MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy định về mạng lưới ngân hàng: Siết thành thị, mở nông thôn

27-11-2023 - 16:20 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau 10 năm triển khai Thông tư số 21/2013/TT-NHNN ngày 9/9/2013 của Thống đốc NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của NHTM (Thông tư 21), đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Do đó, NHNN quyết định xây dựng dự thảo thông tư "Quy định về mạng lưới hoạt động của NHTM" thay thế Thông tư 21.

Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng (NHNN) - đơn vị soạn thảo dự thảo Thông tư cho biết: Dự thảo Thông tư được xây dựng dựa trên các định hướng sau: Bổ sung hiện diện thương mại khác của NHTM là ngân hàng con ở nước ngoài; Bổ sung quy định về thành lập chi nhánh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phù hợp chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; Sửa đổi công thức tính số lượng chi nhánh của một NHTM được thành lập; Bổ sung trường hợp chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch (PGD); và Bổ sung quy định về điều kiện thành lập chi nhánh, PGD ở trong nước theo kết quả xếp hạng của NHTM. Dự thảo Thông tư gồm 6 Chương, 34 điều, trong đó có một số điểm sửa đổi, bổ sung đáng chú ý về điều kiện, số lượng chi nhánh, PGD được thành lập, mở thêm.

Quy định về mạng lưới ngân hàng: Siết thành thị, mở nông thôn - Ảnh 1.

Tại Điều 6 (điều kiện thành lập chi nhánh ở trong nước của NHTM), dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm g Điều 6 như sau: g) Không bị xử phạt vi phạm hành chính về tổ chức, quản trị, điều hành; tỷ lệ bảo đảm an toàn; phân loại tài sản có, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong thời hạn 12 tháng trở về trước tính từ thời điểm đề nghị và không thuộc đối tượng phải thực hiện biện pháp không được mở rộng mạng lưới theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

So với hiện hành, Dự thảo cũng bổ sung thêm một số quy định mới: khoản i) Điều 6: Trường hợp NHTM đề nghị thành lập chi nhánh, PGD ở địa bàn không phải vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, NHTM phải được xếp hạng A,B của năm trước liền kề năm đề nghị (trừ NHTM không thuộc đối tượng xếp hạng theo quy định của NHNN về xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài)...

Về số lượng chi nhánh, PGD được thành lập (Điều 7), dự thảo Thông tư đã đưa ra công thức mới. Theo đó, cách tính số lượng chi nhánh, PGD của một NHTM được thành lập phải đảm bảo: 300 tỷ đồng x N1 + 100 tỷ đồng x M1 + 50 tỷ đồng x N2 + 20 tỷ đồng x M2 < C.

Trong đó: C là giá trị thực của vốn điều lệ của NHTM đến thời điểm đề nghị (tính bằng tỷ Đồng Việt Nam); N1 là số lượng chi nhánh đã thành lập và đề nghị thành lập tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội và khu vực nội thành TP. Hồ Chí Minh; N2 là số lượng chi nhánh đã thành lập và đề nghị thành lập tại khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội, khu vực ngoại thành TP. Hồ Chí Minh; và các tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương; M1 là số lượng PGD đã thành lập và đề nghị thành lập tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội và khu vực nội thành TP. Hồ Chí Minh; M2 là số lượng PGD đã thành lập và đề nghị thành lập tại khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội, khu vực ngoại thành TP. Hồ Chí Minh; và các tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.

So với công thức tính hiện hành (300 tỷ đồng x N1 + 50 tỷ đồng x N2 < C) công thức mới đã nâng mức tiền mặt lên và bổ sung thêm các biến số M1, M2. Ban soạn thảo cho rằng, việc bổ sung những biến số mới là để phù hợp với thực tế hiện nay, khi quy mô vốn điều lệ của các NHTM đã thay đổi rất lớn so với thời điểm ban hành Thông tư 21 (năm 2013); và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay và năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành của các NHTM.

Nhằm hạn chế tình trạng phân bổ mạng lưới hoạt động không đồng đều giữa khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và khu vực thành thị, đồng thời khuyến khích các NHTM phát triển mạng lưới tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, dự thảo sửa đổi mục 4, Điều 7 như sau: NHTM được phép thành lập không quá 5 chi nhánh trong một năm tài chính. Số lượng chi nhánh được phép thành lập tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chiếm ít nhất 50% tổng số chi nhánh được phép thành lập trong một năm tài chính...

Ban soạn thảo cho biết, một trong những mục tiêu Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra là: Phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 người trưởng thành; Ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, phòng giao dịch của TCTD và đại lý ngân hàng; ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội); Dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%... Chính vì thế, Thông tư 20 được sửa đổi theo hướng khuyến khích các TCTD mở mới các chi nhánh, PGD ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đồng thời giảm dần chi nhánh, PGD ở khu vực thành thị, nhằm góp phần hiện thực hoá Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Theo Hà An

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên