Sao chép lệnh của các cao thủ chứng trường: Đừng để Copy Trade trở thành Copy "Chết"
Dịch vụ Copy Trade ra đời với bản chất là phục vụ nhu cầu có thật trong cộng đồng đầu tư là được "phím hàng". Tuy nhiên, không hoàn toàn nhà đầu tư tham gia sẽ hưởng lợi trong cuộc chơi này.
Vài năm trở lại đây, hoạt động Copy Trade (Sao chép giao dịch) trên thị trường Việt Nam được một số công ty chứng khoán hợp thức hóa thành sản phẩm dịch vụ và cung cấp đến nhà đầu tư. Sản phẩm này được giới thiệu là công cụ giúp nhà đầu tư có thể sao chép y nguyên danh mục mẫu, lệnh mua/bán gần như được thực hiện theo sau ngay lập tức với tỷ lệ tương ứng. Nhà đầu tư hoàn toàn không cần thao tác nhập lệnh vẫn có thể giao dịch như bình thường. Chia sẻ từ phía các công ty chứng khoán, dịch vụ này hướng đến những người có tiền nhàn rỗi nhưng không có nhiều thời gian để nghiên cứu đầu tư doanh nghiệp, hay theo dõi bảng điện.
Thị trường hiện ghi nhận hai loại hình sao chép giao dịch chính. Một là các công ty chứng khoán xây dựng danh mục mẫu cho nhà đầu tư lựa chọn. Loại hình này thông thường sẽ ít rủi ro hơn do danh mục khuyến nghị được đội ngũ chuyên gia phân tích của các công ty chứng khoán và cung cấp thông tin, luận điểm đầu tư một cách rõ ràng.
Song, phổ biến với nhà đầu tư hơn là phương thức Copy Trade từ các trader (là các môi giới, nhà đầu tư...). Những người này thường gọi là "leader" sẽ tự xây dựng danh mục tại các tài khoản mẫu của riêng mình, dẫn tới việc danh mục có sự biến động mạnh, giao dịch với tần suất lớn. Danh sách "leader" được các được các công ty chứng khoán liệt kê, bao gồm các thông tin về hiệu quả đầu tư, tổng tài sản, số lượng người sao chép hay cấp độ rủi ro của các tài khoản… Các "leader" sẽ "đi lệnh" cho hàng chục tới hàng trăm, hàng nghìn tài khoản cùng một lúc.
Cuộc chơi Copy Trade - "Có phúc cùng hưởng, có họa tự chịu"?
Dịch vụ Copy Trade ra đời với bản chất là phục vụ nhu cầu có thật trong cộng đồng nhà đầu tư đã tồn tại từ lâu, đó là được "phím hàng". Với hình thức này, với vai trò là bên cung cấp nền tảng, các công ty chứng khoán vừa có thể thu hút người tài cũng như thu phí từ nhà đầu tư sử dụng sản phẩm. Với các nhà đầu tư, thay vì bỏ thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về doanh nghiệp, lịch sử giá cổ phiếu, tỷ lệ mua bán, điểm cắt lỗ hay chốt lời, họ sẽ sao chép lệnh của tài khoản mẫu và hầu như sẽ không quan tâm đang giao dịch cổ phiếu gì. Tuy nhiên, không toàn hoàn nhà đầu tư tham gia sẽ hưởng lợi trong cuộc chơi Copy Trade này.
Rủi ro thứ nhất xảy đến khi tài khoản "leader" không phải lúc nào cũng lãi, thị trường không phải lúc nào cũng thuận lợi. Những mức hiệu suất sinh lời "khủng" được các tài khoản mẫu công bố đều đã ở trong quá khứ, trong những giai đoạn thị trường sôi động và tăng trưởng mạnh. Không có điều gì đảm bảo điều này sẽ tái hiện trong tương lai. Nếu bối cảnh thị trường thay đổi thì hiệu suất đầu tư của nhiều "leader" sẽ nhanh chóng sụt giảm và nhà đầu tư hoàn toàn có thể thua lỗ theo tài khoản mẫu mà họ copy.
Ghi nhận từ dữ liệu tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ Copy Trade, mức hiệu suất đầu tư tính trong khoảng thời gian 1 năm qua của các "leader" tương đối khả quan, phần lớn đều dương và tốt hơn Index chung. Tuy nhiên, nhìn hẹp hơn trong khoảng vài tháng trở lại đây, không ít tài khoản "leader" có hiệu suất thua xa diễn biến của Index chung, thậm chí ghi nhận âm khá sâu.
Điển hình là một "leader" có tiếng trên thị trường với lượng sao chép lớn nhất là gần 1.300 tài khoản. Theo ghi nhận, giai đoạn năm 2023, hiệu suất của "leader" này khá tốt, vượt trội Index. Tuy nhiên trong 6 tháng gần nhất, hiệu suất đầu tư của "leader" này âm tới 15% bất chấp thị trường chung khởi sắc, thậm chí các nhóm cổ phiếu thay phiên dậy sóng. Nhiều nhà đầu tư còn nói vui nên hành động ngược với "leader" này để đạt hiệu quả tốt hơn. Hiện tài khoản này đã không còn công khai danh mục đầu tư.
