Rút khỏi BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cienco 1 dồn vốn đầu tư vào cầu Bạch Đằng
Cây cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng và Quảng Ninh cùng Quốc lộ 5B sẽ giảm thời gian đi Hà Nội - Quảng Ninh từ 180km xuống 130 km. Cienco 1 hiện là nhà đầu tư nắm giữ 10% chủ đầu tư dự án này. Nếu mua lại thành công, tỷ lệ sở hữu của Cienco 1 sẽ tăng lên 28%.
- 28-09-2016Đổi chủ liên tục, vậy cuối cùng, ai là chủ sở hữu thực sự của "ông lớn" Cienco 4?
- 27-07-2016Sai phạm nghiêm trọng Dự án Đường 5 kéo dài: Điểm danh Cienco1, TEDI
- 25-07-2016CIENCO1 “phủ nhận” cáo buộc của Thanh tra Chính phủ
Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1-CTCP (Cienco 1) mới đây đã phê duyệt chủ trương cơ cấu lại khoản đầu tư mà Tổng Giám đốc đề xuất. Theo đó, Cienco 1 sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại CTCP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (18%) cho CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành và nhận chuyển nhượng vốn CTCP BOT Cầu Bạch Đằng từ CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (9%) và CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành (9%).
Cụ thể, Cienco 1 sẽ bán hơn 14,81 triệu cổ phần tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ và mua lại tổng cộng 15,39 triệu cổ phần BOT Cầu Bạch Đằng.
Giá chuyển nhượng cổ phần sẽ được thực hiện theo Quy chế quản lý tài chính của TCT và các quy định pháp luật. Sau khi được HĐQT Cienco 1 chấp thuận, phương án này còn cần được sự phê duyệt của Bộ GTVT và tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho dự án.
Các công ty này đều là doanh nghiệp dự án được thành lập đóng vai trò nhà đầu tư BOT tại các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Bắc hiện nay. Dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ đã hoàn tất và đưa vào thu phí từ tháng 6/2015 và đang tiếp tục thi công giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, mở rộng đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới và xây dựng đường song hành hai bên với quy mô đường cấp VI đồng bằng. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, mới chỉ đạt hơn 40%, chiều dài cả 2 tuyến mới đạt khoảng 31/58km vào cuối tháng 9/2016.
Dự án cầu đường Bạch Đằng tại Hải Phòng do CTCP BOT Cầu Bạch Đằng làm chủ đầu tư, là đường dẫn và nút giao cuối tuyến kết nối tỉnh Quảng Ninh với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, được đầu tư theo hình thức BOT với tổng kinh phí hơn 7.600 tỷ đồng. Riêng cầu Bạch Đằng dài 3km, có 3 trụ tháp với 4 nhịp cầu dây văng.
Theo tính toán, cây cầu sẽ rút ngắn quãng đường Hà Nội đến TP Hạ Long (Quảng Ninh) từ 180km hiện nay xuống còn 130km; từ Hải Phòng đến Hạ Long từ 75km còn 25km.
CTCP BOT Cầu Bạch Đằng có vốn điều lệ 855 tỷ đồng, trong đó có 15% vốn nước ngoài (Tập đoàn SE - Nhật Bản). Cienco 1 là một trong các bên liên doanh tham gia dự án BOT này bên cạnh CTCP Đầu tư Cái Mép, CTCP Tập đoàn Phúc Lộc, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam,... Cienco 1 đang sở hữu 10% vốn tại đây. Nếu nhận chuyển nhượng số cổ phần trên, tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty tại đây sẽ tăng lên 28%.
Theo kế hoạch đề ra, Cầu Bạch Đằng sẽ hoàn thành vào tháng 7/2017. Cùng với Cầu Bạch Đằng, tại Hải Phòng, một dự án giao thông lớn khác cũng đang được thi công là Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện nối Đình Vũ tới Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Cảng container quốc tế Hải Phòng),...
Ngày 6/1 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND TP Hải Phòng và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức lễ hợp long nhịp cầu chính dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng). Đây cũng là cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á nối nút giao Tân Vũ (lý trình Km100+891 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) phường Tràng Cát, quận Hải An và điểm cuối tại vị trí tiếp giáp cổng cảng Lạch Huyện, huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng.
Người Đồng hành