MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rước họa vì lấy ráy tai ở quán cắt tóc, gội đầu vỉa hè

01-07-2023 - 20:57 PM | Sống

Lấy ráy tai ở quán cắt tóc gội đầu, một việc tưởng chừng như vô hại nhưng đã khiến không ít người phải đi viện điều trị. Ít ai nghĩ rằng dịch vụ này ẩn chứa nhiều hiểm họa vô hình, đặc biệt phải kể đến là tình trạng mắc bệnh viêm ống tai ngoài do nấm.

Tại một cửa hàng chuyên cắt tóc ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, dễ dàng quan sát thấy cứ mỗi khách đến cắt tóc xong nhân viên đều gợi ý, mời chào khách lấy ráy tai thư giãn. Nếu khách gật đầu, lập tức thợ cắt lấy ra bộ dụng cụ để lấy ráy tai. Trước khi vệ sinh tai cho khách, những dụng cụ này không hề được khử trùng. Tất nhiên, chúng được dùng chung nhiều người với nhau. Sau một lần đi cắt tóc tại đây, nghe nhân viên mời chào dịch vụ lấy ráy tai, anh Nguyễn Văn D ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã thử và rồi trở thành "khách ruột" lấy ráy tai tại quán.

Dù đã phải đi khám và điều trị nấm tai nhưng anh vẫn không từ bỏ được thói quen xấu này: "Cái này thành thói quen, khi mình đã lấy một lần rồi là lần sau mình không lấy là mình không chịu được. Tại nó ngứa ngáy. Nếu người nào mà có ráy tai bằng nước thì nó rất bẩn, nên khi đi cắt tóc kiểu gì tôi cũng lấy ráy tai. Ở chỗ này không lấy thì sẽ đi lấy chỗ khác. Tuần phải lấy một lần mới chịu được."

Rước họa vì lấy ráy tai ở quán cắt tóc, gội đầu vỉa hè - Ảnh 1.

Hình ảnh nội soi nấm ống tai. (Ảnh BVCC)

Cũng là một nạn nhân của việc vệ sinh tai không đúng cách ngoài hàng cắt tóc gội đầu, mỗi lần sử dụng dịch vụ gội ngoài hàng, chị Lê Thị M ở huyện Hoài Đức, Hà Nội đều "tiện thể" nhờ nhân viên rửa tai bằng cách xả nước trực tiếp vào tai, rửa cùng với dầu gội, sau đó lại dùng bông tăm để ngoáy tai cho khô. Thời gian gần đây khi thấy tai bị đau, bị chảy nước, có mùi hôi, chị đến khám bác sĩ mới giật mình khi biết mình bị viêm ống tai ngoài do nấm vì thói quen chẳng thể ngờ ấy: "Hay ngoáy tai nhiều vì tai nó ướt. Hầu như ngày nào cũng ngoáy. Sau khi khám bác sĩ cho thuốc điều trị với cả đến điều trị tại đấy 3 hôm. Mới đầu em cũng không biết nhưng sau khi đi khám rồi biết cái đấy là nguy hiểm, không nên rửa tai, lấy ráy tai ngoài hàng, nhiều khi dụng cụ lấy ráy tai chung rất là nhiều người, nhiều khi nấm hay bị bệnh là mình cũng có thể bị lây."

Đấy chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp bị mắc bệnh viêm ống tai ngoài do nấm từ thói quen sử dụng vệ sinh tai tại các hàng quán cắt tóc gội đầu mà bác sĩ Nguyễn Chí Trung, Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc tiếp nhận và điều trị trong thời gian gần đây.

Theo bác sĩ Trung, tỷ lệ bệnh nhân bị viêm ống tai ngoài do nấm tăng cao, ước tính chiếm tới 5-20% ca bệnh về tai mà bác sĩ tai mũi họng tiếp nhận mỗi ngày. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng mạnh số ca bị viêm tai do nấm chính là do nghiện ngoáy tai, rửa tai, lấy ráy tai ngoài tiệm cắt tóc: "Bệnh thường diễn ra một cách âm thầm, lúc đầu bệnh nhân thường chỉ cảm thấy ngứa tai nhẹ, họ thường bỏ qua triệu chứng đó hay ngoáy tai nhiều hơn cho đỡ ngứa. Tuy nhiên khi tổn thương do nấm lan rộng, bệnh nhân sẽ có cảm giác ngứa nặng hơn, có thể đau tai, ù tai, tai chảy dịch màu xanh vàng, mùi hôi và thậm chí là nghe kém, thường tới lúc đó họ mới tới để khám và điều trị."

Nhiều người chỉ biết đến việc lấy ráy tai như một dịch vụ thư giãn nhưng ít ai biết những nguy cơ tiềm ẩn sau dịch vụ vỉa hè này. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Chí Trung, không chỉ những người nghiện dịch vụ lấy ráy tai ở các tiệm cắt tóc, mà những người lỡ cạo, ngoáy lỗ tai của mình mỗi khi cắt tóc hay rửa tai mỗi khi gội đầu còn đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm: "Rất nhiều cơ sở dịch vụ này không vệ sinh cho dụng cụ. Bác sĩ từng thấy 1 bộ dụng cụ sử dụng cho 3 người liên tiếp trong 1 buổi chiều tại 1 quán cắt tóc vỉa hè mà không có bất cứ sự vệ sinh nào. Điều này tạo ra sự "cấy nấm" từ tai người bệnh sang tai người lành, và cứ thế khiến cho nhiều người “nhiễm nấm ống tai ngoài" từ trung gian là bộ dụng cụ kể trên. Tiếp nữa là việc không có tầm nhìn chi tiết và đa số dụng cụ ngoài tiệm cắt tóc đều bằng kim loại sắc nhọn, khi làm vệ sinh tai có thể khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ xước/ thủng màng nhĩ hoặc tổn thương ống tai ngoài do sự thiếu kinh nghiệm của các thợ cắt tóc gây nên".

Ráy tai là lớp bảo vệ thính lực tự nhiên, cản vi khuẩn xâm nhập vào tai. Lớp màng ráy này không cần lấy ra thủ công mà sẽ tự rơi ra ngoài. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người bệnh không tự lấy ráy tai. Trong trường hợp ráy tai quá nhiều và không tự đào thải, người dân cần đến bác sĩ khám để được xử trí bằng biện pháp chuyên biệt, an toàn. Người dân không nên lấy ráy tai tại các tiệm cắt tóc gội đầu. Nếu bị nấm ở một bộ phận nào trên cơ thể thì cần phải điều trị dứt điểm, tránh lây nhiễm sang nhiều vị trí khác trên người và tai. Khi có dấu hiệu lâm sàng bất thường ở tai cần đi khám ở chuyên khoa tai mũi họng để phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo Anh Đào

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên