MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rót 44.000 tỷ vào 5 dự án giao thông 'khủng': Cú đột phá của siêu đô thị gần 10 triệu dân

Siêu đô thị gần 10 triệu dân của Việt Nam dự kiến đầu tư 44.000 tỷ đồng làm 5 dự án giao thông để khơi thông cửa ngõ.

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư 5 dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT trên địa bàn TP.HCM vừa được ban hành, thành phố này trong năm 2024 lên kế hoạch triển khai 5 dự án BOT trên đường trục chính.

5 dự án được triển khai dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 44.592 tỷ đồng, đều nằm ở các cửa ngõ ra vào thành phố, có vai trò đặc biệt quan trọng với sự phát triển của TP.HCM nhưng lại thường xuyên ùn tắc. 

Dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư cho dự án giai đoạn 2023 - 2025 là khoảng 8.143 tỷ đồng, để thực hiện công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng công trình.... Giai đoạn 2026 - 2030 là 36.448 tỷ đồng.

Cụ thể gồm các dự án: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Rót 44.000 tỷ vào 5 dự án giao thông 'khủng': Cú đột phá của siêu đô thị gần 10 triệu dân - Ảnh 1.

Danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Trọng Tín/Công dân & Khuyến học

Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13

Quốc lộ 13 là con đường quan trọng bậc nhất cho sự phát triển của bộ ba TP.HCM, Bình Dương và Bình Phước, đồng thời kết nối các tỉnh Tây Nguyên với TP.HCM. 

Theo Tuổi Trẻ, tại Bình Dương, tuyến đường này đang được thi công mở rộng lên 8 làn xe, rộng thênh thang. Còn đoạn qua địa bàn TP.HCM vẫn còn 4-6 làn xe, trong đó một số đoạn chỉ có 4 làn xe, bị "thắt cổ chai".

UBND TP.HCM hiện đã đưa dự án mở rộng quốc lộ 13 vào danh mục 34 dự án trọng điểm năm 2023. Dự kiến năm 2024 dự án được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và khởi công công trình vào năm 2025. Dự kiến quốc lộ 13 được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe với tổng mức đầu tư hơn 9.990 tỉ đồng.

Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1

Dự án này dài 9,6 km nối từ đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM) đến giáp ranh tỉnh Long An, tổng mức đầu tư gần 12.900 tỷ đồng (đề xuất ngân sách Nhà nước tham gia với tỉ lệ 50% và doanh nghiệp 50%).

Đoạn đường này là nơi tập trung của nhiều khu công nghiệp tại huyện Bình Chánh, luôn ở trong tình trạng quá tải với lưu lượng giao thông rất lớn, gồm toàn các phương tiện có tải trọng cao, tạo nên sự ún ừ giao thông tại khu vực phía tây nam TP.HCM.

Hiện trạng tuyến quốc lộ 1 A đoạn An Lạc - ranh Long An đang có 6 làn xe, với bề rộng mặt đường khoảng 20 - 25 m. Theo báo Pháp luật Việt Nam, tuyến đường này sẽ được đầu tư mở rộng lên khoảng 40 m.

Rót 44.000 tỷ vào 5 dự án giao thông 'khủng': Cú đột phá của siêu đô thị gần 10 triệu dân - Ảnh 2.

Vị trí 5 dự án BOT được Sở GTVT TPHCM đề xuất triển khai. Ảnh: The Saigon Times

Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22

Quốc lộ 22 là con đường nối liền TP HCM đến cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, dài 58,5 km. Bắt đầu tại ngã tư An Sương, quận 12, đi qua các huyện Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM), Trảng Bàng, Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh), và kết thúc tại cửa khẩu Mộc Bài, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Đây là một trong những tuyến đường cửa ngõ của TP.HCM.

Hiện tại, tuyến đường này đang rơi vào tình trạng quá tải, nhất là đối với hướng từ Hóc Môn vào trung tâm TP. TP đã đầu tư nút giao An Sương thành 3 tầng để giải quyết điểm ùn tắc, song sự quá tải, chật hẹp của quốc lộ 22 đoạn qua Hóc Môn, Củ Chi khiến tình trạng quá tải chưa được cải thiện.

Rót 44.000 tỷ vào 5 dự án giao thông 'khủng': Cú đột phá của siêu đô thị gần 10 triệu dân - Ảnh 3.

Cận cảnh quốc lộ 22. Ảnh: Vietnammoi

Dự án dự kiến dài 9,1 km, tổng mức đầu tư khoảng 7.173 tỷ đồng (tỷ lệ vốn từ nhà đầu tư là 50% tổng mức đầu tư).

TP HCM sẽ đầu tư mở rộng tuyến đường này bằng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Theo bản đồ quy hoạch phân khu TP HCM, tại điểm giao giữa quốc lộ 22 và đường vành đai 3 TP HCM sẽ xây dựng một nút giao dạng hoa thị.

Nâng cấp đường trục Bắc - Nam

Theo Sài Gòn Giải Phóng, dự án này dài 8 km, được đề xuất mở rộng 60m, từ 4 lên 10 làn xe, với tổng vốn hơn 4.500 tỷ đồng (doanh nghiệp tham gia 30%).

Đường trục Bắc - Nam bắt đầu từ quốc lộ 22 (An Sương, quận 12) đến Khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè là một trong hai tuyến trục xuyên tâm của TP.HCM. Vào các khung giờ cao điểm, tuyến đường này luôn trong tình trạng quá tải, các phương tiện xếp hàng dài, chen chúc nhau nhích tí một.

Rót 44.000 tỷ vào 5 dự án giao thông 'khủng': Cú đột phá của siêu đô thị gần 10 triệu dân - Ảnh 4.

Trục đường Bắc - Nam dự kiến được mở rộng từ 4 lên 10 làn xe, tổng vốn gần 4.500 tỷ đồng. Ảnh: TPO

Xây dựng cầu đường Bình Tiên

Dự án cầu đường Bình Tiên ở TP.HCM là một trong những dự án giao thông quan trọng của thành phố, nằm trong kế hoạch đầu tư công năm 2024, với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng hơn 3.300 tỷ đồng.

Dự kiến công trình này dài 3,2km và có mặt cắt ngang rộng từ 30 đến 40m. Người dân ở khu vực dự án đang rất mong đợi việc triển khai dự án để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và cải thiện quy hoạch xây dựng tại khu vực này. 

Các bước chuẩn bị đầu tư cho dự án đang được tiến hành, và UBND TP.HCM đang chờ phản hồi từ Chính phủ về việc dừng triển khai dự án theo hình thức BT trước đó.

Tổng hợp

Theo Thái Hà TH

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên