Quỹ đầu tư ngoại hứng thú với kênh đầu tư BĐS, đại gia địa ốc đua nhau nới room
Cổ phiếu bất động sản đang thu hút các dòng vốn ngoại, các doanh nghiệp địa ốc gia tăng thu hút dòng vốn này bằng cách nới room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.
- 22-02-2016Qua rồi thời "đánh nhanh, thắng nhanh", BĐS sinh ra dòng tiền đều đặn mới khiến giới đầu tư không thể ngồi yên
- 18-01-2016Cận Tết, hàng loạt dự án bung hàng “hút” dòng tiền cuối năm
- 11-01-2016Dòng tiền đang chảy vào căn hộ cho thuê TP. HCM
- 24-12-2015Tung chính sách bán hàng mới để đón dòng tiền cuối năm
Xét về giá trị giao dịch (GTDG), ngành BĐS chiếm tỷ trọng lớn nhất trong vòng 6 tháng qua chiếm tới 18,7% GTGD toàn thị trường, cho thấy sự quan tâm lớn của nhà đầu tư.
Tại kỳ đại hội cổ đông thường niên năm 2016, nhiều doanh nghiệp địa ốc niêm yết đã tuyên bố sẽ nới room cho nhà đầu tư ngoại lên mức tối đa nhằm thu hút vốn đầu tư. Theo đó, cộng ty địa ốc Hoàng Quân (HQC), Thủ Đức House (TDH) đã tuyên bố trong năm nay sẽ nới room lên 60%; tập đoàn Coteccons sẽ làm việc với nhiều quỹ đầu tư ngoại để chuẩn bị cho chiến lược đầu tư vào các dự án BĐS.
Mới đây nhất, theo nguồn tin từ Công ty L&L Group (LuckyLand),Tập đoàn tài chính SynGience (Singapore) sẽ đầu tư 400 tỷ đồng để phát triển dự án Metro Tower -Tham Lương. Số tiền này sẽ được đầu tư theo nhiều giai đoạn, giai đoạn 1 là ngày 29/3 vừa qua với số tiền là 40 tỷ đồng.
Tính từ quý 3/2015 đến nay các quỹ đầu tư ngày càng có hứng thú lớn với kênh đầu tư BĐS. Mới đây, trong cuộc gặp thông tin về cơ hội đầu tư, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Công ty VinaCapital, nhận xét hiện giá cổ phiếu của các công ty BĐS trong nước có tiềm năng tăng trưởng tốt.
VinaCapital chia lĩnh vực này làm 3 loại. Thứ nhất là các dự án xây dựng mới văn phòng, khách sạn; thứ hai là văn phòng, khách sạn cho thu nhập đều đặn như Metropole, Majestic...; thứ ba là cổ phiếu của các công ty BĐS.
Theo đó, Quỹ VOF, do VinaCapital quản lý, sẽ tập trung vào cổ phiếu các công ty BĐS có uy tín, trong khi sẽ giảm cổ phần liên quan đến các dự án xây dựng. Tính tới cuối tháng 3, ngành BĐS và xây dựng đang chiếm ưu thế trong danh mục đầu tư của VOF với tỷ trọng 24,3%.
Trước đó, năm 2015, VOF đã đổ 15 triệu USD “tiền tươi” vào Tập đoàn Novaland cùng 2 đối tác khác với tổng trị giá 47 triệu USD để mua cổ phần ưu đãi chuyển đổi.
Song song đó, các quỹ khác cũng tích cực mua vào cổ phiếu công ty xây dựng, BĐS. Giữa tháng 3 qua, nhóm các quỹ đầu tư của Dragon Capital gồm Amersham Industries Limites và Grinling International Limited đã mua tổng cộng 8,2 triệu cổ phiếu DXG của Đất Xanh Group, tương ứng 7% vốn điều lệ và trở thành nhóm cổ đông lớn của công ty. Cho đến cuối tuần qua, nhóm đầu tư nước ngoài có liên quan này tiếp tục mua vào thêm và nâng tỷ lệ sở hữu lên 9,11% ở DXG.
Cũng trong tháng 3, nhóm đầu tư của Dragon Capital đã gom vào tổng cộng 3,5 triệu cổ phiếu KDH của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền theo hình thức thỏa thuận, nâng tỷ lệ sở hữu của cả nhóm lên hơn 18% tại công ty này.
Cuối tuần qua, Ibeworth Pte. Ltd., công ty con của Tập đoàn Keppel Land (Singapore) đã ký kết mua 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của Công ty cổ phần đầu tư Nam Long (NLG), kỳ hạn 4 năm với lãi suất 7%/năm. Iberworth cũng đã mua 7,1 triệu cổ phiếu NLG trong năm 2015, sau khi thực hiện quyền chuyển đổi, đơn vị này sẽ nắm hơn 21 triệu cổ phiếu NLG.
Nam Long và hai nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn góp tại Công ty ASPL-PLB-Nam Long (100% vốn của Nam Long). Hai nhà đầu tư Nhật sẽ mua lại 50% phần vốn góp của Nam Long trong Công ty ASPL-PLB-NL và cùng chia sẻ chi phí phát triển dự án Fuji Residence tại quận 9 với Nam Long theo tỷ lệ này trong tương lai.
Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Jen (Jen Capital), cho rằng từ trước đến nay, phần lớn các doanh nghiệp bất động sản trong nước đều đi vay ngân hàng. Đây là một rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp lẫn thị trường nếu có biến động về lãi suất hay nền kinh tế gặp khó khăn. Vì vậy, nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài hỗ trợ rất tích cực cho các doanh nghiệp.
Theo ông Trân, một quỹ đầu tư nước ngoài khi tham gia hợp tác với các doanh nghiệp nội, họ kỳ vọng lợi nhuận vào khoảng 20%. Nhiều người cho rằng mức lợi nhuận này là cao vì doanh nghiệp đi vay ngân hàng chỉ phải trả lãi suất khoảng 9%-10%. Nhưng thực ra các quỹ đầu tư nước ngoài có nguồn vốn ổn định và lâu dài, lợi nhuận kỳ vọng đã được họ xác định ngay từ đầu và không điều chỉnh nên đây là yếu tốt rất tốt cho các doanh nghiệp.