MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ Phòng chống thiên tai dư gần 2.000 tỷ: Cần được sử dụng ra sao?

21-09-2024 - 07:17 AM | Xã hội

Cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho người dân, doanh nghiệp. Nhằm khắc phục hậu quả bão lũ, Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất chi Quỹ Phòng chống thiên tai để cứu trợ người dân, doanh nghiệp thay vì để “tồn kho” như hiện nay.

Quỹ Phòng chống thiên tai dư gần 2.000 tỷ: Cần được sử dụng ra sao?- Ảnh 1.

Vườn hoa, cây cảnh của người dân tại Văn Giang (Hưng Yên) chịu thiệt hại vì bão lũ

Đề xuất chi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi kiến nghị tới Chính phủ đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão. Trong đó, VCCI đề xuất, Chính phủ chỉ đạo chi Quỹ Phòng chống thiên tai để cứu trợ, khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Theo báo cáo về tình hình thu chi Quỹ Phòng chống thiên tai, đến tháng 5/2023, tổng thu quỹ là 5.258 tỷ đồng , tăng 2.455 tỷ đồng so với năm 2019. Tổng số chi quỹ 3.296 tỷ đồng và tổng số dư là 1.961 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Quỹ Phòng chống thiên tai Trung ương (Quỹ PCTTT.Ư) được Chính phủ thành lập theo Nghị định 78/2021 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý. Quỹ Phòng chống thiên tai cấp tỉnh ( Quỹ PCTT cấp tỉnh) do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập và do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý. Quỹ này hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Quỹ có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân sách Nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính.

Nội dung chi quỹ gồm: cứu trợ, hỗ trợ hoạt động ứng phó thiên tai khẩn cấp khi vượt quá khả năng ứng phó của địa phương (trong đó, ưu tiên cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh); hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học và xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai.

Quỹ cũng được dùng để hỗ trợ những hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai cho địa phương chịu thiệt hại và vượt quá khả năng khắc phục của địa phương; hỗ trợ, trợ cấp đột xuất cho nạn nhân, gia đình nạn nhân thiên tai, người bị tai nạn, thiệt hại khi tham gia phòng, chống thiên tai...

Theo quy định, để sử dụng Quỹ Phòng chống thiên tai, bắt buộc các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước trên địa bàn đóng 0,02% tổng trị giá tài sản (tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng/tổ chức). Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội đóng 1/2 mức lương cơ sở chia cho số ngày làm việc trong tháng. Người lao động tại doanh nghiệp đóng 1/2 mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc trong tháng. Người lao động khác đóng 10.000 đồng/người/năm.

Quỹ Phòng chống thiên tai dư gần 2.000 tỷ: Cần được sử dụng ra sao?- Ảnh 2.

Ngập lụt gây thiệt hại lớn cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Đang khẩn cấp, cần sử dụng để hỗ trợ

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, theo Luật Ngân sách, Bộ Tài chính sẽ báo cáo số liệu của quỹ ngân sách nhà nước do Trung ương quản lý. Quỹ PCTT thuộc địa phương do ủy ban nhân dân báo cáo hội đồng nhân dân cấp tương ứng. Việc chi tiêu Quỹ Phòng chống thiên tai do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quyết định và việc chi tiêu phải được báo cáo Bộ Tài chính tổng hợp vào cuối năm.

“Việc chi tiêu quỹ thực hiện theo quy chế tài chính chi tiêu của quỹ. Tuỳ thuộc vào từng loại quỹ sẽ có cơ chế tài chính theo cấp phê duyệt. Có quỹ được chi theo quyết định, có quỹ lại được chi theo quy định tại nghị định, quỹ theo văn bản của các bộ”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Về việc sử dụng quỹ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau bão số 3 và lũ ở các địa phương, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cơ quan chức năng nên nhanh chóng sử dụng Quỹ Phòng chống thiên tai đúng mục đích, đối tượng. Thủ tục chi quỹ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cần đơn giản và ứng dụng công nghệ số công khai minh bạch.

“Việc sử dụng quỹ đúng mục đích, công khai minh bạch sẽ phát huy hiệu quả. Thiên tai xảy ra, địa phương phải nhanh chóng vào cuộc, xác định thiệt hại, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bằng số tiền hiện có”, ông Doanh đề xuất.

Quỹ nằm trong tay các địa phương

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Đức Luận , Cục trưởng Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến hiện nay, Quỹ Phòng chống thiên tai còn kết dư hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo ông Luận, hiện quỹ này do các địa phương tự thu, tự chi theo quy định. Ở Trung ương, việc thu quỹ chưa được thực hiện. Đối với hoạt động của quỹ, sau cơn bão số 3, Hải Phòng đã chi 50 tỷ đồng (trong tổng số 70 tỷ đồng) để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Ở Lào Cai, thông tin từ địa phương cho biết, địa phương đã cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng góp 5 tỷ đồng; Quảng Ninh đã chi từ quỹ 20 tỷ đồng.

Theo báo cáo tình hình thu chi của Quỹ Phòng chống thiên tai, đến tháng 5/2023, tổng thu quỹ là 5.258 tỷ đồng, tăng 2.455 tỷ đồng so với năm 2019. Tổng số chi quỹ 3.296 tỷ đồng và tổng số tồn dư là 1.961 tỷ đồng.


“Quỹ Phòng chống thiên tai được chi trong những trường hợp cấp bách. Các địa phương có thể chi mua vật tư, dụng cụ để phòng chống thiên tai; chi để khắc phục thiệt hại cho người dân. Hiện tại, các trường hợp chi từ quỹ đã được quy định rõ. Địa phương căn cứ vào đó để chi cho công tác phòng chống khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra”, ông Luận nói đồng thời cho rằng, trong bối cảnh ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, việc có quỹ ngoài ngân sách để hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra là rất cần thiết. Tuy nhiên, những tỉnh bị thiên tai tàn phá nặng nề đa phần là tỉnh nghèo, không thu được nhiều. Còn những tỉnh kinh tế tốt, có khu công nghiệp phát triển như TPHCM, Đồng Nai thì số thu được nhiều hơn.

“Trước đây, quỹ này là Quỹ Phòng chống lụt bão quốc gia. Song, hiện tại Bộ đang nghiên cứu tổ chức làm sao để quỹ hoạt động hiệu quả hơn và có nguồn đóng góp từ Trung ương. Nguồn từ Trung ương được hình thành từ đóng góp của các quốc gia, tổ chức quốc tế, nhà hảo tâm để từ đó điều phối hỗ trợ các địa phương. Hiện tại, Bộ NN&PTNT huy động được mười mấy triệu USD từ các đơn vị để hỗ trợ địa phương. Bây giờ sẽ triển khai để mang lại hiệu quả cao nhất. Các địa phương sẽ căn cứ vào thu quỹ của mình để hỗ trợ người dân”, ông Luận nói.

Theo Ngọc Linh - Dương Hưng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên