MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rủi ro ngân hàng và “chiếc áo không túi”

28-09-2017 - 13:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Lỗ hổng khó xử lý qua nhiều vụ việc khách gửi tiền tại ngân hàng bị rút ruột...

Cách đây hơn chục năm, bên lề hoạt động ngân hàng từng ồn ào trước quy định phải mặc áo không có túi khi giao dịch kho quỹ với Ngân hàng Nhà nước. Một quy định có phần đụng chạm đến vấn đề đạo đức.

Cụ thể, quy định do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ năm 2002 nêu rõ: “Những người có nhiệm vụ vào quầy giao dịch tiền mặt hoặc kho tiền phải mặc bảo hộ lao động không có túi hoặc trang phục giao dịch không có túi”.

Đụng chạm đến vấn đề đạo đức, đã có một số bàn luận nhất định thời đó. Nhưng quan điểm chung xem quy định trên là bình thường, tương tự như nhân viên hàng không cũng phải được kiểm tra an ninh kỹ càng mỗi khi vào trong sân bay.

Hoạt động ngân hàng, tiếp xúc với tiền, nhạy cảm. Có thể xem “chiếc áo không túi” nói trên là một nguyên tắc, một trong những quy định đến mức độ nhỏ nhất để hạn chế rủi ro trong giao dịch, vận hành.

Và cho đến nay, hoạt động giám sát càng chặt chẽ với sự hỗ trợ của kỹ thuật công nghệ, nhiều quy định đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong kiểm soát, giám sát nội bộ với nhiều tầng, cấp…

Dù vậy, lỗ hổng rủi ro đạo đức vẫn là thử thách các ngân hàng phải đối mặt, qua nhiều vụ việc xẩy ra thời gian gần đây.

Ngày 27/9, Tòa án Nhân dân Tp.HCM xét xử vụ nguyên phó phòng kế toán giao dịch và ngân quỹ tại một ngân hàng thương mại rút ruột 38 sổ tiết kiệm của khách hàng bằng chứng từ khống (ngân hàng đã trích quỹ chi trả cho khách hàng).

Một ngày trước nữa, 26/9, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) có thông báo đã bắt giữ nguyên giám đốc và hai nhân viên của một chi nhánh ngân hàng tại Hải Phòng sau khi phát lệnh truy nã, liên quan đến khoản tiền gửi 400 tỷ đồng của 17 khách hàng đang khiếu nại không có trong hệ thống.

Một tháng trước, tại Phú Thọ, hai vụ việc tại hai chi nhánh ngân hàng khác nhau cùng nội dung khách hàng báo tiền gửi bị mất, cùng chuyển sang cơ quan công an xử lý (trong đó một trường hợp được ngân hàng chi trả phần lớn số tiền với những hồ sơ hợp lệ).

Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ việc có dáng dấp tương tự xẩy ra, hầu hết đều được chuyển sang cơ quan công an điều tra và chờ kết luận.

Có nhiều nguyên do có thể dẫn đến rủi ro liên quan.

Tìm hiểu từ phía ngân hàng, điểm chung tại nhiều vụ việc được xác định: giữa cán bộ ngân hàng liên quan và khách hàng thường có quan hệ cá nhân trong đời thường, quy trình giao dịch bị đơn giản hóa và dựa trên cơ sở niềm tin cá nhân, lạm dụng quyền hạn; thậm chí có trường hợp nhân viên ngân hàng và khách hàng tự viết giấy thỏa thuận rồi đóng dấu ngân hàng…

Thứ hai, ngân hàng gặp rủi ro nội bộ khi chính nhân viên có chủ đích lừa đảo, lạm dụng quyền hạn để giả mạo, rút ruột tiền gửi.

Thứ ba, khách hàng quá tin tưởng, chủ quan hoặc không nắm rõ quy trình giao dịch, thụ động trong việc ký các thủ tục giấy tờ dẫn tới tình huống có thể bị lợi dụng và gặp rủi ro.

Thứ tư, có những khách hàng không sử dụng các sản phẩm tiện ích như tin nhắn tự động, thư điện tử để gián tiếp quản lý biến động, thay đổi số dư tiền gửi tại ngân hàng. Thực tế có những vụ việc khoản tiền gửi và rủi ro xẩy ra sau một thời gian dài khách hàng mới phát hiện ra.

Thứ năm, lỗ hổng có thể xẩy ra trong chính sách “chiều” khách hàng có những khoản tiền gửi lớn. Để cạnh tranh và giữ chân khách, áp lực chỉ tiêu kinh doanh…, chi nhánh hoặc phòng giao dịch ngân hàng rút ngắn hoặc đi tắt quy trình, thậm chí cho nhân viên đến tận nhà thu/chi tiền gửi…

Tựu trung, lỗ hổng về rủi ro đạo đức đang là thử thách khó xử lý trong an toàn hoạt động của các ngân hàng thương mại, ngay cả khi đã áp dụng nhiều tầng, cấp giám sát và quản lý, áp dụng nhiều kỹ thuật công nghệ hỗ trợ.

Ở một diễn biến khác, sau những vụ việc xẩy ra gần đây, ngày 26/9, trên trang Facebook của một ngân hàng thương mại xuất hiện giới thiệu về một chương trình huy động với tiêu đề: Gửi tiền mọi nơi không lo “bốc hơi”.

Trong giới thiệu này có đề cập đến lo lắng của khách hàng về việc “có sổ thật nhưng tiền gửi không hiển thị trên hệ thống ngân hàng?”. Cùng đó là giới thiệu về những tiện ích trong kiểm chứng xác nhận giao dịch, kiểm soát tức thời số dư, chủ động theo dõi khoản tiết kiệm bất cứ khi nào qua các kênh hỗ trợ trực tuyến.

Ngày 25/9 vừa qua, một ngân hàng thương mại khác cũng công bố thư ngỏ, khuyến nghị khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ thông báo biến động số dư tiền gửi tiết kiệm để chủ động kiểm soát giao dịch, cũng như chủ động trước các trường hợp bất thường có thể xẩy ra.

Theo Minh Đức

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên