MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sản xuất chip, chất bán dẫn giúp nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam

Sản xuất đồ điện gia dụng tại nhà máy của Công ty TNHH Panasonic Life Solutions Việt Nam, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Sản xuất đồ điện gia dụng tại nhà máy của Công ty TNHH Panasonic Life Solutions Việt Nam, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Hãng tin Sputnik nhận định ngành sản xuất chip - chất bán dẫn và phát triển công nghiệp vi mạch trở thành cuộc đua khốc liệt giữa các nước lớn, Việt Nam bắt đầu bước vào “con đường bán dẫn” và dần khẳng định vị thế cho thấy những chiến lược, tính toán hợp lý.

Cụ thể, đài Sputnik (Nga) đã dẫn bình luận của hai nhà nghiên cứu Lê Phan và Nguyễn Hải Thanh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đăng trên East Asia Forum nhận định về bước tiến của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

Trong đó, bản tin đề cập việc Samsung Electronics, nhà cung cấp DRAM lớn nhất thế giới vào năm 2021, chuẩn bị sản xuất lưới bóng chíp bán dẫn tại Việt Nam, với khoản đầu tư trị giá 850 triệu USD để sản xuất linh kiện bán dẫn tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng dự kiến khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Hà Nội vào cuối năm 2022 đầu năm 2023, không chỉ phục vụ cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á.

Theo các nhà kinh tế của CIEM, khoản đầu tư này của Samsung sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia, cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ, sản xuất chất bán dẫn cho nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh trên East Asia Forum: "Việc lựa chọn Việt Nam thay vì ưu tiên các địa điểm phát triển hơn nói lên tầm quan trọng ngày càng tăng của quốc gia Đông Nam Á này trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu".

Bên cạnh đó, bản tin cũng phân tích để làm rõ thực tế rằng Việt Nam không phải mới gia nhập ngành công nghiệp bán dẫn. Từ năm 1979, Việt Nam đã có nhà máy bán dẫn đầu tiên, tham gia sản xuất, nghiên cứu phát triển các loại vật liệu và linh kiện bán dẫn xuất khẩu sang các nước Đông Âu.

Hai chuyên gia thuộc CIEM giải thích, chính sách phát triển công nghiệp và công nghệ của Việt Nam luôn dành ưu đãi cao nhất cho các dự án công nghệ cao. Trong đó, có thể tính đến các ưu đãi như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế doanh thu và miễn giảm tiền thuê đất.

Một lợi thế khác của Việt Nam so với các nước láng giềng trong khu vực là nguồn nhân lực, tài năng kỹ thuật trẻ với chi phí tương đối thấp hơn. Hơn 40% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học của Việt Nam đang theo học chuyên ngành khoa học và kỹ thuật.

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có nhiều sinh viên tốt nghiệp kỹ thuật nhất. Việt Nam cũng tự hào là một trong những nền kinh tế mở hàng đầu thế giới, có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện và một chính phủ tương đối ổn định với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội rõ ràng.

Theo Thọ Anh

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên