàng xăng dầu vẫn được nhà nước điều hành giá, do vậy vẫn phải giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu, bởi trong tình hình giá xăng dầu thế giới còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, nếu không có quỹ này giá xăng dầu trong nước sẽ tăng rất cao, gây áp lực rất lớn cho lạm phát.

“Để bỏ được Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu trước hết chúng ta phải chủ động, tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu. Dù nước ta đã tự lực sản xuất được xăng dầu để có thể cung ứng cho thị trường vào khoảng 80%, nhưng phải đến khi giá xăng, dầu trong nước được vận hành theo cơ chế thị trường một cách đúng nghĩa, giá xăng dầu trong nước luôn bám sát giá thế giới mới nên bãi bỏ Quỹ này”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên