Quyết không trả phí thang máy vì sống ở tầng 1, người phụ nữ bị toà án gửi giấy triệu tập: Kết quả phải đền bù hơn 10 triệu đồng cho quản lý tòa nhà
Cho rằng ở tầng 1 thì không phải nộp phí dịch vụ sử dụng thang máy chung, người phụ nữ Trung Quốc bị quản lý toà nhà kiện ra toà.
Theo Sohu, vợ chồng chị Trương ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, sau khi mua một căn hộ và dọn vào ở được 6 tháng thì xảy ra xích mích với đơn vị quản lý chung cư. Nguyên nhân của mâu thuẫn này xuất phát từ việc chị Trương đã từ chối trả phí sử dụng thang máy vì cho rằng gia đình ở tầng 1, không sử dụng tới dịch vụ này.
Chị Trương cho biết khu dân cư mà chị đang ở dù hơi xa trạm tàu điện ngầm nhưng có một trạm xe buýt gần đó và giá nhà cũng vừa vặn với mong đợi nên vợ chồng chị đã mua một căn hộ ở tầng 1. Sau khi hoàn thành các thủ tục mua và bàn giao nhà, họ nhanh chóng chuyển vào sống.
Mấy tháng đầu khi thanh toán tiền dịch vụ, chị Trương không xem kỹ bảng giá. Mãi đến tháng thứ 6, người phụ nữ này mới phát hiện có một khoản phí không hợp lý mà bấy lâu nay vẫn phải trả. Đó là phí sử dụng thang máy trong tòa chung cư.
Sau khi hỏi thăm một số hộ gia đình khác ở cùng tòa nhà, chị Trương mới biết mức phí mà họ phải trả gần như giống nhau trong khi những gia đình kia đều ở tầng cao còn nhà chị thì ở tầng trệt. Cảm thấy mình bị thiệt, chị Trương đã đến gặp ban quản lý chung cư để yêu cầu giải thích và đòi trả lại tiền.
Ban quản lý tòa nhà cho biết gia đình chị Trương dù chỉ sống ở tầng 1 nhưng không loại trừ khả năng sẽ sử dụng thang máy nên vẫn phải đóng phí. Không chỉ riêng gia đình chị Trương mà tất cả các hộ dân cư khác sống ở tầng 1 và trong tòa nhà đều phải trả loại phí này.
Cũng theo ban quản lý toà nhà, cư dân ở tầng cao và ở tầng thấp sử dụng thang máy khác nhau nên mức phí thang máy phải trả cũng khác nhau. Các hộ ở tầng thấp sẽ trả phí thang máy ít hơn so với các hộ ở tầng cao. Quản lý tòa nhà cho rằng họ công bằng trong việc phân chia phí thang máy. Hơn nữa, vấn đề này cũng được đề cập rõ ràng trong hợp đồng dịch vụ tài sản và cả hai bên cũng đã ký hợp đồng dịch vụ. Do đó, việc chị Trương yêu cầu trả lại phí thang máy đã bị từ chối.
Không hài lòng về lời giải thích của ban quản lý chung cư, những tháng sau đó, Trương đã không trả phí dịch vụ sử dụng thang máy. Sau nhiều lần nhắc nhở nhưng không có kết quả, ban quản lý tòa nhà đã quyết định kiện người phụ nữ này ra tòa.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự Trung Quốc, ngoài phần sở hữu riêng, chủ sở hữu các căn hộ ở khu chung cư được hưởng các quyền và có nghĩa vụ đối với các phần sở hữu chung của tòa nhà như thang máy, tường ngoài, hành lang, sân thượng, bãi cỏ và đèn đường trong khu vực sinh hoạt chung… Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống, một số chủ sở hữu có tần suất sử dụng một số tiện ích chung khác nhau và công ty quản lý tài sản khó có thể định lượng chính xác việc sử dụng của tất cả các chủ sở hữu.
Do đó, khi tính toán phí tài sản, quản lý chung cư sẽ phân bổ đều lợi ích và chi phí phát sinh từ việc duy trì, quản lý và bảo trì các phần chung, để đạt được sự công bằng cho cư dân tòa nhà. Hơn nữa, phí thang máy và các tiện ích tính phí khác cũng được quy định trong hợp đồng dịch vụ và được thông báo đến cả 2 bên.
Trong trường hợp của chị Trương, tòa án đã chỉ ra sai phạm của chị và yêu cầu gia đình chị phải thanh toán số tiền còn nợ chung cư. Đồng thời bồi thường thiệt hại cùng các khoản phí pháp lý phát sinh với tổng trị giá 3.000 NDT ( hơn 10,3 triệu đồng).
Câu chuyện này cũng nhắc nhở người dân khi mua nhà cần tìm hiểu và nắm bắt thông tin đầy đủ về dự án nhà ở. Nhiều khách hàng mua nhà chỉ quan tâm giá bán, quyền sử dụng đất, vị trí và tiện ích của dự án mà không xem xét kỹ quyền lợi của bản thân và nội dung hợp đồng sẽ ký kết. Từ đó dẫn đến nhiều mâu thuẫn không đáng có, gây mất thời gian và tiền bạc của các bên như trường hợp trên.
( Theo Sohu)
Nhịp sống thị trường