Sáng tối 'bức tranh' các nhóm ngành năm 2023
SSI kỳ vọng chỉ số VN-Index tăng 15% vào cuối năm 2023. Ảnh Trọng Hiếu
Dù vẫn có cơ hội tại các nhóm ngành, song SSI Research lưu ý nhà đầu tư cần thận trọng và không nên bỏ qua tác động của các yếu tố có độ trễ, như lợi nhuận doanh nghiệp kém khả quan hoặc dòng vốn FDI yếu đi, vì những yếu tố này có thể chỉ bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối năm 2023.
- 13-01-2023Lọc tìm nhóm ngành khởi sắc nhờ đầu tư công
- 16-12-2022Dự báo thưởng Tết các ngành nhóm dệt may, da giày, điện tử có thể giảm sâu
- 03-11-2022Lộ diện nhóm ngành "vô địch" tăng trưởng lợi nhuận quý 3/2022
Trong báo cáo phân tích mới đây, SSI Research nhận định sự kiện Vạn Thịnh Phát vào đầu tháng 10/2022 kết hợp với các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn đã cho thấy những điểm yếu trong thị trường tài chính Việt Nam. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà trong môi trường lãi suất thấp (khi tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào tăng trưởng tín dụng), dưới hình thức các khoản vay ngân hàng trong nước, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay nước ngoài đi kèm với việc không có nhận thức đầy đủ về rủi ro đi kèm, đã và sẽ gây ra rủi ro thanh khoản cho Việt Nam trong năm 2023 và 2024.
Tuy nhiên, nhóm phân tích này cho rằng có một số điểm khác biệt trong 2022-2023 có thể giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này, thay vì rơi vào khủng hoảng như thời kỳ trước. Một là, sức khỏe ngành ngân hàng của Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với trước đây. Hai là các yếu tố giúp cân bằng vĩ mô của Việt Nam được kiểm soát tốt, bao gồm tăng trưởng tín dụng, lạm phát, tỷ giá và lãi suất. Ba là, các chính sách được sử dụng linh hoạt, bớt cứng nhắc hơn, phù hợp với giai đoạn có nhiều yếu tố bất định như hiện nay.
Đối với thị trường chứng khoán (TTCK), SSI Research cho rằng sau những biến cố trong năm 2022, TTCK sẽ có các yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen khi đã phản ánh khá nhiều rủi ro, bao gồm cả rủi ro định giá lại trong chu kỳ lãi suất tăng, cũng như triển vọng tăng trưởng kém khả quan hơn cho năm 2023, bên cạnh đó, Việt Nam đồng có thể sẽ ổn định hơn trong năm nay. Ngược lại, rủi ro về thanh khoản vẫn tồn tại xuyên suốt trong năm, do áp lực lớn đến từ lượng TPDN đến hạn.
"Mặc dù lãi suất có thể đã đạt đỉnh nhưng sẽ quay đầu với tốc độ khá chậm. Do đó thị trường bất động sản vẫn sẽ đối mặt với khó khăn kéo dài. Mặt khác, kì vọng được đẩy lên cao khi Chính phủ đang có những động thái thực tế hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn, nhưng đây không phải là câu chuyện có thể giải quyết trong ngắn hạn", SSI Research cho biết.
Đơn vị này kỳ vọng chỉ số VN-Index tăng 15% vào cuối năm 2023 với vùng điểm mục tiêu là 1.160 vào cuối năm. Mặc dù vậy, sẽ có những thời điểm trong năm chỉ số có thể vượt cao hơn so với ngưỡng mục tiêu này nhờ những động thái chủ động và quyết liệt của Chính phủ để đối phó với các thách thức vĩ mô. Bên cạnh đó, yếu tố xúc tác cho thị trường còn có câu chuyện đẩy mạnh đầu tư công và kỳ vọng Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại.
Dù vậy, nhà đầu tư cũng cần thận trọng và không nên bỏ qua tác động của các yếu tố có độ trễ, như lợi nhuận doanh nghiệp kém khả quan hoặc dòng vốn FDI yếu đi, vì những yếu tố này có thể chỉ bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối năm 2023.
Chọn lọc nhóm ngành
Về diễn biến cụ thể các nhóm ngành, SSI Research cho rằng nhóm cổ phiếu dệt may sẽ kém khả quan trong năm nay khi đối mặt với nhiều thách thức khi sản lượng tiêu thụ dự kiến sẽ giảm.
Với ngành dầu khí, theo SSI, năm 2023, tác động tích cực của việc giá dầu tăng cao lên các doanh nghiệp thượng nguồn thường có độ trễ so với các cổ phiếu khác, Ví dụ, PVD có khả năng sẽ bắt đầu có lãi sau khi chịu lỗ vào năm 2022 do giá thuê ngày của giàn khoan tự nâng và hiệu suất sử dụng cao hơn. Trong khi đó, những tên tuổi xây dựng như PVS có thể phải chờ thêm một thời gian nữa để các dự án dầu khí lớn trong nước khởi động.
Còn cổ phiếu tập trung vào trung nguồn như PVT có thể ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ trong năm 2023, nhưng vẫn duy trì triển vọng lợi nhuận ổn định do nhu cầu mạnh mẽ từ các thị trường liên quan. Mặt khác GAS và BSR sẽ chứng kiến lợi nhuận giảm do giá dầu bình quân giảm mặc dù sản lượng khí bán cho các nhà máy điện có thể vẫn tăng trưởng trong năm nay.
Với ngành ngân hàng, SSI nhận định trong nửa đầu năm 2023 vẫn có nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến ngành ngân hàng như FED tăng lãi suất điều hành, tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc từ mức cao của 2022 và rủi ro nợ xấu vẫn tiềm ẩn. Những thách thức này có thể dẫn đến sự điều chỉnh của một số cổ phiếu trong ngành, và cũng có thể tạo ra cơ hội đầu tư tốt đối với những cổ phiếu có yếu tố cơ bản vững chắc.
"Chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng đối với những ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay cao đối với lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, mặc dù chúng tôi tin rằng sẽ có những biến động lớn về giá đối với những cổ phiếu này trong năm 2023 xuất phát từ bất kỳ thay đổi nào về mặt chính sách liên quan đến thị trường bất động sản và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp", SSI dự báo.
Với ngành chứng khoán, SSI cho rằng có hai yếu tố tích cực cho triển vọng ngành này năm nay. Đầu tiên, nền tảng giao dịch KRX mới và các sản phẩm mới trên thị trường vốn (như việc việc áp dụng thanh toán bù trừ đối tác trung tâm (CCP) sẽ là chất xúc tác chính trong cả năm. Thứ hai, nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp mới của HNX, dự kiến ra mắt vào quý 1/2023 sẽ mang lại sự minh bạch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cải thiện tính thanh khoản cho thị trường TPDN thứ cấp.
"Về trung và dài hạn, chúng tôi cho rằng định giá thị trường chứng khoán đang ở mức hấp dẫn, bất chấp những khó khăn trong ngắn hạn. Do vậy, KQKD của các công ty chứng khoán sẽ có những chuyển biến tích cực trong năm 2023, định giá cổ phiếu có thể tăng lên từ quý 3/2023", báo cáo nêu rõ.
Trong khi đó, khó khăn với ngành bất động sản vẫn còn. Lãi suất cho vay có thể hạ nhiệt vào cuối năm 2023, nhưng sẽ không giảm mạnh. Ngoài ra, các chủ đầu tư có tình hình tài chính yếu kém hoặc thiếu năng lực bán hàng có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn về dòng tiền nếu chính sách tín dụng thắt chặt tiếp tục được thực thi và thanh khoản thị trường không được cải thiện, dẫn đến tình trạng trì hoãn phát triển dự án sẽ tiếp diễn. Thêm vào đó, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục gây áp lực cho ngành bất động sản và áp lực trả nợ trái phiếu vẫn còn đáng kể.
SSI cũng nhận định khó khăn đang bủa vây ngành cảng biển, logistics khi nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục yếu trong bối cảnh lạm phát cao. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại và khôi phục các chuyến bay quốc tế là yếu tố tích cực đáng kể đối với ngành, tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn có thể diễn ra tại các cảng Trung Quốc trong giai đoạn đầu mở cửa. Ngoài ra tình trạng thừa cung sẽ gây áp lực cho thị trường vận tải container, giá cước trong nước sẽ ổn định ở mức thấp và tỷ suất lợi nhuận của các công ty vận tải sẽ giảm.
Trong khi đó, ngành hàng không đang tiến dần đến phục hồi hoàn toàn khi các quốc gia trên thế giới đã giảm phân loại mức độ nghiêm trọng của COVID-19; Trung Quốc hủy bỏ chính sách Zero Covid, tạo cơ hội cho du lịch Châu Á -Thái Bình Dương và du lịch xuyên lục địa.
Dù vậy, đơn vị này ước tính các hãng hàng không vẫn lỗ trong 2023, mặc dù lỗ ít hơn so với 2022, khi nhu cầu dồn nén du lịch trong nước và thu nhập khả dụng giảm ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch quốc tế và trong bối cảnh cạnh tranh về giá để giành thị phần. Ngoài ra, một số biện pháp tiết kiệm chi phí, như khấu hao theo giờ bay trong COVID-19 có thể không còn hiệu quả khi bước vào giai đoạn phục hồi, thêm một áp lực chi phí đối với các hãng hàng không. Do vậy, cổ phiếu hàng không thích hợp để theo dõi trong trung hạn, khi doanh thu, lợi nhuận cải thiện.
Ngoài ra, SSI Research cũng đưa ra dự báo với các nhóm ngành khác như lãi suất cao sẽ tác động tích cực đến nhóm ngành bảo hiểm, tuy nhiên lợi nhuận thuần hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ không khả quan. Với ngành bán lẻ, SSI Research dự báo mức trung lập vì tiêu dùng cho các sản phẩm không thiết yếu sẽ vẫn ảm đạm, ít nhất là cho đến nửa đầu năm 2023 do những khó khăn về kinh tế vĩ mô.
Với ngành thủy sản, lạm phát sẽ tiếp tục là một thách thức đối với ngành này trong bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm. Dù vậy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành vào năm 2023. Còn với ngành thực phẩm và đồ uống, SSI giữ quan điểm thận trọng hơn về triển vọng của phân khúc bia do áp lực suy thoái kinh tế đối với sức mua của người tiêu dùng và chi phí đầu vào gia tăng. Còn với phân khúc sữa, nhóm phân tích này không nhận thấy động lực thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ trong năm 2023, đặc biệt khi người tiêu dùng ngày càng lo lắng về thu nhập.
Nhà đầu tư