Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM: “Nguồn vốn đầu tư cho các đặc khu kinh tế rất lớn, nhưng cần chú ý 2 điều”
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ giúp khơi dậy nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc đầu tư vào đặc khu kinh tế cũng có tính phân kỳ. Do đó, không nên e ngại, chần chừ trong xây dựng các đặc khu kinh tế, bỏ lỡ cơ hội phát triển.
- 22-05-2018Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Bảo FDI “sai” thì cứ tưởng tượng như chúng ta nhìn đứa con của mình!
- 22-05-2018Quỹ lương từ ngân sách phải tăng thêm 859 tỷ đồng do biên chế tuyển vượt 78.112 người
- 22-05-2018Các ông lớn FDI chỉ 'hắt xì' là nền kinh tế bị 'phát sốt'
Trước thềm phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, ông Trần Anh Tuấn, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đã có cuộc trao đổi với báo chí về nhiều vấn đề liên quan đến đặc khu kinh tế. Hiện tại, TS. Trần Anh Tuấn là Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, nguồn đầu tư để xây dựng đặc khu kinh tế rất lớn nhưng cần chú ý 2 điều: Một là, việc đầu tư có tính phân kỳ; Hai là, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ khơi dậy nguồn lực, thu hút đầu tư.
"Tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ đầu tư, phát triển. Chúng ta đừng quá lo lắng, quá quan tâm về vốn đầu tư nhiều mà e ngại và chần chừ. Chúng ta cần phải quyết liệt, thực thi ngay bằng nhiều hình thức thu hút đầu tư… Còn nếu cứ lấn cấn hoài chuyện nguồn lực thì chúng ta sẽ rất chậm trong phát triển và sẽ dễ bị tụt hậu" – ông Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.
Ngành nghề, đối tượng, quy mô thu hút đầu tư,... là những vấn đề được cân nhắc rất kỹ khi chuẩn bị Dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Cân nhắc thu hút đầu tư sẽ được thực hiện song song với quá trình xây dựng đặc khu. Việc này nhằm thu hút được nhà đầu tư vào những ngành có tính lan tỏa, tạo đòn bẩy giúp đặc khu trở thành cực phát triển.
Về casino và mại dâm, ông Trần Anh Tuấn khẳng định rằng, nguyên tắc thị trường luôn được tôn trọng.
"Tất nhiên, về mặt khía cạnh an ninh, trật tự an toàn xã hội thì chúng ta phải có biện pháp quản lý cho tốt. Nếu như những ngành thực sự gây hại cho xã hội thì chúng ta hạn chế và kiểm soát. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành đều tiêu cực cho sự phát triển. Chúng ta phải tôn trọng thị trường để chúng ta phát triển tốt ngành đó. Tại sao những nước trong khu vực người ta phát triển được còn mình phát triển không được?" – ông Trần Anh Tuấn đặt câu hỏi.
Theo ông Tuấn, những câu hỏi như trên cần được đặt ra trong quá trình phát triển. Có như vậy mới phát hiện ra những điểm yếu trong khâu tổ chức thực hiện, quản lý để hoàn thiện. Từ đó, đặc khu trở thành nơi thu hút và phát triển.
"Những vị trí đó mang tính chiến lược, chúng ta cần phải đặt nó vào đúng trục để tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế. Nếu chúng ta lấn cấn và đòi hỏi rất nhiều thời gian bàn bạc, chuẩn bị thì nhiều cơ hội sẽ mất đi. Ở đây, không phải tôi chỉ bàn riêng những khía cạnh kinh tế mà không xét đến an toàn, an ninh quốc gia. Chúng ta phải cân nhắc, thận trọng và có những biện pháp đảm bảo an toàn an ninh quốc gia để cho những khu vực này phát triển tốt, tạo sức bật mạnh mẽ trong thời gian tới" – ông Trần Anh Tuấn nói.