Với mức hiệu suất tốt các "leader" công khai, chỉ những nhà đầu tư thực hiện mua bán theo các "leader" từ thời điểm khởi đầu mới có thể có mức sinh lời tương tự. Khi giá cổ phiếu đã tăng quá mạnh tất yếu sẽ gặp áp lực điều chỉnh, gây ra rủi ro lớn cho người gia nhập sau. Nếu việc theo dõi và copy lệnh mua bán chỉ mới được thực hiện trong vài tháng trở lại đây thì khả năng thua lỗ rất cao. Những nhà đầu tư FOMO gia nhập tại vùng đỉnh của danh mục đầu tư sẽ rơi vào tình cảnh vừa đặt lệnh mua thì cổ phiếu quay đầu giảm sâu, kết cục buộc phải ngậm ngùi cắt lỗ vì "đu đỉnh".
Rủi ro thứ hai liên quan tới phí giao dịch. Copy Trade là dịch vụ cấp cao nên rõ ràng mức phí giao dịch cũng sẽ không hề thấp. Như vậy, chưa tính đến việc lãi lỗ danh mục, nhà đầu tư ngay khi đăng ký sao chép giao dịch đã mất một khoản phí.
Chưa dừng lại, phần lớn những tài khoản "leader" theo trường phái đầu cơ, có tần suất giao dịch tương đối lớn, "sáng bán, chiều mua, T+ lại bán", khiến nhà đầu tư đi theo cũng phải giao dịch rất nhiều, tốn phí - điều thường được "tặc lưỡi" cho qua mỗi khi thị trường Uptrend. Theo tính toán, tỷ trọng chi phí có thể chiếm đáng kể tổng giá trị giao dịch, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả đầu tư.
Thứ ba, nhiều nhà đầu tư thực hiện sao chép giao dịch mà không để ý tới việc hiệu suất các tài khoản "leader" công bố chưa bao gồm thuế phí, chỉ tính theo giá mua/bán trên sàn. Do đó, mức hiệu suất đầu tư thực tế của các nhà đầu tư copy theo trên thực tế có thể thấp hơn nhiều mức công bố của các "leader". Như vậy, với việc “đốt tiền” vào nhiều khoản phí, nếu mức sinh lời quá thấp thì thậm chí nhà đầu tư sẽ vẫn ghi nhận tổng tài sản bị hao hụt.
Rủi ro thứ tư liên quan tới chất lượng của các "leader". Hiện các tài khoản "leader" đa phần là các môi giới, hoặc các nhà đầu tư phổ thông với trình độ chuyên môn chưa được đảm bảo, ngoại trừ "hiệu suất danh mục được công bố". Việc đúng trong quá khứ không đồng nghĩa sẽ tiếp tục đúng trong tương lai. Chưa kể tới việc không ít "leader" là các Broker chứng khoán thực hiện giao dịch tần suất lớn để hưởng phí giao dịch, hoặc phục vụ các mục đích không lành mạnh như tạo lập, thao túng cổ phiếu... và người thiệt hại cuối cùng là các nhà đầu tư.
Không những vậy, việc mua bán kéo theo đám đông sao chép với giá trị hàng trăm tỷ đồng có thể ảnh hưởng lớn đến cung cầu của cổ phiếu được giao dịch, do đó dễ dàng bị các "đội lái", tạo lập thị trường theo dõi. Hậu quả có thể khiến chính tài khoản mẫu và những nhà đầu tư sao chép trở thành nạn nhân trong những phong trào hô hào, làm giá cổ phiếu. Nếu không may mắn thì nhà đầu tư hoàn toàn sẽ bị "đánh úp" bởi các tay to trên thị trường.
Có thể nói, mô hình Copy Trade sẽ không đảm bảo giúp nhà đầu tư tránh khỏi việc thua lỗ. Việc ủy thác tiền của mình cho các "leader" đồng nghĩa phó mặc tiền cho người khác và rủi ro là điều không tránh khỏi, đặc biệt trong môi trường nhiều biến động như hiện nay. Việc tìm kiếm các "leader" đủ "tâm và tầm" có lẽ cũng không dễ dàng. Thay vì tìm kiếm các "leader" chỉ bằng một vài thông số hiệu suất trong quá khứ, nhà đầu tư có thể tìm đến các quỹ đầu tư được cấp phép, uy tín trên thị trường để đặt niềm tin. Ngoài ra, để đầu tư thành công trên thị trường, có lẽ nhà đầu tư cần tự chủ cho mình phương pháp, thay vì phó thác hoàn toàn cho người khác.