MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rà soát tiêu chuẩn lãnh đạo ngân hàng sau nhiều đại án

13-02-2017 - 14:25 PM | Tài chính - ngân hàng

Một số vụ án thời gian qua phát sinh do năng lực, sai phạm từ người quản lý, điều hành...

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, trong đó đặt ra yêu cầu rà soát lại và bổ sung các điều kiện, tiêu chuẩn người quản trị, điều hành.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam thời gian qua có bất cập và là một trong các nguyên nhân chính để xảy ra việc các tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng yếu kém.

Đó là năng lực của người quản trị, điều hành tại một số tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng, mức độ và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động, hoặc do các hành vi sai phạm từ người quản lý, điều hành dẫn tới thất thoát tài sản của tổ chức tín dụng.

“Điều này thể hiện rõ trong một số vụ án thời gian qua phát sinh do năng lực quản lý, sai phạm từ người quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng. Do đó đặt ra yêu cầu cần phải có các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ hơn đối với người giữ chức danh quản lý, điều hành”, bản dự thảo trên đặt vấn đề.

Cụ thể, yêu cầu đặt ra là sửa đổi, bổ sung điều 50 Luật các tổ chức tín dụng về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, thành viên hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc của các tổ chức tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn.

Mục tiêu là nâng cao năng lực quản trị, điều hành của người quản lý, điều hành tại các tổ chức tín dụng, qua đó nâng cao năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các tổ chức này.

Hiện Ngân hàng Nhà nước chưa nêu các điểm điều kiện, tiêu chuẩn đề xuất sửa đổi hoặc bổ sung cụ thể, nhưng có dẫn giải ví dụ như: các cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng bị cấm vĩnh viễn không được là người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng; thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên phải có kiến thức về quản trị rủi ro; tổng giám đốc phải có năng lực phù hợp với quy mô và mức độ phức tạp trong hoạt động của tổ chức tín dụng tham gia điều hành...

Theo Ngân hàng Nhà nước, các quy định hiện hành về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh trên của các tổ chức tín dụng tại Luật các tổ chức tín dụng được xây dựng từ năm 2010, đến thời điểm hiện tại đã không còn phù hợp với quy mô phát triển của hệ thống, dẫn tới yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện người quản lý, điều hành quy định tại luật thấp hơn so với quy mô, tốc độ tăng trưởng, mức độ và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước quan ngại thực tế trên làm giảm năng lực quản trị, điều hành tại các tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng tới tốc độ, quy mô tăng trưởng của các tổ chức tín dụng và tiềm ẩn làm phát sinh các rủi ro từ các lỗ hổng trong quản lý, điều hành tổ chức tín dụng.

Cũng theo dẫn giải trong dự thảo trên, thời gian qua đã phát sinh nhiều sai phạm của người giữ chức danh quản lý, điều hành tại các tổ chức tín dụng, trong đó có những sai phạm gây thiệt hại tới hàng nghìn tỷ đồng, gây mất lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.

“Với môi trường hoạt động đặc thù có nhiều khả năng phát sinh các rủi ro về mặt đạo đức, yêu cầu phải có các các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ hơn đối với người giữ chức danh quản lý, điều hành bao gồm cả các yêu cầu về phẩm chất, đạo đức mà các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Luật các tổ chức tín dụng đã không còn đáp ứng được”, Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Cơ quan này cũng kỳ vọng, với đề xuất trên, khi được rà soát, sửa đổi và bổ sung, với các điều kiện, tiêu chuẩn chặt chẽ hơn với người được lựa chọn vào vị trí quản lý, điều hành tại tổ chức tín dụng sẽ tránh được các sai phạm của cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn, lành mạnh, ổn định của ngân hàng; tạo tâm lý tin tưởng của người dân vào hệ thống ngân hàng.

Theo Hoàng Vũ

VnEconomy

Trở lên trên