Rút bảo hiểm xã hội một lần: Người lao động thiệt đủ đường
Theo các chuyên gia, số lượng người lao động ồ ạt rút BHXH một lần trong thời gian qua là thực trạng đáng báo động, điều này đồng nghĩa khi về già, người lao động không có lương hưu và mất nhiều quyền lợi an sinh khác.
- 28-11-2023Hàng nghìn doanh nghiệp đang lao đao trong 'nước sôi lửa bỏng'
- 28-11-2023Bình Dương bơm vốn nghìn tỉ đồng để tái khởi động tuyến đường 'treo" nhiều năm
- 28-11-2023Hà Nội khởi động du lịch đêm, du khách tăng hơn 3 lần
Báo cáo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, trong 10 tháng năm 2023, cả nước giải quyết cho hơn 947.000 người hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, tăng 31,38% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm đã gia tăng số người rút BHXH một lần. Cùng với đó, phần lớn người lao động có thu nhập thấp, không có tích lũy, trong khi nhu cầu chi tiêu lớn, điều này buộc họ phải rút tiền để trang trải những khó khăn trước mắt.
Các chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho rằng, hưởng BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên, việc người lao động rút BHXH một lần gia tăng trong thời gian qua là thực trạng đáng báo động, tác động tiêu cực đến đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của người dân.
Còn theo BHXH Việt Nam, người lao động lựa chọn rút BHXH một lần đồng nghĩa với việc khi về già người lao động không có lương hưu và mất nhiều quyền lợi an sinh khác. Ngoài ra, việc rút BHXH một lần còn làm giảm ý nghĩa của chính sách an sinh xã hội, không thể duy trì liên tục thu nhập cho người lao động trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay.
Đáng nói, với người lao động, số tiền nhận BHXH một lần ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng BHXH. Cụ thể, mức đóng BHXH trong 1 năm của người lao động bằng 2,64 tháng lương nhưng khi nhận BHXH một lần chỉ được nhận số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Hơn thế, người lao động sẽ mất cơ hội hưởng lương hưu, nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già; Người lao động mất cơ hội được nhận thẻ BHYT miễn phí khi hết tuổi lao động. Nếu có BHYT sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho con cháu của họ; Thân nhân mất cơ hội nhận trợ cấp mai táng phí và chế độ tử tuất: Trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu chết thì thân nhân sẽ được hưởng đầy đủ chế độ tử tuất theo quy định.
TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích, những khó khăn trong và sau dịch Covid-19 gia tăng khiến nhiều lao động mất việc, tìm lại việc mới khó khăn, cuộc sống thiếu thốn nên đành chọn cách rút BHXH một lần. Nhiều người mặc dù chỉ khó khăn tạm thời nhưng lại “nhắm” ngay vào khoản tích lũy cho tuổi già là "bảo hiểm xã hội". Nếu "gặt lúa non" với số tiền đóng BHXH vài năm thì số tiền mang về chỉ được vài chục triệu đồng. Nhưng nếu giữ lại khoản đóng BHXH, tìm cách xoay xở vượt qua khó khăn tạm thời thì tuổi già sẽ được "bảo hiểm", vừa có lương hưu, vừa được phát thẻ BHYT miễn phí.
Theo ông Lợi, để hạn chế rút BHXH một lần, trước hết cần tuyên truyền để người lao động hiểu ý nghĩa, giá trị của BHXH và có chính sách hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trước mắt cho họ để giữ được mạng lưới an sinh.
Thực tế, việc rút quỹ BHXH một lần có thể vẫn không đủ nguồn lực để trang trải cuộc sống và tạo mở việc làm của gia đình người lao động. Do đó, rất cần những gói vay ưu đãi để hỗ trợ thêm cho họ. Đồng thời, cần có chính sách tạo sinh kế, giải quyết việc làm bền vững hoặc hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, chuyển đổi ngành. Hỗ trợ đào tạo lại nghề cho người lao động qua quỹ bảo hiểm thất nghiệp...
“Để hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần, giải pháp giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu là phù hợp, rất tốt cho người lao động. Đề xuất này đã được đưa vào dự thảo sửa đổi Luật BHXH. Thêm vào đó, phương án được đề xuất cho phép rút 50% BHXH một lần là giúp người lao động vượt qua được khó khăn trước mắt nhưng vẫn đảm bảo an sinh khi về hưu. Tuy nhiên, cần giải thích làm rõ ưu, nhược điểm để người dân đồng thuận”, ông Bùi Sỹ Lợi cho hay.
Ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất thêm một số giải pháp để hạn chế số người rút BHXH một lần, đó là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động; Sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội… Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già. Củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống BHXH thông qua đẩy mạnh cải cách tinh gọn bộ máy tổ chức thực hiện, nâng cao tính hiệu quả trong thực thi chính sách. Sửa đổi quy định chính sách nhằm phù hợp, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động tham gia BHXH. Do đó, người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi rút BHXH một lần, việc rút BHXH một lần chỉ là giải pháp cấp bách, lợi trước mắt nhưng sẽ thiệt thòi về lâu dài.
VOV