Quỹ hưu trí làm thế nào để cạnh tranh khi người dân ưa chuộng gửi tiết kiệm?
Trung bình, khoảng 500 tỷ đồng một năm đầu tư cho sản phẩm bảo hiểm hưu trí. Mục tiêu của sản phẩm này đảm bảo an sinh xã hội, có chương trình để người lao động khi về hưu có nguồn lực tài chính và tạo nguồn vốn trung dài hạn cho mục tiêu phát triển kinh tế.
Phiên thảo luận thứ 2 của phiên thảo luận "Khơi thông dòng vốn trung dài hạn cho nền kinh tế", nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 do ban Kinh tế Trung ương tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra lập luận về tính hấp dẫn của Quỹ hưu trí tự nguyện cũng như khó khăn trong vấn đề triển khai.
Bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, việc phát triển hưu trí tự nguyện đang có 2 sản phẩm là bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện, với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, có chương trình để người lao động khi về hưu có nguồn lực tài chính và tạo nguồn vốn trung dài hạn cho mục tiêu phát triển kinh tế.
Với sản phẩm bảo hiểm hưu trí do các doanh nghiệp bảo hiểm hưu trí cung cấp, cả nước có 6/18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có sản phẩm này, tổng tài sản đạt 2.677 tỷ đồng. Trung bình, khoảng 500 tỷ đồng một năm đầu tư cho sản phẩm bảo hiểm hưu trí.
Nhà nước có cơ chế chính sách thuế ưu đãi để khuyến khích cho người lao động và người sử dụng lao động tham gia vào sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Theo đó, cá nhân được miễn trừ 1-3 triệu đồng/người/tháng nếu tham gia chương trình hưu trí tự nguyện.
Về quỹ hưu trí tự nguyện, từ năm 2016 khi chúng ta ban hành cơ chế chính sách mới có một doanh nghiệp đề xuất cấp phép giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và dự kiến trong quý II và quý III sẽ được cấp phép.
Trong bối cảnh hiện nay, chương trình này chưa được triển khai như mong muốn. Lý do là sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện có sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động, họ phải hoàn thành chương trình bảo hiểm hưu trí bắt buộc của bảo hiểm xã hội sau đó nếu còn nguồn lực tài chính mới tham gia thêm vào quỹ hưu trí này. Điều này có nghĩa rằng chỉ có thể tham gia được nếu DN có nguồn lực tài chính hỗ trợ người lao động như "quỹ vì hiền tài". Người dân cũng phải có nguồn tiền dư.
Theo bà Hiền, nguồn lực tài chính của cá nhân và doanh nghiệp còn hạn chế nên việc phát triển quỹ hưu trí chưa đúng khả năng. Bên cạnh đó, người dân thường có thói quen để tiền nhàn rỗi vào ngân hàng thay vì các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm hưu trí...họ cũng chưa được cung cấp đầy đủ thông tin. Trên cơ sở đó thời gian qua, các cá nhân và doanh nghiệp mua bảo hiểm hưu trí đơn giản hơn trong khi công ty quản lý quỹ chủ yếu hiện nay quản lý quỹ cổ phiếu, tính thương hiệu của các công ty quản lý quỹ chưa được người dân biết đến.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế để phát triển chương trình hưu trí tự nguyện mất rất nhiều thời gian. Nhiều nước phải mất 30-50 năm. Người dân phải có nguồn thặng dư để tham gia. Ví dụ, tháng này kiếm được 10 triệu thì bỏ ra 1 triệu tiết kiệm cho đến khi về hưu. Ở góc độ nhà nước phải tuyên truyền cho sự phát triển sản phẩm này.
Làm thế nào để khuyến khích người dân đầu tư vào quỹ hưu trí?
Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, mỗi kênh đầu từ đều có có lợi thế riêng. Với tiền gửi, cá nhân có thể chủ động rút, mở tài khoản và được đảm bảo bởi các quy định của luật tín dụng... Đây cũng là kênh đầu tư được nhiều người dân lựa chọn.
Theo đại diện Bộ Tài chính, việc phát triển quỹ hưu trí phụ thuộc vào tâm lý của người dân bởi họ luôn cân nhắc đầu tư kênh nào hiệu quả hơn. Để đầu tư vào các sản phẩm của các công ty quản lý quỹ, lợi nhuận khoảng 15-17% nên thu hút nhà đầu tư có kinh nghiệm.
Vì vậy, việc phát triển quỹ hưu trí cần có sự phối hợp giữa chính phủ, các doanh nghiệp. Nếu lãi suất thị trường vốn đi xuống thì lãi suất ngân hàng cũng phải tương ứng. Ngoài sự tham gia của người dân, các doanh nghiệp cũng cần có chính sách để hỗ trợ người lao động.
Trưởng Bộ phận đầu tư, Tập đoàn VinaCapital, Giám đốc điều hành, VinaCapital Vietnam Opportunity Fund ông Andy Ho đề cập đến nhiều giải pháp giúp phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam như tăng cường hợp tác với nhà nước, giúp người dân hiểu được sự an toàn, mục tiêu của quỹ hưu trí tự nguyện; mang lại cho họ kênh phân phối rõ ràng...Tại nhiều quốc gia, sau khi đầu tư nhiều tháng, nhiều năm người dân có thể tích lũy số tiền lớn, họ có thể rút khoản tiền này bất cứ khi nào cần hoặc dùng để vay như tài khoản thế chấp cho các khoản vay lớn hơn tùy nhu cầu thực tế.