Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore có thể rót 600 triệu USD vào Vietcombank
Quỹ đầu tư GIC Pte Ltd của Chính phủ Singapore đang đàm phán để mua ít nhất 7% cổ phần của Vietcombank.
Hãng tin Reuters trích dẫn nguồn tin thân cận cho biết quỹ đầu tư trực thuộc nhà nước Singapore GIC đang đàm phán để mua lại ít nhất 7% cổ phần của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông qua phát hành cổ phiếu mới.
Nếu thành công đây sẽ là thương vụ đầu tư thứ hai của GIC ở Việt Nam kể từ đầu năm đến nay.
Thương vụ bán cổ phần cho đối tác ngoại thành công của ngân hàng lớn nhất cả nước xét theo giá trị vốn hóa sẽ là một lá phiếu chứng tỏ niềm tin vào hệ thống ngân hàng của Việt Nam vốn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nợ xấu.
Vietcombank dự định sẽ phát hành cổ phần mới cho các nhà đầu tư ngoại với khối lượng tương đương 10% số cổ phần hiện tại. Tính theo giá trị thị trường hiện tại, số cổ phần này sẽ tương đương 600 triệu USD. Hiện Vietcombank có vốn hóa 136 nghìn tỷ đồng, tương đương 6 tỷ USD.
Nguồn tin cho biết cổ phần được phát hành cho GIC ở mức giá ưu đãi so với giá thị trường.
Thương vụ này cũng phải được NHNN – cổ đông lớn nhất của Vietcombank – thông qua.
Biến động giá cổ phiếu VCB trong 6 tháng
Với 7% cổ phần, GIC sẽ là cổ đông lớn thứ 3 của Vietcombank, sau NHNN (đang sở hữu 77%) và ngân hàng Mizuho của Nhật Bản (đang sở hữu 15%).
Hồi tháng 3, GIC đã mua lại cổ phiếu để sở hữu hơn 5% của tập đoàn Masan. Giá trị của thương vụ này vào khoảng hơn 100 triệu USD.
6 tháng đầu năm 2016, Vietcombank có lợi nhuận ròng tăng trưởng 39% so với 1 năm trước, nhờ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao trong khi tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu giảm xuống.
Toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng đã đón nhận những tín hiệu tích cực như Vietcombank, nhờ nền kinh tế tăng trưởng tốt và tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh so với mức cao kỷ lục được lập năm 2012. Theo số liệu của NHNN, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm từ mức 17,2% của năm 2012 xuống còn 2,55% trong năm ngoái.
Tuy nhiên, công cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng Việt Nam đang gặp phải một số lực cản như hiện tượng sở hữu chéo chằng chịt phức tạp và hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chỉ có thể sở hữu tối đa 30% cổ phần của một ngân hàng Việt.
Trí Thức Trẻ