MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rau quả hữu cơ có tiềm năng lớn tại thị trường EU

09-10-2017 - 18:50 PM | Thị trường

Việc không đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm của EU đối với một số mặt hàng rau quả tươi của Việt Nam đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào EU và EU buộc phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn trong việc đăng ký và kiểm soát đối với nhà sản xuất và xuất khẩu rau hoa quản tươi của Việt Nam.

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Duy trì và mở rộng thị trường rau hoa quả tươi của Việt Nam xuất khẩu vào EU”. Hội thảo do Dự án EU-MUTRAP phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 9/10.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin, trong 9 tháng năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu được 2,64 tỷ USD mặt hàng rau quả, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, Việt Nam cũng nhập khẩu 1,15 triệu USD, tăng 78,2% so với cùng kỳ. Như vậy, Việt Nam đã xuất siêu 1,49 tỷ USD mặt hàng rau quả trong 9 tháng.

Các mặt hàng rau quả xuất sang châu Âu gồm có rau quả chế biến (nước chanh, nước dứa, gừng xay, nước dừa, cơm dừa sấy…), trái cây tươi (chanh, thanh long, xoài, dứa, dừa, chôm chôm…) và rau củ tươi (rau gia vị, ngô tươi, khoai môn, nấm rơm, sả…).

Tuy nhiên, các mặt hàng rau tươi và quả tươi của Việt Nam đều có nguy cơ cao về dịch hại và vệ sinh an toàn thực phẩm. Riêng sản phẩm rau quả chế biến (khô, đông lạnh, đóng hộp…) có nguy cơ thấp hơn. Do vậy, tỷ trọng xuất khẩu của các mặt hàng rau quả chế biến cũng rất cao.

Theo ông Đạt, các loại rau gia vị của Việt Nam xuất vào EU có nguy cơ cao nhất về vấn đề kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm 2013 đã xảy ra nhiều vụ liên quan đến nhiễm dịch hại theo quy định và EU đã phải ngừng nhập khẩu một số loại rau này. Sau đó, Việt Nam đã ra quy định về việc rau phải trồng trong nhà lưới và phải truy xuất nguồn gốc.

Cụ thể, có 5 loại rau quả có nguy cơ cao nhiễm các loại dịch hại theo quy định thuôc danh mục cấm của EU là húng quế, cần tây, ngò gai, ớt và khổ qua. Theo quy định của EU, các loại dịch hại cần được loại bỏ trên sản phẩm trước khi xuất khẩu là ruồi đục lá, bọ trĩ, bọ phấn, ruồi đục quả và vi khuẩn… Tuy nhiên, đây lại là các dịch hại rất phổ biến ở Việt Nam trên các loại rau gia vị.

Để loại bỏ khả năng xâm nhập của dịch hại, ông Đạt khuyến cáo DN nên trồng trong nhà kính, nhà lưới. Vùng sản xuất phải đạt tiêu chuẩn VIETGAP. Nhà sơ chế, đóng gói cũng nên xây dựng bên trong khu vực nhà lưới nhằm hạn chế di chuyển sản phẩm đi xa, hạn chế và tránh tái nhiễm dịch hại.

Trong khi đó, ông Đàm Quốc Trụ, Chuyên gia tư vấn trong nước, Dự án EU-MUTRAP cho rằng cần có chính sách đầu tư cho công nghệ xử lý kiểm dịch thực vật và công nghệ bảo quản, chế biến sâu đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ông Rugguero Malossi, Chuyên gia quốc tế, Dự án EU-MUTRAP cũng thông tin, khi xuất khẩu rau quả tươi sang châu Âu, DN phải tuân thủ các quy định về hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và chịu sự kiểm soát với các hình thức: kiểm tra giấy tờ, kiểm tra danh tính và kiểm tra thực tế hàng hóa. Trong trường hợp vi phạm, EU có thể tiến hành kiểm soát ở mức độ cao hơn hoặc đưa ra các biện pháp khẩn cấp. Việc kiểm soát có thể được thực hiện ở tất cả các giai đoạn nhập khẩu và tiếp thị tại EU. Tuy nhiên, hầu hết việc kiểm tra được thực hiện tại các điển nhập khẩu ở EU.

Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc cũng là yêu cầu bắt buộc đối với rau quả tươi nhập khẩu vào EU. Theo đó, nhà nhập khẩu sẽ yêu cầu cung cấp bằng chứng về xuất xứ của sản phẩm cùng với vận đơn, giấy chứng nhận kiểm dịch, phiếu đóng gói và chứng từ hải quan. Cùng với đó là các quy định về ghi nhãn và đóng gói…

Ông Rugguero Malossi cũng thông tin thêm, ngày càng có nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng các phương pháp tự nhiên. Trái cây và hoa quả hữu có cơ chi phí sản xuất cao hơn, nhưng cũng được đánh giá cao hơn ở thị trường EU. Tuy nhiên, để tiếp thị được sản phẩm hữu cơ ở EU, sản phẩm cần được sản xuất theo phương pháp hữu cơ được quy định trong luật của EU. Hơn nữa, các phương pháp này phải được áp dụng ít nhất hai năm trước khi bán trái cây và rau quả hữu cơ.

DN Việt Năm hoặc nhà nhập khẩu tại EU sẽ phải xin giấy phép nhập khẩu từ cơ quan kiểm soát hữu cơ của EU. Sau khi được kiểm định bởi một đơn vị chứng nhận được công nhận, sản phẩm sẽ được dán logo hữu cơ của EU.

Ông Rugguero Malossi khẳng định tiềm năng của thị trường hữu cơ hiện nay rất lớn. DN cần tìm được các nhà nhập khẩu chuyên về hữu cơ thông qua các hội chợ thương mại như Biofach hoặc Fruit Logistica và các danh bạ về các công ty buôn bán và cung cấp thực phẩm hữu cơ. Các nhà nhập khẩu hữu cơ thường đóng vai trò tích cực trong việc tư vấn và hướng dẫn cho các nhà sản xuất.

Với sự hỗ trợ của Dự án EU-MUTRAP, văn phòng SPS Việt Nam đã mời các chuyên gia nước ngoài và trong nước tiến hành khảo sát đánh giá và nghiên cứu các quy định của EU đối với rau hoa quả tươi xuất khẩu vào thị trường này. Trên cơ sở đó đưa ra những khuyến nghị và hướng dẫn cụ thể cho các nhà sản xuất và xuất khẩu rau hoa quả tươi của Việt Nam. Qua đó hướng đến duy trì ổn định và mở rộng hơn việc xuất khẩu rau hoa quả tươi của Việt Nam vào thị trường EU, đặc biệt khi Việt Nam và EU triển khai thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Đây sẽ là cơ hội lớn cho xuất khẩu rau hoa quả tươi hay chế biến nói riêng và xuất khẩu nông sản thực phẩm nói chung của Việt Nam vào EU.

Theo Nguyền Hiền

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên